Quý Châu – Trung Quốc: Kỳ lạ voọc đen quý hiếm sinh con màu cam

BVR&MT – Cơ quan quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Ma Dương Hà ở Quý Châu (Trung Quốc) gần đây tình cờ phát hiện có hai con voọc đen con lông cam được sinh ra trong khu bảo tồn.

Voọc đen là loài linh trưởng đặc biệt của Châu Á, là loài động vật hoang dã được bảo vệ cấp quốc gia của Trung Quốc. Hiện nay trên thế giới chỉ còn khoảng 2.000 con phân bố chủ yếu ở Quảng Tây, Quý Châu, Trùng Khánh trong đó có khoảng 550 con voọc đen sinh sống tại Khu bảo tồn Ma Dương Hà. Đây là khu vực phân bố tập trung và có số lượng voọc đen lớn nhất thế giới.
Voọc đen cũng là một trong những loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Trong số đó, nạn săn trộm đang là vấn đề nhức nhối, chẳng hạn ở một số vùng, voọc đen được cho là có dược tính, xương của chúng được săn bắt để nấu rượu chữa bệnh mệt mỏi, thấp khớp.
Voọc đen con khi mới sinh ra không có màu sẫm như bố mẹ mà giống như cục than. Tuy nhiên Cơ quan quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Ma Dương Hà ở Quý Châu (Trung Quốc) hôm 16/3/2021 tình cờ phát hiện có hai con voọc đen con lông cam được sinh ra trong khu bảo tồn.
Một nhóm các nhà nghiên cứu đã phân tích so sánh dữ liệu về lông, hành vi và sinh học của từng cá thể sơ sinh và con trưởng thành từ 286 loài linh trưởng và tìm thấy mối tương quan chặt chẽ giữa màu lông con sơ sinh và tập quán loài của chúng. Nghiên cứu mới đưa ra một cái nhìn có phần thảm khốc rằng bộ lông màu cam của voọc đen con lúc mới sinh có thể đã tiến hóa để tránh hoặc giảm bớt sự sát hại của những ông “bố ghẻ” của chúng.
Theo đó, voọc đen sống thành đàn chủ yếu là con cái, với hơn chục con cái sống với một con đực duy nhất với con cái của chúng. Cứ sau hai hoặc ba năm, một con đực mới đột nhập từ một đội khác có thể trục xuất những con đực cũ và tiếp quản thuộc địa. Những kẻ xâm lược này muốn giao phối với con cái, truyền gen. Lúc này, “vua mới” sẽ giết con còn bú để khỉ mẹ động dục trở lại sớm hơn.
Đáp lại, voọc đen đã phát triển màu lông nổi bật trong giai đoạn sơ sinh, đây thực sự là một hình thức bảo vệ gián tiếp: Những con có bộ lông sáng màu sẽ hấp dẫn về mặt thị giác đối với mẹ và do đó được chú ý nhiều hơn. Khi con non nhận được nhiều sự quan tâm và nuôi dưỡng hơn, chúng sẽ phát triển nhanh hơn. Điều này có nghĩa là voọc con có thể trưởng thành trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Sự xâm phạm của voọc đực có thể xảy ra bất cứ lúc nào và thời kỳ sơ sinh càng ngắn càng tốt.
Trong những năm gần đây, Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ma Dương Hà (Quý Châu, Trung Quốc) đã kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của con người trong khu vực voọc đen sinh sống, đồng thời đã ngăn chặn toàn diện các vụ cháy, chống chặt phá và săn trộm, và số lượng voọc đen đã tăng lên qua từng năm.

Hậu Thạch (Theo Tân Hoa xã)