Quỳ Hợp (Nghệ An): Sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng tại đồng bào thái

Đặt vấn đề – Nói đến bảo vệ và phát triển rừng, người ta chủ yếu quan tâm đến vấn đề quản lý hành chính mệnh lệnh, đưa các đối tượng cần bảo vệ (sinh cảnh, loài động thực vật…) khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt nhưng lại chưa quan tâm nhiều đến đời sống của người dân nghèo sống gần rừng dẫn đến tài nguyên rừng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng ngày càng cạn kiệt và suy thoái.

Chính vì thế, vấn đề cốt lõi cần quan tâm giải quyết đó là tạo nên sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng, không phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên có sẵn mà lợi dụng điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu và tài nguyên đa dạng sinh học để phát triển bền vững.

Từ nhận thức đó năm 2015, được sự tài trợ của Chương trình dự án nhỏ – Quỹ Môi trường toàn cầu – Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (GEF SGP/UNDP) cho triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trồng cây Hương bài và đào tạo nghề làm hương góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng và tạo sinh kế ổn định cho đồng bào Thái tại xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An”.

Nghề làm hương góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng và tạo sinh kế ổn định cho đồng bào Thái.

1. Bối cảnh dự án và cách giải quyết vấn đề

Châu Cường là xã miền núi đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 của Chính Phủ, cách thị trấn Quỳ Hợp 17 km. Tổng diện tích tự nhiên 8.375,45 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 754,0 ha (chiếm 9%), diện tích đất lâm nghiệp 7.055,33 ha (chiếm 84.24 %). Đất rừng tự nhiên có 4.173 ha và đất trống đồi núi trọc và rừng trồng có 2.882,13 ha. Toàn xã có 1.154 hộ với 5.170 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái 1.079 hộ (chiếm 93,5% số hộ) với 4.822 nhân khẩu (chiếm 93,27% dân số), còn lại là người Kinh, Thanh, Thổ, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với 1.222 hộ (chiếm 97,22%), có 28 hộ nông nghiệp kiêm thêm dịch vụ, chỉ có 3 hộ phi nông nghiệp, phương thức canh tác của ngư dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp đốt nương làm rẫy, khai thác lâm sản nên gặp rất nhiều khó khăn, toàn xã có 369 hộ nghèo (chiếm 31,53%).

Cây hương bài (huệ rừng, lưỡi dòng…) có tên khoa học là Dianella ensifolia dc (Dianella odorata lamk. Dianella javanica sandwicensis hook. Et arn. Dieanella nemorposa (I) Dc), thuộc họ lúa Poaceae. Hương bài là cây lâm sản ngoài gỗ, có chiều cao từ 40 – 50 cm, lá mọc so le, có bẹ lá ôm lấy thân, lá có hình mũi mác, màu xanh lá mạ. Hoa mọc thành cụm, ở tận cùng dài từ 10 – 20 cm. Quả mọng, khi chín có màu tím sẫm, hay màu xanh đen, hình cầu. Cây hương bài có bộ rễ chùm, ăn sâu, bám chắc vào đất nên tạo nên kết cấu bảo vệ đất, chống xói mòn tốt. Cây thích hợp nhiều loại đất, ít chua, thoát nước, không bị chặt, thích hợp nhất là đất Feralit đỏ vàng, lẫn sỏi đá. Đây là loài cây mọc tự nhiên trong rừng ở nhiều nơi khu vực miền núi trung du phía bắc và tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, do việc khai thác quá mức nên trong rừng tự nhiên hiện nay còn rất ít và trở nên khan hiếm, không đủ cung cấp nguyên liệu cho việc sản xuất hương trong nước và xuất khẩu. Do cây có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, dễ thu hoạch, bảo quản nên người dân một số địa phương đã gây trồng cho thu nhập cao, giúp dân thoát khỏi đói nghèo, trở nên khá giả.

• Phương pháp giải quyết vấn đề của dự án

Nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực cho cán bộ chính quyền và người dân về chuyển đổi phương thức sản xuất mới, sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường; hỗ trợ kỹ thuật cho cộng đồng thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng cây hương bài và kỹ thuật sản xuất hương, tham quan học tập các mô hình đã trồng cây hương bài và sản xuất hương thành công; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn trồng cây hương bài trên đất lâm nghiệp được giao. Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất hương trầm bằng nguyên liệu tự nhiên cung cấp cho thị trường.

2. Mục tiêu

Mục tiêu chung:

Phát triển sinh tế bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa góp phần ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái. Cụ thể:

Mục tiêu cụ thể:

Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức, kiến thức người dân và cán bộ chính về chuyển đổi phương thức sản xuất mới thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo và các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời nâng cao năng lực và sự hiểu biết của các đối tượng tham gia và thụ hưởng về GEF và GEF SGP và tăng cường mối quan hệ đối tác giữa của các bên tham gia dự án.

Mục tiêu 2: Xây dựng mô hình canh tác nông lâm kết hợp trồng cây hương bài và nghề làm hương cho cộng đồng 3 bản của xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Nghệ An, nhất là phụ nữ góp phần bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, bảo vệ đất chống xói mòn rửa trôi đất, tăng chức năng phòng hộ của rừng.

3. Các kết quả của dự án

Nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực cho cán bộ và người dân

Dự án đã tổ chức các cuộc hội nghị truyền thông, tham vấn cộng đồng cấp huyện, xã, thôn bản với 305 người tham gia nhằm giới thiệu về GEF SGP/UNDP, về dự án và các chính sách dự án, xác định trách nhiệm của các bên liên quan trong thực thi dự án. Tổ chức các chuyến tham học tập kinh nghiệm trồng hương bài và tham quan làng nghề sản xuất hương cho 135 cán bộ cấp huyện, xã và người dân xã Châu Cường. Sau khi học tập cán bộ và người dân rất tích cực tham gia xây dựng mô hình.

Dự án tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ thuật trồng hương bài cho 150 nông dân tại các bản Nhạ, Bản Khì, Bản Tèo, Đồng Tiến, Mường Ham. Trong đó có 78 nữ (chiếm 52%), 72 nam (chiếm 48%). Người dân tộc Thái 150 người (chiếm 100%). Tổ chức 02 lớp đào tạo nghề sản xuất hương trầm cho 50 học viên, trong đó có 42 nữ (chiếm 84%) và 8 nam (chiếm 16%).

Xây dựng mô hình trồng cây hương bài và mô hình sản xuất hương trầm

Đối với mô hình trồng cây hương bài: Dự án đã tổ chức khảo sát quy hoạch vùng trồng hương bài, đưa ra tiêu chí lựa chọn hộ tham gia dự án phải có lao động, đất đai được nhà nước giao sử dụng ổn định lâu dài (Nghị định 163/1999/ NĐ-CP của Chính phủ giao đất lâm nghiệp và Nghị định 64/1993/NĐ-CP về giao đất nông nghiệp). Các hộ dân tự nguyện viết đơn tham gia dự án và tuân thủ các nguyên tắc của dự án trong đó: Dự án cho vay cây giống và phân bón NPK, các hộ dân đóng góp vật tư, ngày công lao động, đất đai… để xây dựng mô hình. Trên cơ sở đó tiến hành đo đạc, khảo sát, thiết kế cho từng hộ dân. Hồ sơ thiết kế được Phòng NN&PTNT huyện thẩm định và UBND huyện phê duyệt.

Trong 2 năm 2015, 2016 dự án đã tiến hành tổ chức hướng dẫn 66 hộ gia đình trồng được 12,2 ha cây Hương bài, trong đó 9,94 ha trồng thuần loài và 1,76 ha trồng xen cây lâm nghiệp. Năm 2016 có 3 hộ người dân tự đầu tư trồng 0,5 ha. Năm 2017 có 6 hộ đầu tư trồng 2,5 ha. Để đảm bảo cho việc phát triển cây hương bài lâu dài, các hộ gia đình đã ký kết hợp đồng với chính quyền, BQL dự án cam kết sẽ hoàn trả vốn vay ban đầu cho dự án.

UBND xã Châu Cường quyết định thành lập BQL Quỹ phát triển cây hương bài. Cộng đồng đã tự xây dựng Quy chế phát triển cây hương bài quy định trách nhiệm của các hộ gia đình trong việc phát triển cây hương bài, đồng thời xây Quy chế trồng cây hương bài gắn với phát triển và bảo vệ rừng trong cộng đồng quy định về khai thác lâm sản, chăn thả gia súc, phòng cháy chữa cháy rừng… Trong cộng đồng đã tự chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình, hoàn trả lại cây giống, phân bón vay ban đầu cho các hộ gia đình khác trong thôn bản để nhân rộng ra các bản khác.

Đối với mô hình sản xuất hương, dự án xây dựng 02 mô hình tổ nhóm hợp tác sản xuất hương trầm và mỗi mô hình được hỗ trợ 2 máy đập bột. Các tổ nhóm này tự xây dựng quy chế quỹ phát triển nghề sản xuất hương, Quy chế quản lý, sử dụng, vận hành máy móc sản xuất hương trầm. Trong năm 2016, Tổ nhóm Đồng Tiến đã tự sản xuất 67.000 cây hương trầm bán ra thị trường doanh thu đạt 27.000.000 đồng. Năm 2017 dự kiến sản xuất từ 180.000 – 200.000 que hương.

Các chính sách của dự án đều được công khai, minh bạch, người dân được tham gia vào toàn bộ quá trình thực hiện dự án, từ thảo luận, quy hoạch, đo đạc, trồng hương bài, sản xuất hương, xây dựng các quy chế. Dự án đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống, giảm áp lực vào tài nguyên rừng, góp phần vệ và phát triển rừng tại cộng đồng và địa phương.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, thông tin quảng bá về dự án

Để mở rộng mô hình trồng Hương bài, dự án đã tiến hành tổ chức cuộc hội nghị đầu bờ nhằm chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng ra các bản, xã khác có điều kiện tự nhiên, xã hội tương tự. Bên cạnh đó Dự án tổ chức cuộc hội nghị lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và người dân về quy trình kỹ thuật trồng cây hương bài và tổng kết đánh giá các hoạt động của dự án. Ngoài ra, để quảng bá các hoạt động của dự án, dự án xây dựng 03 pa-nô, thiết kế, in ấn 01 cuốn sổ tay về Hỏi đáp về kỹ thuật trồng cây hương bài và kỹ thuật sản xuất hương trầm, 01 cuốn sổ tay giới thiệu về các hoạt động của dự án phát cho cán bộ chính quyền các cấp và người dân. Xây dựng 01 phóng sự video clip, 04 tin bài PTTH huyện, tỉnh; có 5 tin, bài báo viết, báo mạng và phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật trồng cây hương bài trên tạp chí khoa học và công nghệ tỉnh.

3. Các tác động về môi trường, xã hội, kinh tế và chính sách

Tác động môi trường

Việc trồng Hương bài trên đất dốc lâm nghiệp có tác dụng bảo vệ đất, chống xói mòn rửa trôi. Hương bài trồng xen cây lâm nghiệp cũng sẽ tạo ra mô hình nông lâm kết hợp, tạo nhiều tầng tán hấp thu không gian dinh dưỡng, giữ nước, giảm cường độ xói mòn, rửa trôi đất, từ đó tăng chức năng phòng hộ của rừng. Đồng thời góp phần tăng thu nhập làm giảm áp lực chặt phá, khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ trái phép, góp phần bảo vệ rừng tự nhiên, giúp cho việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, giữ vững cân bằng sinh thái, điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ ống, lũ quét và hạn hán, phòng hộ bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển bền vững.

Tác động về mặt xã hội

Dự án triển khai xây dựng mô hình trồng hương bài và sản xuất hương trầm đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, tăng thu nhập, giúp ổn định cuộc sống người dân…

Mô hình trồng hương bài và sản xuất hương trầm đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất.

Tác động kinh tế và chính sách

Sau 14 – 16 tháng thu hoạch từ 60 – 143 triệu đồng/ha, trung bình 71,5 – 77 triệu đồng/ha, thu nhập gấp 6 -7 lần so với trồng keo. Cây hương bài có giá trị kinh tế cao hơn, thu nhập ổn định hơn do có thị trường đầu ra.

Dự án trồng cây Hương bài và đào tạo nghề sản xuất hương thành công là kết quả bước đầu đã làm thay đổi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong phát triển nông nghiệp, chuyển vùng đất trước đây bị bỏ hoang hóa, trồng cây có giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị kinh tế cao hơn. Hình thành nên chuỗi sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, gắn kết từ người sản xuất đến doanh nghiệp thu mua, chế biến thông qua các cam kết của các bên.

Đảng ủy, UBND xã Châu Cường có nghị quyết phát triển bền vững cây Hương bài. UBND huyện ban hành 01 quy trình kỹ thuật trồng cây Hương bài áp dụng trên địa bàn huyện, đồng thời có chủ trương quy hoạch, phát triển mở rộng cây Hương bài ra các xã lân cận Châu Cường như Châu Thái, Châu Thành, Châu Quang…

4. Khó khăn, thách thức và hướng khắc phục phát triển cây hương bài

Những thách thức, khó khăn: (1) Việc chuyển đổi một phương thức sản xuất mới (quỹ phát triển cây hương bài quay vòng, quỹ phát triển nghề sản xuất hương), phương pháp tiếp cận kỹ thuật trồng mới đối với đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; (2) Tình hình diễn biến thời tiết, dịch hại diễn ra bất thường do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất cây Hương bài; (3) Tình hình tiêu thụ tiêu thụ rễ hương bài phụ thuộc vào doanh nghiệp thu mua, giá cả thiếu ổn định; (4) Triển khai xây dựng mô hình hợp tác trong sản xuất còn mới còn lúng túng, việc tiếp cận với cơ chế thị trường ở vùng sâu, vùng xa chưa được chú trọng; (5) Việc thực hiện nhất quán trong quy hoạch các loại cây trồng ở địa phương dễ gây chồng lấn.

Biện pháp khắc phục: Tiếp tục tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích trên cơ sở các mô hình đã thành công, theo dõi tình hình diễn biến thời tiết để cơ cấu mùa vụ phù hợp; Chính quyền cần định hướng quy hoạch để không có sự chồng lấn các loại cây trồng; xây dựng tổ chức HTX, tổ nhóm hợp tác để sản xuất có tính liên kết chặt chẽ làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho các hội viên, hàng hóa sản xuất ra có uy tín, chất lượng và quảng bá thương hiệu.

Nguyễn Thị Thu Huyền – Phan Quang Tiến – Nguyễn Hồng Sơn (Điều phối viên UNDP/GEF SGP, Trung tâm Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường rừng, Trung tâm Vị Nông)