Quế Phong – Nghệ An: Hỗ trợ thanh niên vùng dân tộc thiểu số lập nghiệp

BVR&MT – Với đặc thù là một huyện miền núi mà đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, lực lượng thanh niên ở địa phương có sức khỏe nhưng còn hạn chế về năng lực, trình độ, trong những năm qua, cùng với việc triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cấp bộ Đoàn trong toàn huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã phát huy tốt vai trò đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, giúp đỡ, hỗ trợ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nắm bắt nhu cầu về vốn cho thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã tham mưu cho Tỉnh đoàn hỗ trợ cho thanh niên huyện nhà vay nguồn vốn từ Quỹ thanh niên lập nghiệp tỉnh để xây dựng và phát triển kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đã tiến hành giải ngân cho 02 mô hình hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã thường xuyên tư vấn, quan tâm hỗ trợ thêm về kỹ thuật, tăng cường công tác tuyên truyền xây dựng thương hiệu sản phẩm…và bước đầu đã đem đến hiệu quả.

Mô hình VACR của đồng chí Lang Văn Khún.

Anh Lang Văn Khún – Bản Mòng 2, xã Cắm Muộn là một trong những điển hình về xây dựng và phát triển kinh tế. Trên diện tích vườn đồi, ao ruộng rộng, anh đã cùng gia đình quyết tâm phát triển kinh tế theo mô hình VACR. Tích cực tham gia các lớp tập huấn do Huyện đoàn, các ban ngành tổ chức; thường xuyên đọc sách, báo và những tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, anh đã tích lũy được những kiến thức cần thiết.

Sau khi được vay vốn, anh Khún đã lựa chọn chăn nuôi giống vịt bầu – một loại giống vịt địa phương, thịt thơm ngon, rất nhiều người ưa chuộng về nuôi thử theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Bên cạnh đó, anh còn trồng keo gỗ với diện tích 4ha, mua thêm 3 con bò, gần 30 con lợn thịt, gần 300 con vịt , gà, 6 con dê. Nhờ chịu khó lao động và thường xuyên được tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật, đến nay, anh Khún đã có trang trại VACR hoạt động ổn định và đem về tổng thu nhập trên 60 triệu đồng/năm, đảm bảo cuộc sống cho gia đình.

Mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hủa Na của anh Lang Văn Liên

Khác với anh Lang Văn Khún, anh Lang Văn Liên ở xã Đồng Văn lại vươn lên nhờ mô hình nuôi cá lồng.Hiện nay, anh đã có 16 lồng cá, thả được 5 yến cá trắm giống, 500 con cá leo, 650 con rô phi. Mô hình đang trong quá trình hoàn thiện bước đầu mang đến những hiệu quả tích cực.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, số lượng thanh niên dân tộc thiểu số được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật vẫn còn hạn chế, tuy nhiên, những mô hình phát triển kinh tế như của anh Khún, anh Liên đang là những dấu hiệu tích cực và chứng tỏ vai trò nòng cốt của lực lượng đoàn viên thanh niên cũng như tổ chức Hội LHTN trong xây dựng và phát triển kinh tế tại Quế Phong. Đây cũng là cơ sở để thu hút, tập hợp ngày càng đông thanh niên tham gia sinh hoạt, xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh, góp phần tham gia phát triển kinh tế, tạo diện mạo mới cho huyện nhà.

Đình Nguyên