Quảng Ninh: Nỗ lực bảo vệ môi trường nông thôn

BVR&MT – Môi trường là một trong những tiêu chí có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng sống của người dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nên thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) khu vực nông thôn.

Để nâng cao ý thức của người dân, nhất là khu vực nông thôn, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn, phổ biến một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho 500 người là cán bộ phụ trách môi trường của các tổ chức chính trị – xã hội, các sở, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Người dân khu Biểu Nghi 2 (phường Đông Mai, TX Quảng Yên) tham gia dọn vệ sinh môi trường khu dân cư.

Các cấp Hội Phụ nữ đã cấp phát miễn phí 36.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về Luật BVMT, phòng chống rác thải nhựa, phân loại rác thải sinh hoạt, sử dụng rác tái chế, ủ phân hữu cơ, chuyên đề 3 sạch. Hội Nông dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng, thay đổi hành vi và thái độ về bảo vệ môi trường cho hội viên, nông dân; đồng thời, hướng dẫn và vận động hội viên nông dân phân loại chất thải ngay tại gia đình, huy động sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải nông thôn.

Nhằm nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất thải, thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, thiết lập các tuyến thu gom rác thải sinh hoạt và xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác phù hợp, góp phần xây dựng môi trường ngày càng xanh, sạch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng đang hoạt động và có 9 địa phương đầu tư bằng các nguồn với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng, xây dựng 26 lò đốt rác với tổng công suất xử lý gần 32 tấn/giờ. Nhờ vậy, bước đầu giải quyết nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Cán bộ xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) hướng dẫn bà con vùng DTTS tập kết rác sinh hoạt đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đẩy mạnh việc đa dạng, hiện đại hóa phương thức xử lý chất thải theo định hướng giảm dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp chôn lấp, tăng dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp đốt. Đến nay, 72% tổng lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, 26% tổng lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp đốt, 2% lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp tái chế thu hồi nhựa, chế biến phân compost….

Đặc biệt, một số địa phương như: Uông Bí, Ba Chẽ, Cô Tô đã triển thực hiện mô hình 3R – phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả trong công tác thu gom rác thải trên địa bàn. Thông qua các mô hình tại thôn, khu dân cư như: Tổ phụ nữ thu gom rác thải, Hợp tác xã thu gom rác thải giúp cho người lao động có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trong đó, nổi bật là mô hình “Biến rác thành tiền” được Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện ở 13 địa phương, đơn vị với 100% cơ sở Hội và chi hội. Trong 2 năm gần đây, đã có trên 200 nghìn hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại gia đình gắn với thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền” với số tiền thu được trên 3 tỷ đồng. Mô hình đã được công nhận là mô hình dân vận khéo cấp tỉnh năm 2020. Chị Lương Thị Huyền (Khu 2, thị trấn Cô Tô) cho biết: Mô hình “Biến rác thành tiền” đã mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong từng cụm dân cư; không chỉ góp phần nâng cao nhận thức và hành động của chị em trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, mà hoạt động này còn giúp chị em phụ nữ trong chi hội gắn kết hơn.

Với những nỗ lực trong công tác BVMT, hiện nay, môi trường sống ở vùng nông thôn của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh.