Quảng Ninh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường

BVR&MT – Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mang lại nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là nhận thức về công tác BVMT được nâng lên, nhiều phong trào BVMT được triển khai, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, không phát sinh những điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.

Các thông số về môi trường từ trạm quan trắc môi trường tự động được truyền về Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở TN&MT) để giám sát. Ảnh: Mạnh Trường

Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh chỉ rõ: “Đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Cụ thể hóa Nghị quyết, ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030”.

Tỉnh sớm ban hành các chủ trương, định hướng về công tác BVMT có tính chất chuyên sâu để chỉ đạo và tổ chức thực hiện, triển khai lồng ghép các biện pháp BVMT vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, nhằm thực hiện và giải quyết các vấn đề tiềm ẩn về môi trường không khí, nước và kiểm soát chất lượng đất, quản lý chất thải rắn, quản lý đa dạng sinh học và các vấn đề biến đổi khí hậu… Tỉnh đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu sự suy thoái của tài nguyên thiên nhiên, nguy cơ ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, nâng cao năng lực quản lý môi trường của tỉnh. Đồng thời quyết liệt thực hiện các giải pháp để đảm bảo đúng lộ trình đến năm 2025 chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh không cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đá và thực hiện lộ trình đóng cửa mỏ, không gia hạn các mỏ đá vôi nằm dọc theo các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, khu vực cảnh quan ven Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.

Cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị của tỉnh, các địa phương, đơn vị đã có nhiều mô hình, cách làm phù hợp mang lại hiệu quả cao. Điển hình như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai những giải pháp để từng bước giảm thiểu ảnh hưởng của quá trình khai thác, chế biến than, khoáng sản đến môi trường. Cụ thể như nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ, phòng ngừa sự cố môi trường, cải tạo cảnh quan, xây dựng vườn hoa, cây xanh tại văn phòng, phân xưởng trên khai trường mỏ, tại mặt bằng công nghiệp, khuôn viên nhà máy… phục hồi môi trường, phát triển sản xuất “xanh”… đưa công nghiệp khai khoáng trở thành ngành kinh tế phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường cộng đồng. Ông Ðặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Công tác bảo vệ môi trường đã được các doanh nghiệp ngành Than thực hiện với ý thức trách nhiệm rất cao, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu song hành cùng sản xuất, góp phần xây dựng môi trường sống, làm việc xanh, sạch, đẹp.

Công nhân Phân xưởng Kho, Cảng Km6 (Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả) thường xuyên vệ sinh mặt bằng công nghiệp. Ảnh: Phạm Tăng

Là trung tâm sản xuất công nghiệp của tỉnh, TP Cẩm Phả đối mặt với những nguy cơ cao về tình trạng ô nhiễm do nước thải, chất thải rắn, không khí và suy giảm đa dạng sinh học. Trên địa bàn thành phố hiện có 16 công trường khai thác than, sản lượng từ 14-16 triệu tấn than/năm, tương ứng lượng đất bóc từ 180-200 triệu m3/năm. Nhằm giảm tối đa tác động tiêu cực của hoạt động khai thác than đến môi trường, thành phố thường xuyên phối hợp, đôn đốc, giám sát các đơn vị ngành Than thực hiện các giải pháp cụ thể bảo vệ môi trường. Thành phố chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức, thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Các cấp hội phụ nữ, đoàn thanh niên thành phố đang duy trì hiệu quả các phong trào, mô hình: Ngày chủ nhật xanh dọn vệ sinh môi trường biển; đội ngư dân xung kích vớt rác bảo vệ môi trường biển; ngày chủ nhật xanh…, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân chung tay bảo vệ môi trường. Thành phố yêu cầu các công ty môi trường thường xuyên thu gom rác thải, không để tập kết rác kéo dài quá 1 giờ trên mặt đường, vận chuyển nhanh chóng, dọn vệ sinh sạch sẽ. Qua đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường trên địa bàn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đưa ra từ đầu nhiệm kỳ, như: Duy trì tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn được đưa vào nơi quy hoạch tập trung đạt 100%…

Các địa phương tích cực thực hiện di dời những cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. 100% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; 100% KCN có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Đến nay tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị của tỉnh đạt 96,2%; 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý; 98% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch, 99,6% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.