Quốc Oai (Hà Nội): Hậu khai thác khoáng sản, núi đá đau một, “người dân đau mười”

BÁO CHÍ CHẤT LƯỢNG CAO NĂM 2023 (HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM):

BVR&MT – Mặc dù Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn từ năm 2018, tuy nhiên đã gần 6 năm trôi qua Công ty TNHH Bình Minh vẫn chưa thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường tại mỏ núi Sò và núi Bịch theo quy định của pháp luật khiến không chỉ người dân mà cả chính quyền xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) đều bức xúc trước những hệ lụy mà nó mang lại.

Lời tòa soạn: Cải tạo, phục hồi môi trường hay hoàn thổ, hoàn nguyên là nghĩa vụ bắt buộc của các đơn vị, doanh nghiệp sau khi kết thúc hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, trong thực tế, việc hoàn thổ, phục hồi lại môi trường sinh thái tại một số mỏ chỉ mang tính chất đối phó. Đặc biệt là các mỏ khai thác đá, quặng, từ đó tiềm ẩn gây nguy cơ sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Thông qua bài viết, “Quốc Oai – Hà Nội: Hậu khai thác khoáng sản, núi đá đau một người dân đau mười” được Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường thực hiện tại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) với góc nhìn đa chiều từ người dân, chính quyền và chuyên gia. Qua đó chúng tôi mong muốn nêu bật hệ quả do hoạt động khai thác khoáng sản nhưng không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường mang lại, đồng thời gửi thông điệp tới cơ quan Quản lý Nhà nước cần có những chế tài xử lý quyết liệt nhằm chấn chỉnh thực trạng trên, trả lại môi trường sống vốn có cho người dân địa phương.

Núi đá đau một, “người dân đau mười”

Những ngày cuối năm 2023, trên các ngả đường thôn Đồng Âm, xã Đông Xuân mặc dù đã không còn khói bụi mù mịt hay tiếng mìn nổ, xe chở đá chạy khiến người dân phải đinh tai nhức óc nhưng thay vào đó họ lại phải đối mặt với vấn nạn khác, đó chính là nỗi lo âu về nguy cơ sạt lở đất, đá và vỡ hồ chứa nước tại các mỏ đá núi Sò và núi Bịch. Nguyên nhân đến từ việc chủ mỏ sau khi khai thác đá xong đã không thực hiện cải tạo đất, hoàn nguyên để trả lại hiện trạng môi trường ban đầu.

Có mặt tại khai trường từng một thời bị “cày xới” bởi biết bao nhân công, xe cộ và máy móc, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng trước sự hoàng tàn nơi đây. Mặt đất giờ ngổn ngang hàng chục moong nước bị khoét sâu hoắm như bị dội bom. Những bờ vở núi đá thì bị “cắt gọt” nham nhở tạo nên vô số hình thù kỳ quái. Màu xanh của cỏ cây trước kia giờ đã nhường chỗ cho những bãi cây gai, cây bụi héo quay quắt.

Người dân cho biết việc Công ty TNHH Bình Minh không cải tạo, phục hồi môi trường tại mỏ đá núi Sò và núi Bịch khiến sinh kế của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tâm sự cùng Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn với khuôn mặt khắc khổ và đôi mắt đượm buồn, ông B.X.T, một lão nông chuyên chăn thả gia súc tại khu vực này cho biết: “Mỏ đá này là của Công ty Bình Minh (Công ty TNHH Bình Minh) nhưng khai thác đã lâu lắm rồi. Xong việc họ không cải tạo, phục hồi môi trường khiến bà con chúng tôi nơi đây phải gánh hậu quả. Gia đình tôi sinh sống chính bằng nghề chăn trâu ở đây nhưng thức ăn cho trâu không còn được dồi dào như trước kia nữa, giờ toàn cỏ dại, búi gai. Đã vậy lúc nào cũng lo ngay ngáy vì sợ không để ý trâu mà rớt xuống moong nước chết thì không biết lấy gì kiếm sống”.

Cùng chung nỗi băn khoăn trên gia đình chị L.T.B có mấy sào ruộng ngay cạnh khu vực khai thác cũng không khỏi ngao ngán: “Ruộng nhà tôi mỗi khi mưa lại bị nước từ mỏ đá tràn vào khiến đất bị hoang hóa không canh tác được. Trước đây một năm vẫn trồng được mấy vụ ngô, khoai giờ coi như bỏ không”.

Đau lòng hơn, cũng do những moong nước chưa được san lấp, trả lại nguyên trạng mà cách đây không lâu đã từng xảy ra vụ việc 3 cháu bé đến tắm để rồi sau đó một trong 3 cháu hụt chân xuống bị đuối nước dẫn đến cái chết đầy thương tâm. Theo bà C. người trông coi khu mỏ chia sẻ, khi mất cháu bé mới tròn 10 tuổi. Vụ việc không chỉ để lại nỗi đau cho người thân cháu bé mà còn khiến cả dư luận bàng hoàng, xót xa vì tuổi cháu còn quá nhỏ.

Những moong nước sâu hoắm như những “chiếc bẫy tử thần” đối với người và gia súc nếu không may trượt xuống.

Không chỉ người dân, chính quyền xã Đông Xuân cũng tỏ quan điểm bất bình đối với việc né tránh trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường của Công ty TNHH Bình Minh. Theo đó, ông Bùi Tiến Linh, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân cho biết, thông qua phản ánh của bà con cũng như qua các cuộc tiếp xúc cử tri đều rất bức xúc khi đơn vị này không thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, chây ì, né tránh việc hoàn thổ, phục hồi môi trường… dẫn đến việc gây tác động tiêu cực tới môi trường của khu vực sau khai thác, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và gây lãng phí tài nguyên.

Mặc dù xã cũng đã nhiều lần gửi văn bản lên huyện để báo cáo, đề đạt những kiến nghị và nguyện vọng của người dân mong sớm được tháo gỡ những bất cập trên xong tới giờ vẫn không có gì biến chuyển.

Cần có chế tài mạnh tay để doanh nghiệp không “nhờn” luật

Theo tìm hiểu của Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường, Công ty TNHH Bình Minh hoạt động theo Giấy đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH hai thành viên trở lên, mã số doanh nghiệp: 0100365396 do Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp đăng ký lần đầu ngày 29/09/1993, đăng ký thay đổi lần thứ 12 ngày 10/11/2014. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Quang Yên, Giám đốc công ty.

Ngày 21/08/2002, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 2045/QĐ-CNCL về việc phê chuẩn Báo cáo kết quả thăm dò đá bazan làm vật liệu xây dựng thông thường mỏ núi Sò – núi Bịch, xã Đông Xuân, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình (nay là huyện Quốc Oai, TP Hà Nội). Ngày 20/01/2003, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 81/QĐ-UBND cho phép Công ty TNHH Bình Minh được khai thác, chế biến đá tại mô đá bazan núi Sò, núi Bịch thuộc xã Đông Xuân, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Diện tích khu vực khai thác là 26,02ha (trong đó: núi Sò 12,76ha; núi Bịch 13,26ha). Thời gian khai thác là 15 năm.

Mặc dù đã dừng khai thác song hàng chục moong nước không được hoàn nguyên khiến toàn bộ khu vực khai trường của Công ty TNHH Bình Minh trông tàn khốc như bị dội bom.

Trong quá trình khai thác, đơn vị này đã xảy ra nhiều vi phạm như: Chưa thực hiện thủ tục lập hồ sơ điều chỉnh Hợp đồng thuê đất; Chưa nộp đề án cải tạo phục hồi môi trường khu vực khai thác khoáng sản; Chưa thực hiện ký quỹ phục hôi môi trường; Chưa thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính. Do đó, ngày 28/08/2017, UBND huyện Quốc Oai đã ban hành Văn bản số 1592/UBND-TNMT đề nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với Công ty TNHH Bình Minh, đề nghị UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường không tiến hành gia hạn đối với các mỏ đá đã hết hạn khai thác khoáng sản.

Tiếp đó, ngày 01/06/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành Văn bản số 4403/STNMT-KS yêu cầu Công ty TNHH Bình Minh thực hiện các nội dung như sau: Chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản tại núi Sò, núi Bịch xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai trong khu vực khai thác theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 81/QĐ-UB ngày 20/01/2003 của UBND tỉnh Hòa Bình; Tổ chức quản lý, bảo vệ mỏ, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong ranh giới khu vực khai thác và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 và Khoản 3, Khoản 4 Điều 58 Luật Khoáng sản.

Tuy nhiên kể từ thời điểm 2018 đến nay, mặc dù đã dừng hoàn toàn hoạt động khai thác song việc Công ty TNHH Bình Minh không thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ khoáng sản trong thời gian dài đã gây bức xúc trong nhân dân và dư luận. Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, huyện Quốc Oai đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn đơn vị thực hiện nghĩa vụ khi Giấy phép khai thác khoáng sản hết thời hạn và đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường nhiều lần.

Văn bản số 279/BC-TNMT ban hành ngày 13/11/2023 của UBND huyện Quốc Oai gửi Sở TNMT TP Hà Nội báo cáo về “Tình hình thực hiện đóng cửa mỏ tại Công ty TNHH Bình Minh”.

Gần đây nhất, ngày 18/08/2023, UBND huyện Quốc Oai tiếp tục ban hành Văn bản số 2899/UBND-TNMT về việc đôn đốc lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản. Đây cũng là lần thứ 4 huyện ra văn bản với cùng một nội dung để thúc giục doanh nghiệp, tuy nhiên theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai, đơn vị đã tổ chức 02 buổi làm việc (tháng 09/2021 và tháng 06/2022), mời các đơn vị khai thác khoáng sản đã hết hạn Giấy phép đến để hướng dẫn các đơn vị thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản, tuy nhiên Công ty TNHH Bình Minh đã vắng mặt cả 02 lần không rõ lý do. Thậm chí doanh nghiệp này vẫn “dày mặt” làm đơn bày tỏ quan điểm không muốn đóng cửa mỏ, muốn được tiếp tục gia hạn.

Có thể thấy, trả lại nguyên vẹn giá trị cho đất, không chỉ là mong ước của người dân mà cả của các cấp chính quyền địa phương hiện nay. Thực tế theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động khai khoáng khi không thực hiện triệt để việc hoàn thổ đúng quy định sẽ khiến cho đất đai bị hoang hóa, không được phục hồi môi sinh, làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển kinh tế đồi rừng và tàn phá diện tích đất nông nghiệp vốn đã không lớn ở khu vực miền núi. Công tác này đang đặt ra nhiều vấn đề trong giám sát hoàn thổ và tuân thủ pháp luật của những dự án khai khoáng sau khi đóng cửa mỏ và đang hoạt động cũng như cần có chế tài mạnh tay hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp không “nhờn” luật.

Tổ chức không lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản thì bị xử phạt thế nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 38 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản như sau:

1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng tiến độ hoặc thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các hạng mục công việc phải thực hiện trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
2. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn hoạt động theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với các vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.


Hậu Thạch