Quảng Ninh: Tăng cường quan trắc bảo vệ môi trường

BVR&MT – Công tác bảo vệ môi trường luôn được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm, chú trọng với việc không ngừng dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động tại những khu vực, địa điểm, đơn vị sản xuất, kinh doanh thường xuyên có hoạt động phát thải ra môi trường. Điều này đã giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, chủ doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn mức độ ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành du lịch, dịch vụ phát triển bền vững.

Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh họp bàn phương án nâng cao chất lượng công tác quan trắc, kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động liên tục được UBND tỉnh triển khai từ năm 2013-2018, với 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 ngân sách tỉnh chi 77,8 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 80 tỷ đồng. 2 giai đoạn đầu tư được 11 trạm quan trắc tự động liên tục không khí xung quanh, 8 trạm quan trắc tự động liên tục nước mặt, nước biển ven bờ, 1 xe kiểm định môi trường nước, 1 trung tâm điều hành, 1 bảng điện tử hiển thị thông tin môi trường, 1 phần mềm quản lý dữ liệu và các thiết bị công nghệ thông tin kèm theo.

Từ hoạt động đầu tư của nhà nước và trên cơ sở quy định của nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thường xuyên có hoạt động phát thải ra môi trường (nhiệt điện, than, xi măng, các KCN) đã ­­­­không ngừng bố trí nguồn lực hàng năm, đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động, trạm xử lý nước thải, đo không khí nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát thải ra môi trường theo đúng tinh thần Nghị định số 38/NĐ-CP (ngày 24/4/2015) của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Riêng ngành Than, qua nhiều năm đã không ngừng đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường bằng việc đầu tư 50 trạm quan trắc môi trường nước thải, khí thải được đặt tại các khai trường khai thác, sản xuất, vận chuyển than.

Với những cố gắng, nỗ lực của tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên 161 trạm quan trắc môi trường tự động liên tục, trong đó có 1 trạm quan trắc môi trường không khí quốc gia đặt tại phường Hồng Hà (TP Hạ Long) do Bộ TN&MT đầu tư. Các trạm còn lại do tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện đầu tư. Đây là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tỉnh trong chủ động kiểm soát, bảo vệ môi trường sinh thái trước sự phát triển nhanh của các ngành kinh tế và tỷ lệ đô thị hóa cao.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh (Sở TN&MT) thực hiện quan trắc môi trường tại những địa điểm thường xuyên có hoạt động phát thải.

Việc đầu tư và vận hành hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại hiệu quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tăng cường năng lực cảnh báo và giám sát dữ liệu quan trắc tự động các thông số (không khí, nước mặt, nước biển, khí thải, nước thải), cho phép đánh giá được mức độ ô nhiễm về môi trường tại các khu vực đặt trạm quan trắc, giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát liên tục, tự động 24/24h hoạt động phát thải của các doanh nghiệp. Từ đó, kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý, ngăn chặn hoạt động phát thải vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam ra môi trường.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh, cho biết: Dữ liệu của các trạm quan trắc được cập nhật liên tục, truyền về trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh thông qua phần mềm ilotusland và được công bố số liệu quan trắc trực tuyến tới điện thoại cầm tay của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo 6 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hải Hà) và các cơ quan liên quan để nắm bắt kịp thời về tình hình phát thải ra môi trường của các doanh nghiệp xi măng, nhiệt điện, ngành than, các KCN, từ đó có biện pháp chỉ đạo, khắc phục nếu các chỉ số phát thải vượt ngưỡng cho phép.

Từ sự hoạt động hiệu quả của các trạm quan trắc đã đánh giá tích cực, khách quan, khoa học đối với các nguồn thải; nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường. Qua đánh giá của các đơn vị chức năng, năm 2019-2020, chỉ số quản trị môi trường của tỉnh, bao gồm 3 chỉ số thành phần (nghiêm túc trong bảo vệ môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước) đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố và là một trong 8 chỉ số góp phần nâng cao thứ hạng của Bộ chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh. Năm 2021, theo đánh giá của Bộ TN&MT, kết quả bảo vệ môi trường của tỉnh được xếp hạng là một trong 5 tỉnh, thành phố ở mức tốt trong cả nước.

Trước yêu cầu của sự phát triển và thách thức đặt ra đối với biến đổi khí hậu, ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030”. Để đảm bảo Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, cấp uỷ các cấp đã ban hành các chương trình hành động, chỉ thị triển khai thực hiện với sự vào cuộc tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân.