Quy hoạch tổng thể quốc gia cụ thể hóa chiến lược phát...

Quy hoạch tổng thể quốc gia cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước

BVR&MT – Quy hoạch tổng thể quốc gia cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Để có thêm cơ sở tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch trước khi trình Chính phủ và Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế, các công ty tư vấn quốc tế về dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cùng Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Carolyn Turk đồng chủ trì Hội thảo.

 Hội nghị diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế (Ảnh: HNV)

Định hướng phân vùng và liên kết vùng khoa học, tạo không gian phát triển đồng bộ

Tại Hội thảo, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin, nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia (bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời) một cách khoa học để tạo không gian phát triển đồng bộ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn với sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế hiệu quả.

Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia được nhìn nhận trên 6 quan điểm bao gồm: (1)- Tổ chức không gian phát triển quốc gia thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của quốc gia; (2)- Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả; (3)- Phát triển theo hướng bền vững; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; bảo vệ môi trường bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp; (4)- Tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bộ khung tổ chức không gian phát triển cả nước, các vùng và hình thành hệ thống đô thị quốc gia có năng lực cạnh tranh cao, phân bố hợp lý, tạo động lực quan trọng cho phát triển; (5)- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia sâu vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu; lấy nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, là quyết định; thu hút nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; (6)- Tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực đất liền với không gian biển, tham gia có hiệu quả các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực và quốc tế; gắn phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Cũng theo các đại biểu tham dự Hội thảo, việc thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Cụ thể hơn, đến năm 2030 sẽ hình thành một số vùng động lực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào ngân sách; hình thành các hành lang kinh tế trọng điểm; Hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được  mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 – 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế. Các đô thị đóng vai trò dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các vùng phụ cận, khu vực nông thôn; Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, bao gồm các trục giao thông Bắc – Nam (QL 1A và đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, một số đoạn của đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Tây, một số đoạn của đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam), các trục giao thông Đông – Tây quan trọng, các hành lang kinh tế trọng điểm các vùng, các cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển (Lạch Huyện, Cái Mép – Thị Vải), các cảng hàng không quốc tế lớn (Long Thành, Nội Bài). Hình thành hạ tầng số đồng bộ, hiện đại là hạ tầng thiết yếu phục vụ chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển, các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học. Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị khẳng định vai trò quan trọng của Quy hoạch tổng thể quốc gia (Ảnh: HNV)

Trong khi đó, đến năm 2050, các vùng phát triển hài hoà, bền vững, phát huy tiềm năng, khai thác tốt nhất các thế mạnh về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực, liên kết mạnh mẽ cùng phát triển. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (Hà Nội – Cần Thơ), tuyến đường sắt qua Tây Nguyên, đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Tây, các trục Đông – Tây quan trọng, các hành lang kinh tế trọng điểm các vùng, các cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển (Lạch Huyện, Cái Mép – Thị Vải), các cảng hàng không quốc tế lớn (Long Thành, Nội Bài), hạ tầng giao thông đô thị và đường vành đai vùng đô thị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển, các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn; nâng cao chất lượng đa dạng sinh học. Đến năm 2050, môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, trong lành và an toàn; xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.

TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đưa ra một số định hướng trọng tâm về tổ chức không gian phát triển đất nước, trong đó đề cập tới các hành lang kinh tế (dọc theo trục Bắc – Nam và theo hướng Đông – Tây) cũng như đề xuất các vùng động lực quốc gia (Vùng động lực Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Vùng động lực TP. Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa-Vũng Tàu; Vùng động lực Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi; Vùng động lực Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang) cùng các đô thị động lực (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ của quốc gia, có vai trò tiên phong dẫn dắt đổi mới, sáng tạo). Ngoài ra, cũng đề cập tới tổ chức không gian biển, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, tạo mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa khu vực đất liền với không gian biển và liên kết phát triển với các nước trong khu vực.

Bố trí không gian phát triển quốc gia hợp lý dựa trên tiềm năng thế mạnh của đất nước

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tiếp tục khẳng định: quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030  (Ảnh: Thu Hà)

Cũng tại Hội thảo, theo TS. Danny Leipziger, WB, Việt Nam nên coi bản quy hoạch là tài liệu sống, liên tục cập nhật, bám thực tế. Cùng với đó, theo dõi, đánh giá một cách chủ động. Việc học hỏi kinh nghiệm các quốc gia cũng cần được đánh giá, điều chỉnh hàng năm. TS Danny Leipziger kiến nghị, cách tiếp cận cơ bản theo hành lang hay tái cơ cấu lại các vùng động lực kinh tế, để phù hợp với kỳ vọng cho Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để thu hút đầu tư phải có ngành nghề mới, gắn với tập trung dân cư bằng việc phát triển các đo thị thông minh, có được các đại đô thị. Đồng thời cũng cần phải trao đổi khả năng đánh đổi du lịch sinh thái và các ngành, lĩnh vực khác cũng như khi đề cập đến phát triển biển thì phải có đánh đổi, cân nhắc các yếu tố về môi trường.

Góp ý về định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia trong dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam, TS. Phó Đức Tùng, WB cho rằng, việc phát triển hệ thống đô thị quốc gia cần đảm bảo các yếu tố bền vững và an ninh quốc phòng. Quy mô của hệ thống đô thị tất yếu sẽ tăng, tỷ lệ đô thị hoá dự kiến đạt 50% vào năm 2030 và 70% vào năm 2050, dự kiến đóng góp tới 85% vào GDP năm 2030, tỷ lệ đất xây dựng đô thị đạt 2,3% diện tích tự nhiên.

Hệ thống đô thị cần phải phát triển thành mạng lưới, có mối liên kết hệ thống, chứ không chỉ là một tập hợp các điểm đô thị rời rạc. Quy hoạch và hạ tầng cần đi trước một bước, làm định hướng cho phát triển đô thị. Quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia cần có định hướng về những xu thế phát triển và dịch chuyển không gian lớn cấp quốc gia của hệ thống đô thị, để có những giải pháp định hướng, chứ không chủ là những phát triển tự phát.

Hệ thống hạ tầng mang tính định hướng quốc gia gồm những hạ tầng chiến lược nhằm hướng tới thực hiện hoá định hướng quy hoạch và tăng cường hiệu quả của hệ thống đô thị cần phải được thực hiện trước, để dẫn dắt phát triển đô thị chứ không phải chỉ là đi sau để phục vụ cho những đô thị hiện hữu.

Dịp này, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đề xuất cần dành không gian đáp ứng các thích ứng mới chưa lường tới được đồng thời, cần thay đổi cách tiếp cận theo tổng thể quy hoạch quốc gia – vùng, thay vì theo từng địa phương như trước đây.