Quảng Ninh: Phát triển kinh tế rừng gắn với xây dựng nông thôn mới

BVR&MT – Trong 10 năm trở lại đây, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển kinh tế rừng và xây dựng nông thôn mới (NTM), đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đi đầu trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, về đích NTM trước 1 năm so với kế hoạch.

Thu hoạch hồi tại khu Khe Coóc (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu).

Bình Liêu hiện có hơn 41.000ha đất rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 87% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Xác định tài nguyên rừng là một trong những trụ cột quan trọng để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng NTM, giảm nghèo; phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với bảo đảm QP-AN trên địa bàn, những năm qua, huyện Bình Liêu đã đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, đảm bảo 100% diện tích rừng trên địa bàn huyện đều có chủ nhằm giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, hơn 3 năm trở lại đây, ngoài việc chỉ đạo tăng cường các giải pháp chăm sóc, bảo vệ và phát triển các loại cây đặc sản như hồi, quế, sở…, huyện Bình Liêu còn tập trung hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi từ trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn.

Đến hết quý I/2023, Bình Liêu đã có trên 10.200ha hồi, quế, sở, tăng 1.300ha so với năm 2017. Huyện cũng đã trồng được 120ha cây gỗ lớn lâu năm có giá trị kinh tế cao như lim, giổi, lát phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

Gia đình anh Dường Phúc Thím (thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn) có 4ha hồi với khoảng 3.000 cây đang độ thu hoạch. Trước đây, do giá hoa hồi tươi chỉ từ 2.000-3.000 đồng/kg, nên gia đình anh gần như không hề chăm sóc rừng hồi.

Những năm gần đây, giá hoa hồi tăng nhanh, bình quân ở mức 40.000 đồng/kg hoa tươi, đã tạo động lực để gia đình anh Thím chuyên tâm đầu tư chăm sóc và thu hoạch. Nhờ đó, mỗi năm gia đình anh thu hoạch được hơn 2 tấn hoa hồi tươi, bán được cả trăm triệu đồng. Từ chỗ chỉ làm đủ ăn, nhờ phát triển kinh tế rừng, đến nay gia đình anh đã dần có cuộc sống khá giả.

Từ khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng, đến hết năm 2022, huyện Bình Liêu cơ bản không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Bình Liêu đạt hơn 53 triệu đồng/người/năm, cao gấp 3 lần so với 10 năm trước đây. Đây cũng là cơ sở quan trọng giúp Bình Liêu hoàn thành chương trình xây dựng NTM trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 28 nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Tương tự như ở Bình Liêu, tại các xã miền núi của TP Hạ Long như: Tân Dân, Dân Chủ, Đồng Sơn, Kỳ Thượng… nhờ phát triển kinh tế rừng gắn với xây dựng NTM, nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn có thu nhập cao, góp phần để các xã về đích NTM.

Gia đình ông Triệu Đức Liên (thôn Hang Chăn, xã Tân Dân) có 6ha rừng được Nhà nước giao để trồng cây gỗ lớn như lim, quế… Ông Liên đã trồng xen canh 1,5ha các loại cây dược liệu quý hiếm như: Khôi tía, khôi nhung, trà hoa vàng, hoài sơn, kim ngân… Chỉ tính riêng cây dược liệu, mỗi năm gia đình ông Liên có thu nhập ổn định từ 60-80 triệu đồng.

Cán bộ, nhân dân xã Dân Chủ (TP Hạ Long) tham gia trồng rừng gỗ lớn (Ảnh: Trần Khánh – Trung tâm TT và VH TP Hạ Long)

Để phát triển kinh tế rừng gắn với xây dựng NTM, bảo đảm sinh kế của người dân, nhất là vùng biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong giai đoạn 2017-2022, tỉnh đã triển khai khoán bảo vệ rừng tự nhiên với hơn 200.000ha, bình quân đạt 36.500ha/năm, cao gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2016. Với cách làm này, Quảng Ninh không chỉ nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ mà còn góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân vùng nông thôn.

Năm 2016, Ban nhận khoán bảo vệ rừng xã Tiên Lãng (huyện Tiên Yên) được thành lập với 5 thành viên. Ban có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 225ha rừng ngập mặn nằm rải rác trên địa bàn xã với mức khoán 400.000 đồng/ha/năm do ngân sách chi trả. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của rừng ngập mặn, các thành viên trong Ban nhận khoán luôn nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Vì vậy, những cánh rừng ngập mặn trên địa bàn xã đã được quản lý nghiêm ngặt và phát triển tốt, đem lại nguồn lợi hải sản, giúp người dân Tiên Lãng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tỉnh cũng đã vận dụng, thực hiện sáng tạo, linh hoạt nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho người dân tại các địa phương có rừng và đất lâm nghiệp. Trong năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách, ủy thác qua Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Đến nay, từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã thực hiện cho vay trên 2.724 lượt khách hàng, với số tiền đạt gần 200 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Trong đó có nhiều hộ vay để phát triển kinh tế rừng và trồng cây lâm nghiệp.

Với nhiều giải pháp mang tính sáng tạo, đột phá, phù hợp với điều kiện thực tế, hết năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trước 1 năm so với kế hoạch, tiếp tục bước sang giai đoạn mới của chương trình với các yêu cầu cao hơn, mà mục tiêu quan trọng nhất vẫn là thu nhập, đời sống của người dân phải thực sự được nâng cao.

Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân năm của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD và tới năm 2030 đạt từ 8.000-10.000 USD. Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, việc phát triển kinh tế rừng gắn với xây dựng NTM theo cách làm của Quảng Ninh sẽ tiếp tục góp phần để tỉnh sớm đạt được những mục tiêu đề ra, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.