Quảng Trị: Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng rừng liên kết

BVR&MT – Mặc dù chịu nhiều tác động từ thị trường trong và ngoài nước nhưng những năm qua, ngành lâm nghiệp nước ta đã có những tín hiệu phát triển tích cực.  Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17.1 tỷ đô la Mỹ trong năm 2022.

Hiện nay, keo là loài cây được sử dụng phổ biến nhất cho các diện tích rừng trồng  và sản phẩm từ gỗ keo trong nước luôn thuộc nhóm mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao. Tuy nhiên, với tổng diện tích rừng trồng 4.73 triệu ha, trong đó rừng trồng sản xuất là 4.004 triệu héc-ta trong năm 2023 thì có hơn 70% diện tích  là rừng được khai thác với gỗ nhỏ ở độ tuổi 4-5 năm, có giá trị thấp và chủ yếu phục vụ chế biến gỗ dăm và bột giấy. Đa số các diện tích rừng khai thác non thuộc các hộ dân khó khăn về nguồn vốn đầu tư dài hạn hoặc cần xoay vòng vốn để trang trải cuộc sống. Trong khi đó nếu người dân chờ đợi thêm 3-5 năm nữa và/hoặc trồng rừng theo mô hình gỗ lớn, có chứng chỉ rừng thì lợi nhuận gấp nhiều lần so với bán gỗ dăm.

Người dân thu hoạch keo.

Một thực tế nữa là có tới 70% trong số 6039 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ là ở phía Nam, tập trung vào tam giác công nghiệp Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bình Dương. Trong khi diện tích trồng rừng ở các tỉnh duyên hải Nam trung Bộ, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc vốn chiếm tới 76.3% tổng diện tích rừng trồng toàn quốc. Điều này đặt ra nhu cầu về liên kết trồng rừng để bộ phận 70% các doanh nghiệp chế biến gỗ ở phía Nam có thể hợp tác với các hộ trồng rừng các vùng nói trên để nâng cao hiệu quả trồng rừng cho hộ gia đình, đồng thời đảm bảo vùng nguyên liệu gỗ chất lượng cao phục vụ chế biến sản phẩm gỗ cho các doanh nghiệp.

Không những vậy, thời gian qua, xuất hiện một số mô hình liên kết giữa nhà chế biến và hộ trồng rừng để sản xuất gỗ lớn, có giá trị cao và có chứng chỉ rừng. Điển hình là mô hình liên kết ba bên của IKEA-các công ty chế biến gỗ trong nước-các hộ dân trồng rừng với cam kết mua gỗ nguyên liệu với giá cao hơn thị trường 10-15%, các hộ dân trồng rừng còn nhận được hổ trợ tài chính lãi suất thấp từ các công ty chế biến, kéo dài tuổi rừng từ 5 đến 8 năm và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững có chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council). Trước đây, đã có một số nghiên cứu về so sánh các mô hình trồng gỗ keo 5 – 6 – 10 năm. Tuy nhiên, việc giữ rừng 5 năm thêm 1 năm thành rừng 6 năm chưa tạo ra được lượng gỗ xẻ nhiều, chưa tạo ra được giá trị kinh tế cao vì gỗ xẻ là nguyên liệu để sản xuất đồ trang trí, nội thất,…. Bên cạnh đó, hộ dân vốn ít sẽ khó khăn nếu giữ rừng lâu hơn tới năm thứ 10 mới thu hoạch, chưa kể, rừng càng để lâu càng nhiều rủi ro như cháy, gió, bão lũ, sâu bệnh, … Hiện nay, chu kỳ 8 năm là thông lệ đối với rừng trồng có chứng chỉ FSC.

Dựa trên thông tin thu thập, rừng trồng rừng 5 năm (mô hình 1) có mật độ cây cao hơn hai mô hình còn lại, với 3000 cây con/ha, so với 2200 cây con của mô hình 8 năm không chứng chỉ (mô hình 2), và 2000 cây cho 8 năm được chứng chỉ (mô hình 3). Việc cắt bớt cây trồng được thực hiện để đảm bảo độ che phủ hoàn toàn của tán trong các giai đoạn sau, đặc biệt là ở các mô hình 8 tuổi. Tuy nhiên, đối với rừng trồng có chứng chỉ, cây giống phải được mua từ các vườn ươm đạt tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên giá thành cao hơn so với cây giống không rõ nguồn gốc của 2 mô hình còn lại. Ngoài ra, ngoài chi phí chứng chỉ, mô hình 3 còn phát sinh chi phí phân bón, chăm sóc và phòng cháy chữa cháy cao hơn so với mô hình 1 và 2. Một điểm khác biệt nữa là mô hình rừng 8 năm (cả có và không có chứng chỉ) có thêm chi phí tỉa thưa và tỉa cành vào năm thứ 4, trong khi mô hình rừng 5 năm thì không. Về năng suất, mô hình trồng rừng có chứng chỉ (mô hình 3) cho sản lượng gỗ cao nhất gần 250 tấn gỗ, tiếp theo là mô hình rừng không có chứng chỉ 8 năm gần 220 tấn gỗ và cuối cùng là rừng trồng 5 năm bán gỗ dăm chỉ hơn 100 tấn gỗ. Chỉ chênh lệch 3 năm, nhưng sản lượng cả 2 mô hình trồng rừng gỗ lớn đều hơn gấp đôi so với rừng trồng bán gỗ dăm.

Chu trình trồng – khai thác rừng keo non 5 năm.

Qua tính toán, hộ dân trồng rừng keo 8 năm có chứng chỉ FSC tốn chi phí nhiều nhất nhưng giá trị hiện tại ròng (NPV) và lợi ích hàng năm cao nhất, với NPV cao hơn 1,2 lần so với mô hình rừng trồng 8 năm không có chứng chỉ và cao hơn 3 lần so với mô hình rừng trồng 5 năm. Ngược lại, rừng 5 năm có chi phí và lợi ích kinh tế thấp nhất trong 3 loại rừng. Sự chênh lệch về lợi nhuận của 2 mô hình gỗ rừng trồng 8 năm có và không có chứng chỉ nguyên do vì đối với gỗ có chứng chỉ công ty mua gỗ tròn với đường kính 12 cm, trong khi các doanh nghiệp thương lái địa phương mua gỗ không có chứng chỉ đường kính tối thiểu là 13-15 cm khúc gỗ. Điều này dẫn đến khi có chứng chỉ FSC có chênh lệch tỷ lệ gỗ tròn trên tổng sản lượng gỗ thu hoạch từ rừng 8 năm được thu mua để làm gỗ xẻ lên tới 60-65%, trong khi gỗ không có chứng chỉ bị thương lái ép giá khá thường xuyên nên chỉ thu khoảng 35-40%. Sau khi cả 2 rừng lựa để bán gỗ xẻ, còn sót lại số gỗ có đường kính nhỏ, cành, nhánh cây sẽ được bán cho các xưởng, công ty làm gỗ dăm với một mức giá như nhau (giá dăm gỗ). Bên cạnh đó, xét về giá gỗ xẻ, gỗ tròn từ rừng 8 năm có chứng chỉ bán để làm gỗ xẻ được mua cao hơn 10-18% so với gỗ không có chứng chỉ (2018), mức giá cao hơn chỉ +7,4% tại thời điểm khảo sát của chúng tôi 2022.

Chu trình trồng – khai thác rừng keo gỗ lớn 8 năm có chứng chỉ FSC.

Theo đánh giá chung, trong ba mô hình trồng rừng, rừng 8 năm có chứng chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Vì vậy, hộ dân nên chuyển đổi trồng rừng keo khai thác sớm 5 năm sang trồng rừng keo 8 năm có chứng chỉ, sẽ tăng gấp đôi thu nhập hàng năm và giúp đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, để thúc đẩy các hộ có điều kiện khó khăn chuyển đổi, cần thêm các chính sách hỗ trợ tài chính để giúp các hộ trang trải các nhu cầu sinh kế trước mắt của họ. Ngoài ra, cần sự tham gia nhiều hơn của các nhà phân phối và chế biến gỗ toàn cầu là rất cần thiết, đặc biệt là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và quốc gia để mở rộng quy mô dài hạn hỗ trợ người trồng cây, đảm bảo đầu ra cho gỗ có chứng chỉ.

Hữu Hoàng – Hiền Thương – Ngọc Trâm