Quảng Trị: Chuyển biến trong quản lý và bảo vệ rừng ở Đắkrông

BVR&MT – Hơn 15 năm triển khai thực hiện, phần lớn diện tích rừng tự nhiên được giao cho cộng đồng dân cư thôn và hộ gia đình trên địa bàn huyện Đakrông đều được quản lý, bảo vệ khá tốt, hạn chế tối đa tình trạng khai thác, lấn chiếm trái phép, từ đó tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Người dân Đakrông phát quang thực bì, phòng cháy rừng -Ảnh: K.K.S

Theo đó, huyện Đakrông đã thực hiện giao 8.454,68 ha rừng, đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư thôn và hộ gia đình thuộc 11/13 xã trên địa bàn quản lý. Sau khi nhận rừng, các cộng đồng đã được hướng dẫn thành lập ban quản lý rừng và tổ tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng. Từ năm 2005 đến nay, các cộng đồng, hộ gia đình được giao rừng đã thành lập được 27 ban quản lý rừng cộng đồng với 121 thành viên và các tổ bảo vệ rừng với 440 thành viên tham gia. Việc thành lập ban quản lý và tổ bảo vệ rừng đã giúp cho công tác quản lý và bảo vệ rừng thực hiện trình tự, tổ chức chặt chẽ hơn; ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư được nâng cao, qua đó hạn chế việc xâm lấn, khai thác rừng trái phép.

Hiệu quả công tác bảo vệ rừng khi thực hiện giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình đã thể hiện rõ tại huyện Đakrông. Qua triển khai công tác giao rừng cho 194 hộ gia đình thuộc 14 nhóm hộ trên địa bàn 7 xã nhận quản lý, bảo vệ đã tạo những chuyển biển tích cực trong nhận thức của toàn xã hội đối với trách nhiệm bảo vệ rừng. Một số nhóm hộ gia đình luôn đi đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tiêu biểu như nhóm 14 hộ gia đình tại thôn La Hót, xã A Bung; nhóm 11 hộ gia đình thôn Tà Rụt 3, xã Tà Rụt. Đến nay, diện tích rừng giao cho các hộ được bảo vệ tốt, diện tích được giao bị giảm chủ yếu là do sai hiện trạng, chất lượng rừng được giữ ở mức trung bình. Đối với cộng đồng, sau khi được giao rừng, đa số các cộng đồng đều thực hiện khá tốt công tác bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng và tuyên truyền cho người dân trong thôn cùng bảo vệ rừng. Tình trạng xâm lấn rừng, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trên các diện tích rừng được giao những năm gần đây giảm đáng kể, không có điểm nóng về xâm hại rừng.

Nhiều cộng đồng đã thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng như cộng đồng thôn A La (nay là thôn Ra Lây), xã Ba Nang năm 2008 được giao 120 ha để quy hoạch trồng rừng cộng đồng và khoanh nuôi trồng bổ sung cây bản địa. Sau một thời gian quản lý và bảo vệ, diện tích rừng đã tăng thêm 24,02 ha do tăng phẩm chất rừng từ đất trống lên rừng tự nhiên phục hồi. Hay cộng đồng thôn Pa Loang, xã Hướng Hiệp năm 2017 được giao 324,42 ha gồm 258,47 ha rừng tự nhiên và 65,95 ha đất trống. Mặc dù không có kinh phí cho công tác bảo vệ rừng nhưng cộng đồng thôn Pa Loang đã chung tay bảo vệ tốt khu rừng được giao, diện tích rừng đã tăng thêm 41,05 ha do tăng phẩm chất rừng từ đất trống lên rừng tự nhiên phục hồi.

Vấn đề hưởng lợi từ rừng tự nhiên được giao cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình trên địa bàn huyện Đakrông đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Các khu rừng sau khi giao được người dân bảo vệ khá tốt, lượng tăng trưởng của rừng ngày một tăng, bước đầu tạo thêm việc làm cho các hộ dân nhận rừng, giúp người dân có cơ hội hưởng lợi từ rừng thông qua việc khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ như song mây, lá nón, măng tre, mật ong rừng…

Tiêu biểu như cộng đồng thôn Pa Loang, xã Hướng Hiệp đã khai thác trung bình từ 60 – 100 tấn mây/ năm. Ngoài khai thác lâm sản, cộng đồng và hộ gia đình còn hưởng lợi từ chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Huyện Đakrông hiện có 8 xã nằm trong lưu vực được chi trả tiền DVMTR trên lưu vực nhà máy Thủy điện Quảng Trị. Có 2.637,7 ha rừng đã giao nằm trong lưu vực được chi trả DVMTR với 16 cộng đồng và 7 nhóm cộng đồng (83 hộ) được hưởng lợi, số tiền chi trả trung bình 300 ngàn đồng/ ha/năm.

Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các xã miền núi. Đây cũng là nguồn kinh phí chủ yếu trong công tác bảo vệ rừng ở cấp cơ sở, từ nguồn kinh phí này, các cộng đồng, hộ gia đình đã chi cho các hoạt động phục vụ tuần tra, bảo vệ rừng.

Mặc dù còn một số hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện nhưng từ những kết quả đạt được có thể thấy rằng, việc giao rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp nói chung và cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói riêng là chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tiễn quản lý rừng hiện nay. Việc xã hội hóa ngành lâm nghiệp là cần thiết nhằm thu hút, tranh thủ sự tham gia của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cộng đồng dân cư sống gần rừng là một trong những chủ thể quan trọng, được hưởng những lợi ích về kinh tế, môi trường sinh thái.Từ những kết quả đạt được, huyện Đakrông đã đề ra kế hoạch cụ thể cho công tác giao rừng và quản lý rừng tự nhiên trong giai đoạn tiếp theo. Đó là rà soát lại diện tích rừng tự nhiên chưa giao, chưa cho thuê hiện đang do UBND xã quản lý; lập kế hoạch kiểm tra các chủ rừng về tình hình về tình hình bảo vệ rừng sau khi giao. Đồng thời đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt kế hoạch giao rừng, bảo rừng sau khi giao hiệu quả.

Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, huyện Đakrông kiến nghị tỉnh thực hiện rà soát, bóc tách, điều chỉnh lại ranh giới tại các khu vực bị chồng lấn giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng HóaĐakrông và các cộng đồng, nhóm hộ gia đình được giao rừng. Quan tâm bố trí kinh phí hằng năm để thực hiện công tác giao rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất lâm nghiệp và bố trí nguồn kinh phí bổ sung để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những diện tích rừng đã giao trước đây.

Nghiên cứu, ban hành chủ trương, chính sách hợp lý cho cơ chế hưởng lợi từ rừng nhằm động viên, khuyến khích các cộng đồng, hộ gia đình tích cực nhận rừng bảo vệ, hưởng lợi theo đúng quy định. Đồng thời kiến nghị tỉnh xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ cho hoạt động quản lý bảo vệ rừng đối với các xã không được hưởng chính sách chi trả DVMTR; xây dựng cơ chế thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon của rừng.