Quy định về chuỗi các sản phẩm không gây mất rừng, suy thoái rừng nhập khẩu vào Châu Âu (EUDR)

BVR&MT – Để có thể đảm bảo được không có sản phẩm nào gây mất rừng, suy thoái rừng lên được kệ hàng tại các siêu thị Châu Âu, ngày 06 tháng 12 năm 2022 Ủy ban Châu Âu đã thông qua Quy định “Chuỗi các sản phẩm không gây mất rừng suy thoái rừng xuất, nhập khẩu vào EU” (EUDR).

Cà phê trồng dưới tán rừng mận (nông lâm kết hợp).

Lý do hình thành quy định EUDR

Hàng năm châu Âu nhập khẩu hàng trăm tỷ USD (Năm 2021 nhập khẩu nông sản từ các nước ngoài châu Âu là 37,63 tỷ USD) các mặt hàng nông nghiệp như Cà Phê, Ca Cao, Dầu Cọ, Giấy, Cao Su, các sản phẩm gỗ…(Riêng Cao su tự nhiên năm 2021 EU nhập 9,6 tỷ USD) từ các nước vùng nhiệt đới. Đây là những sản phẩm được các Quốc gia vùng nhiệt đới gây trồng, nhiều quốc gia do mở rộng diện tích canh tác đã phá đi hàng triệu ha rừng nhiệt đới.

Theo số liệu thống kê hàng năm diện tích rừng nhiệt đới mất đi đến 11,1 triệu ha năm 2021. Mặc dù với sự cố gắng ngăn chặn tình trạng mất rừng, suy thoái rừng tại các quốc gia trên nhưng tình trạng này vẫn đang tái diễn trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang bị biến đổi nhanh chóng.

Để tìm hiểu nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng, biến đổi khí hậu nhiều nghiên cứu đã được triển khai, cụ thể nghiên cứu của Viện Tài nguyên – Ngân hàng thế giới cho rằng Nông nghiệp đã là nguyên nhân thứ 3 gây mất rừng toàn cầu và đã là nguyên nhân gây ra biến đổi và mất đa dạng sinh học trong đó các nước EU đã đóng góp một phần lớn chỉ đứng sau Trung Quốc và Mỹ.

Nghiên cứu của WWF khi sử dụng ảnh vệ tinh toàn cầu đã chỉ ra rằng các nước thuộc cộng đồng châu Âu đóng góp tới 16% nguyên nhân gây mất rừng nhiệt đới là khu vực gây mất rừng lớn thứ hai sau Trung Quốc. Với nguyện vọng bảo vệ rừng nhiệt đới ngăn chặn tình trạng biến đổi khi hậu với ý thức cao Người tiêu dùng và Người dân Châu Âu yêu cầu việc EU có các giải pháp ngăn chặn tình trạng gây mất rừng từ việc ngăn chặn các nguyên nhân gây mất rừng. 

Theo thống kê khảo sát vào tháng năm 2019 tại 25 Quốc gia Châu Âu đã cho thấy 87% người dân châu Âu ủng hộ chống mất rừng thông qua việc làm giảm nguyên nhân do các sản phẩm nhập khẩu vào EU gây mất rừng gây ra.

Tháng năm năm 2020 một cuộc tham vấn công khai rộng khắp mà Ủy ban châu Âu đã tiến hành xin ý kiến tham vấn người tiêu dùng về quy định chống phá rừng kết quả đã nhận được hơn 1,2 triệu phản hồi (đây là sự phản ứng lớn thứ hai trong lịch sử của EU). Gần như tất cả các phản ứng này đều kêu gọi EU đảm bảo rằng không có sản phẩm nào có có thể là nguyên nhân và do nạn phá rừng tạo ra và được đưa lên kệ hàng tại các siêu thị châu Âu.

Với quan điểm nếu các sản phẩm do phá rừng gây mất rừng suy thoái rừng được đưa lên kệ hàng của người tiêu dùng châu Âu, người châu Âu đã đóng góp vào quá trình làm suy thoái rừng, mất rừng và gây ra biến đổi khí hậu. Người Châu Âu cảm thấy họ có lỗi khi dùng các sản phẩm đó. Người tiêu dùng châu Âu yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền EU phải có trách nhiệm với việc ngăn chặn tình trạng mất rừng, suy thoái rừng. 

Để có thể đảm bảo được không có sản phẩm nào gây mất rừng, suy thoái rừng lên được kệ hàng tại các siêu thị Châu Âu, ngày 06 tháng 12 năm 2022 Ủy Ban Châu âu đã thông qua Quy định “Chuỗi các sản phẩm không gây mất rừng suy thoái rừng xuất, nhập khẩu vào EU” (EUDR) với mục tiêu:

  1. a) Giảm thiểu sự đóng góp của Liên minh vào nạn phá rừng và suy thoái rừng trên toàn thế giới, và qua đó góp phần giảm nạn phá rừng toàn cầu; 
  2. b) Giảm đóng góp của Liên minh châu Âu vào phát thải khí nhà kính và mất đa dạng sinh học toàn cầu. 

Một số Quy định chính của EUDR

  1. Quy định cấm các công ty đưa vào thị trường EU bất kỳ hàng hóa / sản phẩm có liên quan nào dẫn đến nạn phá rừng (hoặc đối với gỗ: suy thoái) hoặc có nguồn gốc bất hợp pháp. 
  2. Các công ty phải thực hiện thẩm định để đảm bảo sản phẩm của họ không bị phá rừng (hoặc đối với gỗ: suy thoái) và có nguồn gốc hợp pháp.
  3. Các công ty phải giải trình trước khi họ có thể nhập khẩu với sự khẳng định rằng không có hoặc không đáng kể rủi ro không tuân thủ quy định gây mất rừng, suy thoái rừng.
  4. Các cơ quan có thẩm quyền ở mỗi quốc gia thành viên EU sẽ tiến hành kiểm tra để đảm bảo các công ty tuân thủ và phạt họ nếu không tuân thủ.

Các quy định được xác định trước mắt cho 7 mặt hàng: dầu cọ, đậu nành, gỗ, thịt bò, ca cao, cà phê và cao su cũng như hầu hết các sản phẩm có nguồn gốc từ những mặt hàng này  như thịt bò, da, sô cô la, than củi và giấy (in). Nhiều mặt hàng có khả năng được bổ sung sau như là ngô và nhiên liệu sinh học.

Thời hạn bắt đầu rừng bị phá và gây suy thoái để canh tác các sản phẩm trên là sau ngày 31 tháng 12 năm 2020. Quy định có hiệu lực giữa năm 2023. Các công ty sẽ phải tuân theo các yêu cầu sau giai đoạn chuyển đổi 18 tháng – từ tháng 12/2024. 

Để đưa được hàng hóa lên kệ hàng tài Châu Âu các đơn vị phải thực hiện 3 nội dung trách nhiệm giải trình (DD) sau:

  1. Thu thập thông tin (loại sản phẩm, số lượng, vị trí địa lý, tính hợp pháp và tình trạng phá rừng, mất rừng, suy thoái rừng); 
  2. Đánh giá rủi ro bao gồm: sự hiện diện của rừng, sự hiện diện của người bản địa; tham vấn và hợp tác với người dân bản địa; sự tồn tại của các yêu sách đất đai theo phong tục; tỷ lệ phá rừng và sự phức tạp của chuỗi cung ứng.
  3. Giảm thiểu rủi ro (có thể yêu cầu hỗ trợ cho các hộ sản xuất nhỏ để tuân thủ quy định). 

Theo quy trình DD này, công ty phải đưa ra một tuyên bố thẩm định bao gồm các chi tiết của công ty, các sản phẩm liên quan và số lượng của chúng, và vị trí địa lý của tất cả các lô đất nơi hàng hóa được sản xuất – nói rằng không có hoặc chỉ có rủi ro không đáng kể về việc không tuân thủ. 

Các công ty cũng phải chỉ định người chịu trách nhiệm và một bộ phận kiểm toán độc lập để quản lý rủi ro không tuân thủ.

Để tổ chức triển khai thực hiện EU có kế hoạch triển khai các hoạt động như:

+ Giao cho cơ quan có thẩm quyền (như Hải Quan) ở mỗi quốc gia thành viên EU sẽ sử dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro để kiểm tra các báo cáo giải trình và quy trình thẩm định của các công ty – kiểm tra một tỷ lệ nhất định của các công ty và một tỷ lệ sản phẩm nhất định hàng năm.

+ Các cơ quan này sẽ thực hiện trên cơ sở thông tin được cung cấp bởi các bên thứ ba (ví dụ: các tổ chức phi chính phủ), bao gồm cả những lo ngại đã được chứng minh là có thật. 

+ Các quốc gia có hàng hóa nhập vào EU sẽ được phận loại thành Quốc gia có “rủi ro thấp”, “rủi ro tiêu chuẩn”, “rủi ro cao”. Đối với các quốc gia được đánh giá là “rủi ro thấp”, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra 1% tổng số nhà khai thác cho mỗi mặt hàng; đối với các quốc gia có rủi ro tiêu chuẩn, họ sẽ kiểm tra 3% của tất cả các nhà khai thác cho mỗi hàng hóa và đối với các quốc gia có rủi ro cao, 9% nhà khai thác và 9% số lượng của mỗi sản phẩm có liên quan. 

+ Nếu một công ty bị phát hiện là không tuân thủ, các sản phẩm có thể bị tịch thu, công ty có thể bị từ chối tiếp cận thị trường tạm thời và / hoặc phạt tiền, ít nhất 4% tổng doanh thu hàng năm của công ty trên toàn EU.

Những tác động đến hàng hóa của Việt Nam

+ Trước mắt ba mặt hàng của Việt Nam sẽ bị yêu cầu tuân thủ theo quy định này đó là Gỗ, Cà phê và Cao su;

+ Hiện nay thông tin về vị trí của các lô trồng Cao su, Cà Phê, và Gỗ của Việt Nam chưa được xác định một cách chính xác trên hệ thống tọa độ quốc tế cho từng lô.

+ Hệ thống cơ sở dữ liệu của diện tích rừng, diện tích trồng Cà phê của Việt Nam chưa được tập hợp một cách đầy đủ và chính xác

+ Hiện EU chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc chuẩn bị năm 2024 đi vào thực thi sẽ gặp khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt khó khăn cho các hộ trồng Cà phê nhỏ lẻ có các sản phẩm bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU.

Kiến nghị

+ Đề nghị Bộ NN&PTNT yêu cầu EU làm rõ các nội dung cần giải trình theo yêu cầu của EU trong điều kiện cụ thể tại Việt Nam phần lớn người trồng Cà phê là các gia đình nhỏ lẻ;

+ Đề nghị Bộ NN&PTNT có văn bản yêu cầu EU có chính sách hỗ trợ người dân trồng Cà phê, trồng rừng chuẩn bị xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thực hiện trách nhiệm giải trình cũng như có thể đàn phán với EU thực hiện việc trì hoãn thực thi để các Hộ gia đình trồng Cà Phê và trồng rừng có thể đáp ứng được với yêu cầu mà EU đề ra.

+ Đề nghị Bộ NN&PTNT, các tổ chức Quốc tế từ EU hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn trước mắt là người chồng Cà phê về các nội dung EU yêu cầu và trong dài hạn các Hộ gia đình trồng rừng có gỗ bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu các sản phẩm sang EU.

TS. Nguyễn Phú Hùng (Chủ tịch Hội KHKT Lâm Nghiệp Việt Nam)