BVR&MT – Năm 2017, huyện Hướng Hóa bàn giao 676 ha rừng tự nhiên cho cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng quản lý. Tháng 10/2021, 1.562 ha rừng tự nhiên thuộc huyện Hướng Hóa, trong đó có diện tích rừng mà cộng đồng thôn Chênh Vênh đang quản lý được Hội đồng Quản trị rừng thế giới (Forest Stewardship Council – FSC) cấp chứng chỉ chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Đây cũng là cánh rừng do cộng đồng bảo vệ đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ này, mở ra cơ hội bước vào những thị trường có giá trị cao hơn của lâm sản ngoài gỗ và các giá trị sinh thái khác của rừng.
Khu rừng tự nhiên tại thôn Chênh Vênh được cấp chứng chỉ FSC do 80 hộ dân, chia thành 7 tổ cộng đồng, mỗi tổ từ 4 – 5 người luân phiên tuần tra bảo vệ trên tinh thần tự nguyện. Khu rừng còn khá nguyên sơ với nhiều cây đường kính khoảng 1 m như dổi, sao sao, sao cát, lội… cùng rất nhiều loại tre, nứa, mây và cây dược liệu. Nhiều loài thú quý có trong Sách đỏ cũng được ghi nhận ở khu rừng này như voọc gáy trắng, các loài khỉ, gà lôi, hươu, nai.
Lợi ích trước mắt của chứng nhận FSC là cho phép cộng đồng thôn Chênh Vênh khai thác bền vững các loại cây họ tre từ rừng cộng đồng theo mã số chứng nhận FSC FM/CoC để cung ứng cho các doanh nghiệp có nhu cầu nguyên liệu tre FSC. Lợi ích lâu dài mà các bên cùng hướng đến là cơ hội để chủ rừng cộng đồng tiếp cận được thị trường sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái mà rừng mang lại.
Đạt được thành quả như vậy là nhờ một phần từ sự hỗ trợ của dự án PROSPER do Liên minh châu Âu (EU) và Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đồng tài trợ. Cụ thể, MCNV đã hỗ trợ người dân thôn Chênh Vênh nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng bền vững, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Xây dựng các tổ quần chúng bảo vệ rừng cộng đồng, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức về chứng nhận quản lý rừng bền vững, quản lý tài nguyên rừng, khai thác lâm sản bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học.
Theo kế hoạch, năm 2022, thông qua sự hỗ trợ từ dự án PROSPER, Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị sẽ hợp tác với các tổ chức để tiếp tục mở rộng diện tích rừng được cấp chứng nhận FSC và đặc biệt là hỗ trợ cộng đồng tham gia chứng chỉ cho lâm sản ngoài gỗ song mây và dịch vụ hệ sinh thái trong đó ưu tiên dịch vụ hấp thụ carbon. Tầm nhìn của các cộng đồng này là liên kết vùng nguyên liệu song mây, cây họ tre có chứng nhận FSC cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu và tìm kiếm các khách hàng, nhà tài trợ quan tâm và sẵn sàng chi trả tự nguyện cho dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon.
Trưởng Văn phòng MCNV Quảng Trị Nguyễn Đình Đại chia sẻ: “Thành công tại Quảng Trị rất quan trọng để minh chứng rằng các cộng đồng được giao rừng tự nhiên có đủ năng lực quản lý rừng bền vững theo chứng nhận quốc tế. Từ kết quả này, các chủ rừng cộng đồng sẽ đủ tự tin để tiến thêm các bước xa hơn trong các chứng nhận quốc tế về dịch vụ hệ sinh thái. Từ đây, các diện tích rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý có cơ hội tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái do rừng mang lại”.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có gần 20.000 ha rừng tự nhiên được cộng đồng và hộ gia đình nhận để quản lý bảo vệ và hưởng lợi lâu dài. Ngoài ra hằng năm còn có hơn 40.000 ha rừng tự nhiên do cộng đồng và hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng của các ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ. Để công tác bảo vệ, phát triển rừng theo hướng xã hội hóa đạt hiệu quả hơn nữa, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng của các chủ rừng sau khi được giao, cho thuê rừng.
Cùng với đó là tiến hành rà soát, đánh giá việc sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các chủ rừng (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân), xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng, kiên quyết thu hồi những diện tích rừng quản lý, sử dụng không hiệu quả để tiếp tục giao cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng khác quản lý, sử dụng hiệu quả hơn…
Hiện nay, thực hiện Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022- 2026, định hướng đến năm 2030, trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả, hài hòa tài nguyên rừng, đưa lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế – kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, thời gian tới cần tập trung khoán bảo vệ hết diện tích rừng tự nhiên do UBND xã quản lý (gần 25.000 ha) với mục đích ổn định về diện tích và nâng cao chất lượng rừng. Đồng thời cần có lộ trình, định hướng tiến tới giao hết cho người dân để rừng có chủ thực sự nhằm phát huy hiệu quả hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.
Đối với diện tích rừng đã giao cho cộng đồng quản lý cần mở rộng và nâng tầm, kêu gọi các tổ chức quốc tế, các chương trình, dự án có cùng mục tiêu để tiếp tục mở rộng diện tích rừng cộng đồng được cấp chứng chỉ FSC. Đặc biệt, bổ sung đánh giá FSC cho các dịch vụ hệ sinh thái rừng như hấp thụ carbon, bảo vệ nguồn nước, du lịch sinh thái và chứng chỉ lâm sản ngoài gỗ cho các loài song mây, tre… đồng thời hỗ trợ các chủ rừng hộ gia đình và cộng đồng tiếp cận thị trường để chào bán sản phẩm dịch vụ hệ sinh thái mà họ được chứng nhận.