BVR&MT – Chuyển đổi số nhằm hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử là một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, để đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới đang đặt ra đối với nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đã ban hành Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trong giai đoạn 2021-2025” phấn đấu triển khai các ứng dụng phục vụ cho công tác quản lý, điều hành trực tuyến trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở các cấp từ trung ương đến địa phương.
Theo Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trong giai đoạn 2021-2025”, công tác chuyển đổi số trong xây dựng NTM sẽ hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó, thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng NTM; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, nhất là trong chương trình OCOP.
Đồng thời, phát triển môi trường số an toàn, rộng khắp trên địa bàn nông thôn, góp phần đưa chất lượng xây dựng NTM đi vào chiều sâu và bền vững, hướng tới NTM thông minh và thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia. Trong quá trình chuyển đổi số, người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp được xác định là trung tâm thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 52/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số trên những nền tảng sẵn có, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 190-KH/TU, đề ra tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch 3224/KH-UBND, ngày 17-7-2019 về “Triển khai thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng năm 2025”.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng, mà nhất là trong xây dựng NTM các cấp, các ngành trên địa bàn Quảng Trị đã và đang triển khai nhiều mô hình, đề tài liên quan đến chuyển đổi số từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Xác định ứng dựng tiến bộ khoa học công nghệ là tiêu chí cực kỳ quan trọng trong quá trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, với phương châm khoa học công nghệ đi trước một bước để tìm ra những cách làm hay, những mô hình hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có nhiều hoạt động ứng dụng khoa học – công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Trong năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học – Công nghệ định hướng cho các địa phương xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đề xuất xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tiếp nhận chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, các dự án có triển vọng cho địa phương để mở rộng ứng dụng vào sản xuất. Trong lĩnh vực sản xuất, các ngành trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản được hỗ trợ nghiên cứu phát triển theo hướng phát huy tối đa lợi thế vùng miền. Trên cơ sở đó, nhiều dự án ứng dụng công nghệ mới mang tính đột phá trong việc giải quyết những khó khăn mà các địa phương gặp phải trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả các ngành sản xuất được triển khai ở tất cả các địa phương trong toàn tỉnh.
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho nên nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực được liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tạo thương hiệu và nâng cao giá trị cho nông sản Quảng Trị. Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ áp dụng ngày càng nhiều. Đến năm 2020, nhiều nông sản chủ lực của tỉnh đã được cấp chứng nhận, nhãn hiệu như chỉ dẫn địa lý cho hồ tiêu Quảng Trị; nhãn hiệu tập thể đối với cam K4 Hải Phú, cà phê Khe Sanh, gạo sạch Hải Lăng, ném Vĩnh Linh, ném Hải Lăng, khoai môn Vĩnh Linh, chuối Hướng Hóa, rau Đông Hà, dưa hấu Gio Linh… Đặc biệt, các sản phẩm OCOP trên địa bàn Quảng Trị đã được gắn tem mã QR truy xuất nguồn gốc. Từ đó, hàng hóa kết nối dễ dàng với các sàn giao dịch thương mại điện tử và có mặt tại nhiều siêu thị trong và ngoài nước. Một số sản phẩm OCOP của tỉnh đã được xuất đi các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Qua hơn hai năm triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị đã gặt hái được những kết quả tích cực với 53 sản phẩm OCOP, trong đó có 46 sản phẩm OCOP 3 sao và 7 sản phẩm 4 sao đã được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đánh giá và trình UBND tỉnh công nhận.
Cùng với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành xây dựng NTM cũng là một trong nhưng mục tiêu quan trọng nhằm mục tiêu lưu trữ thông tin về hoạt động NTM ở dạng số hóa, người dân có thể dễ dàng theo dõi, giám sát hoạt động xây dựng NTM. Trong đó, một số huyện, xã đã lắp đặt hệ thống camera an ninh thay cho đội ngũ dân quân tự quản đi tuần, nhờ đó mức độ vi phạm pháp luật giảm đi rất nhiều. Nổi bật là huyện Cam Lộ đã có 5/8 xã, thị trấn lắp camera giám sát an ninh trật tự ở khu dân cư với tổng cộng 71 mắt camera góp phần giúp các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng NTM, với những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, đến hết năm 2020, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 01 huyện và 58 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là xã Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Linh) và xã Cam Chính (huyện Cam Lộ).
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở Quảng Trị mới chỉ là bước đầu, còn gặp nhiều khó khăn như kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, vấn đề môi trường, đặc biệt là vấn đề xử lý chất thải rắn, nước thải, chất thải. Ứng dụng chuyển đổi số ở một số địa phương còn mang tính tự phát, chủ yếu là từng cá nhân, từng địa phương từng chủ thể đề xuất ra và sử dụng chứ chưa có tiếp cận toàn diện, tổng thể, định hướng dài hơi, chưa có lộ trình một cách bài bản…
Vì vậy, trong thời gian tới để góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM thành công, phấn đấu đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có thêm 5-6 xã đạt chuẩn NTM, có từ 4-5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1-2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đến năm 2025 tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM là 75%, đến năm 2030 là 85% theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, trước hết, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và khả năng đáp ứng thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM của các địa phương trên cả nước. Các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh cần xác định thu hút các nguồn lực khác nhau, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư và ứng dụng công nghệ số để đảm bảo đạt được mức độ chuyển đổi số toàn diện trong xây dựng NTM trong tất cả các khâu, từ sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông thôn, xây dựng hạ tầng, giáo dục đào tạo, y tế, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa xã hội. Mặt khác, cần nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ và văn bản hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp và các chủ thể phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ, phục vụ cho quá trình ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số ở nông thôn. Đặc biệt là, việc chuẩn hóa dữ liệu và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối đồng bộ và liên thông; các ứng dụng trực tuyến về: lập kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM các cấp; giám sát đánh giá sự hài lòng của người dân và cộng đồng trong xây dựng NTM; thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM; quản lý giám sát và đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP.
Xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh ứng dụng chuyển đổi số làm bài học kinh nghiệm và đề xuất cơ chế chính sách phát triển làng, xã thông minh phục vụ cho chương trình xây dựng NTM.
Tin tưởng rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quá trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở Quảng trị sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Trần Văn Toàn (Quảng Trị)