Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

BVR&MT – Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 67/2019/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Theo đó, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) được quy định bằng tỷ lệ (%) giá trị quặng nguyên khai của khu vực khoáng sản được phép khai thác. Nghị định cũng nêu rõ căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Ảnh minh họa.

Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính trên các căn cứ theo công thức sau:

T = Q x G x K1 x K2 x R

Trong đó:

T – Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính đồng Việt Nam;

Q – Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định này; đơn vị tính là m3; tấn; kg và các đơn vị khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản;

G – Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trị giá đơn vị khoáng sản nguyên khai, sau khai thác, được xác định trên cơ sở giá tính thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và được quy định cụ thể tại Điều 7 Nghị định này; đơn vị tính là đồng/đơn vị trữ lượng;

K1 – Hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác được quy định: Khai thác lộ thiên K1= 0,9; khai thác hầm lò K1= 0,6; khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và các trường hợp còn lại K1= 1,0;

K2 – Hệ số liên quan đến điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn áp dụng theo Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quy định về pháp luật đầu tư: Khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, K2= 0,9; khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng kinh tế – xã hội khó khăn, K2= 0,95; các khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng còn lại, K2= 1,0;

R – Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính là phần trăm (%).

Quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

1. Việc quản lý, sử dụng, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; ưu tiên sử dụng để bảo đảm cho hoạt động điều tra, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường nhưng không vượt quá 10%.

2. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương, đối với Giấy phép do Trung ương cấp; 100% cho ngân sách địa phương, đối với Giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp.

3. Việc tổ chức xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong phạm vi dự toán chi ngân sách giao cho cơ quan Tài nguyên và Môi trường theo phân cấp hiện hành quy định tại Luật ngân sách nhà nước.

4. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp xác định bằng tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp phân bổ cho số năm khai thác. Điều kiện xác định khoản chi được trừ thực hiện theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh là cơ quan tiếp nhận, kiểm tra, tổ chức tính, thẩm định và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2019; Nghị định số 203/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định phương pháp tính, mức thu tiền khai thác khoáng sản sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Thạch Thảo