Quy định 9 loại phụ cấp cho cán bộ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn

BVR&MT – Các chính sách thu hút, hỗ trợ đã góp phần khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, công chức viên chức yên tâm công tác lâu dài ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. (Ảnh minh hoạ: Dương Ngọc/TTXVN)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo Bộ Nội vụ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đã được Chính phủ quy định tại ba Nghị định gồm: 116/2010/NĐ-CP; 61/2006/NĐ-CP và 64/2009/NĐ-CP.

Việc thực hiện các chính sách trong ba Nghị định nêu trên đã phát sinh một số vướng mắc như: Quy định cùng một chính sách ở nhiều Nghị định khác nhau; Việc hướng dẫn về địa bàn áp dụng và quy định đối tượng hưởng chính sách còn chưa cụ thể… Do đó, để khắc phục những vướng mắc, Chính phủ đã ban hành một Nghị định thống nhất các chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Tiếp tục kế thừa các chế độ quy định tại ba Nghị định trước đó, Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định 9 loại phụ cấp gồm: Phụ cấp thu hút; Phụ cấp công tác lâu năm; Trợ cấp lần đầu khi chuyển công tác đến; Trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; Trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu; Thanh toán tiền tàu xe; Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; Phụ cấp ưu đãi theo nghề; Phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy bằng tiếng dân tộc thiểu số.

Phụ cấp thu hút được tính bằng 70% mức lương hiện hưởng áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn nhưng không quá 5 năm (60 tháng).

Phụ cấp ưu đãi theo nghề cũng bằng 70% mức lương hiện hưởng và được áp dụng với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Người lao động trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế trong các cơ sở y tế của Nhà nước; Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng, nhân viên quân y trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các trạm y tế kết hợp quân dân y.

Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số sẽ được hưởng thêm phụ cấp bằng 50% mức lương hiện hưởng. Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục đang làm chuyên trách về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục mà phải thường xuyên đi đến các thôn được hưởng thêm phụ cấp lưu động bằng 0,2 mức lương cơ sở.

So với các quy định trước đây, Nghị định 76/CP quy định rõ thêm việc thực hiện trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo Nghị định 76/CP, khi nhận công tác lần đầu ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác. Hiện nay, 10 tháng lương cơ sở là 14,9 triệu đồng.

Trường hợp có gia đình cùng đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi và trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình (hiện nay 12 tháng lương cơ sở là 17,88 triệu đồng).

Các khoản trợ cấp do cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi tiếp nhận chi trả ngay khi đối tượng được hưởng nhận công tác và chỉ thực hiện một lần trong tổng thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Người lao động đang công tác và có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác hoặc khi nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần tính theo thời gian thực tế làm việc. Mỗi năm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được trợ cấp bằng 50% mức lương tháng hiện hưởng.

Bên cạnh đó, Nghị định 76/CP cũng quy định rõ hơn về thời gian không tính hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp và công tác lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán kinh phí.

Nghị định 76/CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2019.