Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

BVR&MT – Quảng Ninh hiện có trên 162.000 người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thực hiện chủ đề công tác năm 2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực nâng cao đời sống đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu.

Công trình giếng khoan do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng tại xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ.

Ba Chẽ là huyện miền núi với số lượng lớn đồng bào DTTS sinh sống tại nhiều khu vực có địa hình phức tạp. Để nâng cao đời sống nhân dân, năm nay, huyện phấn đấu đưa tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ 68% lên 72% và 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn huyện tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả khai thác sử dụng các công trình nước sinh hoạt tập trung, nước sinh hoạt phân tán tại các khu vực nông thôn, từ đó, tham mưu các giải pháp thiết thực, đảm bảo nước sinh hoạt, phục vụ tưới tiêu, sản xuất và đời sống sinh hoạt nhân dân. Hiện, toàn huyện có 4.338/4.360 hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt 99,5% và 2.965/4.360 hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt, đạt 68%.

Các hộ hiện sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh và nguồn nước sạch sinh hoạt từ các công trình: Hồ chứa nước 4 xã vùng cao xã Lương Mông; hồ chứa nước Khe Lọng Trong, xã Thanh Sơn; hồ chứa nước Khe Mười, xã Đồn Đạc; công trình nước sinh hoạt Khe Lầm, xã Đồn Đạc; trạm xử lý nước thị trấn Ba Chẽ và các công trình nước sinh hoạt tự chảy của các thôn. Toàn huyện có 29 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại khu vực nông thôn; trong đó các công trình cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu, sản xuất của nhân dân.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục bảo dưỡng các công trình đã được xây dựng; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng, sửa chữa, nâng cấp một số dự án cấp nước, trên tinh thần phải đảm bảo nguồn sinh thủy, tính khả thi và hiệu quả cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy…

Là địa phương miền núi, biên giới, với hơn 96% là đồng bào DTTS sinh sống, việc nâng cao chất lượng đời sống cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu của huyện Bình Liêu. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng bản sắc văn hóa truyền thống đậm nét của đồng bào các dân tộc, hạ tầng đầu tư đồng bộ, huyện đã chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Đồng thời, tập trung làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có gắn với lợi thế đặc trưng của các dân tộc xuyên suốt trong cả năm. Như, mùa xuân, hạ có Lễ hội đình Lục Nà, Tuần Văn hóa – Thể thao, Hội Soóng cọ, Hội Kiêng gió năm 2023; mùa thu, đông huyện có hoạt động du lịch chào mùa thu Bình Liêu vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Tuần Văn hóa – Du lịch, Hội Mùa vàng Bình Liêu, Hội Hoa sở.

Đáng chú ý, đầu tháng 3/2023, huyện đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội huyện. Theo đó, huyện phấn đấu đến năm 2025 thu hút trên 500.000 lượt khách, doanh thu trên 450 tỷ đồng, trên 3.500 lao động trực tiếp liên quan đến du lịch. Huyện sẽ hoàn thiện 9 điểm du lịch cộng đồng, du lịch bản, du lịch sinh thái và 7 điểm tham quan trên địa bàn. Đồng thời, triển khai đón khách tại 3 điểm du lịch cộng đồng đại diện cho 3 dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Trên cơ sở đó, huyện sẽ xây dựng các tuyến du lịch nội vùng, ngoại vùng, quốc tế.

Nhằm nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, năm nay huyện Vân Đồn đặt mục tiêu duy trì không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiêu chí của Trung ương, nâng cấp các công trình thiết yếu đảm bảo 100% trường, lớp được xây dựng kiên cố, 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn. Huyện cũng sẽ phối hợp với các đơn vị viễn thông xóa vùng lõm sóng đảm bảo 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh, sử dụng di động. Huyện cũng duy trì 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 98% đồng bào DTTS có bảo hiểm y tế, trên 90% số rác thải sinh hoạt được thu gom. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 86%, 100% học sinh đồng bào DTTS được định hướng nghề nghiệp, 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS được phân luồng vào học nghề hoặc vừa học văn hóa vừa học nghề. Cùng với đó, huyện sẽ thực hiện các giải pháp liên quan đến phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế, đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm lo toàn diện về văn hóa – y tế – giáo dục cho người dân…