Quảng Trị: Cần xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép

BVR&MT – Theo phản ánh của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, trong khi tuần tra bảo vệ rừng, đơn vị đã phát hiện một số hộ dân ngang nhiên trồng cây keo, dựng lán trại, phát lấn chiếm đất rừng trái phép tại diện tích đất rừng do ban quản lý thuộc Tiểu khu 818, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong. Mặc dù đơn vị chức năng đã phối hợp với địa phương nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ lán trại trái phép này nhưng đến nay sự việc chưa được xử lý triệt để.

Người dân tự ý phát quang rừng phòng hộ, trồng cây lấn chiếm đất

Vào ngày 7/10/2022, trong khi tuần tra bảo vệ rừng, Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bắc sông Thạch Hãn, thuộc BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn (gọi tắt là Ban) phát hiện các hộ dân gồm các ông: Võ Trung, Võ Tân ở thôn Trấm, xã Triệu Thượng và ông Lê Đình Phú, ở Thôn 5, xã Ba Lòng, huyện Đakrông đã trồng cây keo trên diện tích đất được UBND tỉnh phê duyệt chuyển đổi bàn giao về địa phương quản lý tại Tiểu khu 818, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong.

Sau khi phát hiện vụ việc, trạm đã đình chỉ các hoạt động và báo cáo Ban phối hợp với UBND xã Triệu Thượng, Hạt Kiểm lâm Triệu Phong phối hợp xử lý. Dù địa phương và các đơn vị chức năng đã tổ chức họp với các hộ dân vi phạm và yêu cầu các hộ dân di chuyển cây keo đã trồng ra khỏi khu vực trên, đồng thời Ban đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, nhắc nhở nhưng đến nay, các hộ dân vẫn cố tình chây ỳ, không chấp hành.

Đại diện BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn kiểm tra phát hiện các hộ dân dựng lán trại trái phép trên diện tích đất rừng thuộc quản lý của Ban -Ảnh: T.T

Cùng với việc cố ý trồng cây keo trên đất đã được giao cho UBND huyện Triệu Phong, vào ngày 8/3/2023, Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bắc sông Thạch Hãn phát hiện các hộ dân này dựng lán trại, phát lấn chiếm đất rừng trái phép tại diện tích đất rừng thuộc Tiểu khu 818, xã Triệu Thượng do Ban quản lý. Ban đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các hộ dân lấn chiếm đất rừng trái phép khẩn trương tự tháo dỡ lán trại cũng như di dời cây keo khỏi vị trí lấn chiếm, tuy nhiên các hộ dân vẫn không thực hiện.

Theo ông Nguyễn Cửu Tuấn, nhân viên bảo vệ rừng, BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, khi lực lượng chức năng đến tuyên truyền thì người dân dừng việc phát quang rừng, chỉ ở tại lán trại nên không có bằng chứng để xử phạt việc tự ý phát quang rừng. Nhưng khi lực lượng rời đi thì người dân lại thực hiện công việc này.

Tại cuộc họp giữa UBND xã Triệu Thượng, BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, Hạt Kiểm lâm huyện Triệu Phong vào ngày 13/3/2023 để giải quyết việc một số hộ dân trồng rừng trái phép trên đất rừng phòng hộ, ông Võ Trung cho rằng do thấy đất bỏ hoang nên trồng rừng với mục đích phủ xanh đồi trọc.

Ông Trung không thừa nhận mình làm sai, đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng và địa phương ký vào văn bản mà mình soạn thảo về việc trồng rừng xác nhận ông sai hay không sai để ông đi hỏi cấp trên. Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng Nguyễn Quang Thịnh đã đề nghị ông Võ Trung không tự ý tiếp tục canh tác trên diện tích đất rừng của BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn và dừng tất cả các hoạt động phát thực bì, khẩn trương tháo dỡ lán trại và tự xử lý cây keo đã trồng.

Tuy nhiên, trong chuyến kiểm tra mới nhất của Ban vào ngày 22/3/2023, lán trại vẫn chưa được tháo dỡ, các hộ dân tiếp tục phát thực bì xâm lấn thêm khoảng 1 ha. Ông Lê Đình Phú, trú tại Thôn 5, xã Ba Lòng, huyện Đakrông, vào thời điểm đó đang ở tại lán trại cho biết: “Tôi nợ ông Võ Trung một khoản tiền, không có tiền trả nên về đây ở lại trại làm giúp ông Trung việc phát quang trồng cây ở khu vực này chứ tôi không biết việc vi phạm xâm lấn đất rừng. Tôi về đây 1 tuần và đã phát quang 5 ngày nay”.

Vì sao sự việc kéo dài chưa được xử lý dứt điểm?

Thực hiện Quyết định số 1133/QĐ – UBND ngày 5/5/2020 của UBND tỉnh về việc thu hồi một phần diện tích đất rừng của BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn để giao địa phương quản lý, Ban đã tiến hành bàn giao hơn 132 ha cho huyện Triệu Phong.

Trong đó diện tích đã bàn giao cho địa phương quản lý ngoài thực địa bao gồm diện tích đất, rừng và mốc ranh giới đợt 1 năm 2020 là hơn 101 ha, đợt 2 năm 2022 là hơn 23 ha. Còn lại hơn 7,9 ha chưa được bàn giao. BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn đã nhiều lần đề nghị UBND huyện Triệu Phong, UBND xã Triệu Thượng tiếp nhận diện tích này, nhưng UBND huyện và UBND xã chưa tiếp nhận với lý do trong diện tích này có 2,7 ha không có trữ lượng, Ban đã xây dựng hồ sơ thanh lý rừng trồng sản xuất trình cấp trên thẩm định và phê duyệt.

Tuy nhiên đến nay Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/ NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp chưa được ban hành. Vì vậy, đến nay hồ sơ thanh lý rừng trồng sản xuất vẫn chưa được phê duyệt. Hiện nay, diện tích này đã tách ra khỏi ranh giới quản lý của Ban, thuộc diện tích địa phương quản lý (chỉ còn thiếu biên bản bàn giao hiện trường).

Cũng theo đại diện BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, 132 ha đất rừng được giao về cho địa phương để địa phương có phương án giao đất cho người dân đủ điều kiện tăng gia sản xuất. Hai hộ dân này thấy mình không thuộc đối tượng đủ điều kiện được cấp đất nên chủ động xâm lấn trái phép.

Ông Thái Văn Sơn, Giám đốc BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn cho rằng: “Sự việc khá phức tạp khi các hộ dân cố tình lấn chiếm đất rừng trái phép. Trong khi đó, chức năng nhiệm vụ của Ban là quản lý bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp, không có chức năng, thẩm quyền để xử lý vi phạm lâm luật. Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp chính quyền địa phương tổ chức họp với các hộ dân trên để giải quyết, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Ban đề nghị UBND xã Triệu Thượng chủ trì cùng với các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm minh và triệt để các đối tượng lấn chiếm đất rừng trái phép. Về trách nhiệm của Ban, chúng tôi tiếp tục giao Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bắc sông Thạch Hãn phân công, cắt cử người tuần tra, theo dõi thường xuyên.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người dân trên địa bàn được biết về nguồn gốc, đối tượng quy hoạch rừng trồng phòng hộ chuyển sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất đối với các diện tích rừng và đất rừng trên lâm phần quản lý. Không để phát sinh tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép trên đất rừng do BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn quản lý”.