Quảng Trị: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ rừng

BVR&MT – Xác định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường và đảm bảo QP-AN, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã được lãnh đạo thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống chính trị từ cấp ủy đảng đến chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể. Từ đó, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong quá trình kiểm tra, truy quét, trấn áp các đối tượng vi phạm, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng như đầu tư và phát triển rừng.

Diện tích rừng tự nhiên được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững do cộng đồng dân cư thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng quản lý – Ảnh: L.A

Huyện Hướng Hóa hiện có hơn 51.995 ha rừng được phân bổ trên toàn bộ 21 xã, thị trấn. Trong đó, rừng tự nhiên là hơn 40.500 ha. Dân cư tuy không đông nhưng phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán canh tác còn lạc hậu, du canh. Vì vậy, việc lấn chiếm đất để canh tác nương rẫy, sử dụng đất lâm nghiệp để trồng cây nông nghiệp vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.

Thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tăng cường triển khai phổ biến văn bản pháp luật, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện.

Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, trách nhiệm của chủ rừng. Các vụ vi phạm đều được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đặc biệt các vụ vi phạm bị khởi tố hình sự có ý nghĩa răn đe, giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân.

Qua đó, tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thể hiện rõ nét là các vụ vi phạm lâm luật được giảm dần, từ 56 vụ năm 2017 giảm còn 32 vụ năm 2019 và còn 29 vụ năm 2022.

Trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), hằng năm, vào mùa khô, huyện chủ động tổ chức các hoạt động như: trực tiếp nhận và xử lý thông tin cháy rừng; tuần tra và kiểm soát nguồn lửa trong rừng; giám sát việc xử lý thực bì… Nhờ chủ động trong công tác PCCCR nên từ năm 2016 đến nay trên địa bàn huyện không có cháy rừng xảy ra.

Huyện ủy đã lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng thực hiện chủ trương giao rừng, giao đất trên địa bàn. Đến nay đã giao cho 20 cộng đồng dân cư và 99 hộ gia đình với tổng diện tích hơn 5.600 ha. Trong đó, có 5 cộng đồng dân cư với diện tích hơn 2.145 ha đã được Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) Quảng Trị hỗ trợ đánh giá, cấp chứng chỉ rừng. Đây là những khu rừng tự nhiên đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Theo đánh giá, việc giao đất, giao rừng đã giúp cộng đồng và hộ gia đình nhận thức được rừng của mình, có cơ sở để hưởng lợi từ việc bảo vệ rừng nên có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ. Đối với các diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường, từ số tiền hưởng lợi các cộng đồng, hộ gia đình càng có thêm động lực bảo vệ hơn nên hiệu quả bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên, rừng tự nhiên được bảo vệ tốt.

Về vấn đề phát triển sinh kế cho người dân từ các hoạt động lâm nghiệp, Huyện ủy Hướng Hóa đã ban hành các chính sách hỗ trợ người dân trồng được hơn 149,45 vạn cây phân tán và hơn 240 ha rừng thay thế; lãnh đạo chính quyền các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện gần 20 mô hình sản xuất trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, trồng cây dược liệu…

Trong đó, có một số mô hình đã mang lại hiệu quả và đang được nhân rộng như: trồng chanh leo, cải tạo vườn cà phê, nuôi bò vỗ béo, nuôi hươu khai thác nhung, nuôi dê địa phương…

Việc thực hiện các chính sách phát triển lâm nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện đạt nhiều hiệu quả tích cực, trong đó đã làm thay đổi tập quán canh tác theo lối truyền thống qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, giống mới, nâng cao giá trị của từng sản phẩm hàng hóa làm ra. Tạo nhiều việc làm mới, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhờ đó hạn chế tác động đến rừng, xâm hại tài nguyên rừng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận, thời gian tới, huyện Hướng Hóa tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 13-CT/TW. Tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục bằng những nội dung và hình thức phù hợp; khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, thu hồi diện tích lấn chiếm; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.

Chỉ đạo việc rà soát, đánh giá hiệu quả KT-XH, môi trường đối với các dự án chuyển đổi rừng…; kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án có sai phạm hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư.

Chỉ đạo phát triển nghề rừng theo hướng tập trung bảo vệ rừng tự nhiên kết hợp với phát triển rừng trồng nguyên liệu, trồng cây lâm nghiệp đa mục đích, kết hợp với khai thác lâm sản ngoài gỗ nhằm tạo việc làm cho người dân, tăng thu nhập từ rừng. Tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trồng rừng đến khai thác, chế biến và thương mại lâm sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng.

Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản theo hướng chuyên sâu, đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh du lịch sinh thái dựa trên cảnh quan, sinh thái rừng tự nhiên như: du lịch khám phá, du lịch sinh thái trải nghiệm. Tăng cường quảng bá, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng phát triển các sản phẩm “Du lịch xanh”… Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.