Quảng Trị: Đẩy mạnh phát triển kinh tế làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

BVR&MT – Những năm gần đây, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được đầu tư, chú trọng phát triển. Nhờ đó, thu nhập người dân nâng cao, bộ mặt làng quê nhanh chóng thay da đổi thịt từng ngày. Tuy nhiên, việc các hộ mở rộng quy mô sản xuất lại nảy sinh những vấn đề cấp thiết, đòi hỏi các cấp chính quyền, người dân phải có giải pháp đồng bộ, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường để làng nghề phát triển bền vững.

Dựa theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Quảng Trị, hiện nay trên địa bàn tỉnh, có 66 nghề làng nghề truyền thống. Tập trung vào các nhóm nghề chính như chế biến, bảo quản nông – lâm – thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ; thủ công mỹ nghệ.

Làng nghề hấp cá khô ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh.

Đặc biệt, có 15 làng nghề thuộc ba huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Cam Lộ phát triển có quy mô, được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Trong đó huyện Hải Lăng có các làng nghề: Rượu Kim Long; nước mắm Mỹ Thủy; chổi đót Văn Phong; mứt gừng Mỹ Chánh; nón lá Văn Trị; nón lá Trà Lộc; bánh ướt Phương Lang; giá đỗ Lam Thủy. Huyện Triệu Phong có các làng nghề: Nước mắm Gia Đẳng; bún, bánh Linh Chiểu; bún, bánh Thượng Trạch; nón lá Bố Liêu và huyện Cam Lộ hiện đang phát triển làng nghề bún, bánh Cẩm Thạch; cao chè vằng Định Sơn.

Trong thời gian qua, việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động, xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương.

Một cơ sở chế biến nước mắm truyền thống tiêu biểu tại thôn Mỹ thủy, xã hải An.

Tuy nhiên, các làng nghề trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, phát triển manh mún, công nghệ lạc hậu, thiếu quy hoạch tổng thể. Không những vậy lại nằm xen kẽ trong vùng dân cư, thiếu mặt bằng sản xuất. Hệ thống thu gom và xử lí nước thải chưa được đầu tư đồng bộ. Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước mặt vẫn tồn tại, xảy ra thường xuyên ở nhiều địa phương.

Mặt khác, cơ sở vật chất hạn chế cũng dẫn đến việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp chưa thực sự sát sao. Nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh hạn chế, thiết bị công nghệ chế biến thô sơ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại còn ít. Cơ chế quản lý và hoạt động sản xuất giữa các làng nghề thiếu sự gắn kết, nên việc liên kết, thành lập các khu sản xuất tập trung giảm bớt áp lực cho môi trường còn khó khăn…

Vì vậy, để phát huy thế mạnh của các làng nghề, đồng thời từng bước khắc phục ô nhiễm  và nâng cao chất lượng môi trường sống, sức khỏe cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ môi trường, nhất là đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các làng nghề, xử lý nghiêm khắc những hộ có dấu hiệu vi phạm không có ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.

Đối với các cơ sở sản xuất, bên cạnh việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm theo phương châm kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ cổ truyền.

Việc sử dụng các loại máy móc tiên tiến cũng giúp quá trình sơ chế, chế biến được đồng bộ theo dây chuyền, làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Riêng đối với các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cần tuân thủ quy trình xử lý, thu gom nước thải, rác thải, chất thải rắn theo đúng quy định.

Cùng với đó, các làng nghề tiếp tục duy trì và phát triển các tổ tự quản để thực hiện nghiêm túc các hương ước, quy ước riêng gắn với đặc thù riêng của từng làng nghề, ký cam kết thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định.Có như vậy các làng nghề mới phát triển bền vững và môi trường sống của người dân được đảm bảo.

Hải Đăng