Quảng Trị: Hiệu quả từ việc phát triển rừng bằng cây trẩu

BVR&MT – Trồng rừng được xác định là một trong những biện pháp quan trọng nhằm tái sinh, phục hồi diện tích rừng tự nhiên. Trong đó, các loài cây thân gỗ lớn như: trẩu, lát hoa, gáo… là những loài được lựa chọn. Sau khi trưởng thành, các loại cây này không chỉ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống sạt lở đất mà còn mang lại thu nhập cho người dân. Một số địa phương tại huyện Hướng Hóa thời gian qua đã làm tốt việc phát triển rừng từ những cây bản địa như vậy, đặc biệt là cây trẩu.

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá – Đakrông tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu hoạch trái trẩu đúng cách – Ảnh: ĐV

Trên những nương rẫy bị sạt lở từ năm 2020, thời gian qua người dân xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa đang tích cực trồng cây trẩu, một giống cây có thể thu hoạch hạt lấy tinh dầu.

Với ưu điểm phát triển nhanh, giữ đất chống sạt lở do thiên tai và đặc biệt người dân có thể canh tác các loại cây trồng khác dưới tán rừng này nên mang lại nhiều lợi ích. Nhận thấy nhiều hiệu quả mà cây trẩu mang lại, đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Hướng Việt đã phát triển lên hàng chục héc ta loại cây này tại địa phương.

Anh Hồ Giỏi, thôn Tà Rùng, xã Hướng Việt đang chăm sóc những cây trẩu non trên quả đồi bị sạt lở trước đây, cho hay: “Cây trẩu nếu phát triển tốt thì đến năm thứ 4 là đã có thể thu hoạch trái.

Tùy theo cây lớn nhỏ mà mỗi cây trẩu cho sản lượng khác nhau, mỗi cây thu hoạch bình quân được khoảng 10 -15 kg, qua đó mang lại nguồn thu nhập thêm đáng kể cho dân bản chúng tôi”.

Với kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được, thời gian qua anh Giỏi cũng tích cực hỗ trợ người dân địa phương trồng, chăm sóc cây trẩu để cây sinh trưởng tốt nhất. Bà con phấn khởi và kỳ vọng vào những năm tới khi cây trẩu trưởng thành sẽ không chỉ phát huy tác dụng chống sạt lở, bảo vệ bản làng mà còn mang lại nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Tại xã Hướng Phùng, hàng trăm héc ta đất trống, đồi trọc trước đây bị chiến tranh tàn phá để lại hậu quả nghiêm trọng, vì thế, để phục hồi lại rừng nơi đây là không hề đơn giản. Từ năm 2018, một phần diện tích rừng nói trên được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông để phục hồi và quản lý.

Đến nay, trên 30 ha rừng trẩu và sao đen tại Tiểu khu 694 của xã Hướng Phùng đang phát triển tốt, đơn vị đã triển khai phương án bàn giao cho người dân quản lý và thu hoạch hạt trẩu.

Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá – Đakrông Bùi Văn Thình cho biết: “Qua một thời gian trồng, đến nay rừng trẩu đã phát triển tốt. Bước đầu rừng trẩu đã cho hoa và ra quả, người dân đặt nhiều kỳ vọng sẽ có nguồn thu hoạch khá. Khi cây trẩu cho thu hoạch sẽ tạo được thêm sinh kế, thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời giảm thiểu tác động vào các khu vực rừng phòng hộ, rừng tự nhiên”.

Được biết, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông hiện nay có khoảng 2.500 ha rừng có cây trẩu, trong đó có khoảng 2.000 ha đã cho thu hoạch, sản lượng hằng năm vào khoảng 1.200 tấn.

Ngoài ra cây trẩu do người dân trồng tại các địa phương có sản lượng thu hoạch ước tính khoảng trên 300 tấn. Như vậy mỗi năm sản lượng hạt trẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa thu được vào khoảng trên 1.500 tấn. Thời gian gần đây, giá trẩu tươi, khô giao động trong khoảng từ 8.000 – 14.000 đồng/kg.

Đến mùa thu hái trẩu, các cán bộ bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông thường xuyên đến tận hiện trường tuyên truyền, nhắc nhở bà con thu hoạch những quả trẩu đã rụng xuống để vừa đảm bảo năng suất, chất lượng, vừa không ảnh hưởng đến cây trồng.

Đồng thời tuyên truyền bà con không được chặt cây, bẻ cành để cho cây phát triển tốt nhằm đảm bảo chức năng phòng hộ cũng như cho người dân tiếp tục thu hái ở những năm tiếp theo.

Nhằm tập trung phát triển rừng bằng cây bản địa theo hướng ổn định, lâu dài, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch “Phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030”.

Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2023-2026 là bảo vệ, duy trì ổn định, nâng cao chất lượng 2.948,8 ha rừng trẩu hiện có, phấn đấu đạt năng suất từ 3 tấn quả tươi/ha trở lên, có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo chức năng phòng hộ bền vững của rừng.