Quảng Trị: Đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản

BVR&MT – Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết là hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành nông nghiệp của Quảng Trị vẫn còn phát triển với quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, đa phần sản xuất theo kiểu truyền thống, sự liên kết càng cần thiết, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nhất là Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Nghị quyết 04-NQ/TU của tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến 2025, đồng thời xác định phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông, lâm, thủy sản là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ dân, do vậy, trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Cùng với đó, các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định, tích cực góp phần phát triển kinh doanh bền vững.

Sản phẩm miến gạo Loan Hảo tham gia Hội chợ Nông sản huyện Vĩnh Linh năm 2020.

Để việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm có hiệu quả, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi tham gia đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức hội nghị kết nối cung – cầu và giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã tích cực tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn kết hợp với bao tiêu sản phẩm.  Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có cơ chế tạo điều kiện để phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, trong đó có các sản phẩm đặc thù của địa phương; thực hiện hỗ trợ cho người dân theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương và của tỉnh về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo từng giai đoạn. Khuyến khích nông dân phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, chăn nuôi an toàn sinh học, trồng cây ăn quả,…theo hướng hàng hóa, bước đầu tạo thương hiệu được khách hàng tìm đến đặt mua đặc biệt là các sản phẩm OCOP, nhờ đó năng suất, chất lượng và giá trị nông sản ngày càng được nâng cao, hoạt động của các hợp tác xã cũng được tăng thêm một bước.

Thực tế cho thấy, từ mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như mô hình: 12 hợp tác xã liên kết với Công ty TNHH Đại Nam để tổ chức các cánh đồng lớn sản xuất lúa hữu cơ, 03 hợp tác xã  liên kết với Công ty Nafood xây dựng mô hình trồng chanh leo; Có 04 hợp tác xã liên kết theo hình thức chăn nuôi gia công với các công ty như CP, Goolden Star, Thái Việt… và nhiều mô hình tổ hợp tác, liên kết quy mô nhỏ giữa hợp tác xã với Doanh nghiệp. Các dự án liên kết trên đã phát huy hiệu quả tích cực về lợi nhuận, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã  về áp dụng các quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tổng số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao ước tính đến hết năm 2020 khoảng 5% (15 Hợp tác xã). Trong đó, số lượng hợp tác xã áp dụng công nghệ trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản 08 hợp tác xã; công nghệ tự động hóa 07 hợp tác xã , công nghệ tin học trong quản lý và kinh doanh là 01 hợp tác xã . Số hợp tác xã sở hữu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh là 07 Hợp tác xã với nhiều sản phẩm đa dạng như cà phê, gạo chất lượng cao, hồ tiêu, dược liệu, mỹ phẩm… Có thể khằng định việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định mà còn làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy vậy, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua vai trò hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Quy mô sản xuất của các hợp tác xã vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thiếu nguồn lực để hoạt động, đặc biệt là nguồn tài chính, khả năng huy động vốn hạn chế, việc tiếp cận vốn tín dụng còn ít, chủ yếu cung cấp dịch vụ đầu vào, chưa mạnh dạn để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân, trình độ cán bộ hợp tác xã còn rất hạn chế, chưa thực sự năng động trong cơ chế thị trường hiện nay, thiếu kỹ năng đàm phán thương mại, tiếp cận thị trường; Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn, hầu hết quy mô nhỏ và siêu nhỏ, việc tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít. Điều đó, cho thấy sức hút đầu tư vào nông nghiệp còn thấp. Nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn rất ít, chưa đáp ứng nhu cầu của các hợp tác xã, đặc biệt là nguồn lực để đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị phục vụ chế biến sản phẩm…

Vì vậy, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản nhằm phấn đấu giá trị tăng thêm của khu vực nông nghiệp là từ 2,5 đến 3% và đến năm 2025 tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 75%, đến năm 2030 là 85% theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, các cấp các ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện tốt chính sách trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đến vai trò của hợp tác xã, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tập trung tuyên truyền vận động người dân nhận thức được vai trò trong việc liên kết, hợp tác sản xuất – tiêu thụ sản phẩm để sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm từ cá thể sang tập thể, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm giá thành giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị và phát triển bền vững.

HTX sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm.

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất, trong đó ưu tiên phát triển cây con chủ lực của tỉnh, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương gắn với triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” OCOP theo 3 trục chủ lực: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản của địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ; triển khai các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường sản xuất theo quy chuẩn, chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, nhằm tạo được sức hút trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. 

Thu hút doanh nghiệp tham gia liên kế bằng cách tăng cường kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và nước ngoài  hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn tỉnh về đất đai, tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các mô hình chuỗi, đầu tư xây dựng siêu thị nông sản, cửa hàng tiện ích, các chợ đầu mối… để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động của chương trình xúc tiến thương mại với những mặt hàng nông sản, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về nghiên cứu thị trường, phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản, tổ chức hội chợ hàng nông sản cấp vùng và cấp miền, các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá hàng nông sản của tỉnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tăng cường tổ chức các hội thảo, hội chợ xúc tiên thương mại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người sản xuất triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và có cơ hội để gặp gỡ, kết nối.

Trần Văn Toàn (Quảng Trị)