Quảng Ninh: Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa hanh khô

BVR&MT – Khoảng 18h40’ ngày 30/11 mới đây, tại khu vực rừng trồng keo thuộc tổ 1, khu 8, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, đã xảy ra vụ cháy rừng keo 5 năm tuổi. Do thời tiết hanh khô kèm gió lớn đã khiến đám cháy rừng lan nhanh, ngọn lửa bốc cao làm cho nhiều ha rừng của người dân bị đe dọa, trong đó có hơn 2ha rừng keo bị thiêu rụi hoàn toàn.

Ảnh minh họa.

Vị trí đám cháy chỉ cách khu dân cư dưới chân đồi khoảng 200m, nên nguy cơ cháy lan vào các hộ dân là rất lớn. Ngay sau khi nhận được thông tin vụ cháy, TP Hạ Long đã huy động gần 200 người, gồm công an, bộ đội, kiểm lâm, lực lượng phòng cháy chữa cháy, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên cùng thiết bị, phương tiện chữa cháy đến hiện trường để dập lửa.

Các lực lượng, phương tiện đã nhanh chóng tiếp cận đám cháy từ nhiều hướng, tích cực, khẩn trương thực hiện các biện pháp chữa cháy rừng. Do đám cháy lớn, diện tích rộng, nên nhiệt lượng tỏa ra rất lớn, khiến cho việc tiếp cận, khống chế đám cháy gặp nhiều khó khăn.

Với nỗ lực và quyết liệt dập lửa, ngăn chặn đám cháy lan rộng của các lực lượng, nên khoảng hơn 2 tiếng sau đám cháy đã cơ bản được khống chế, khi ngọn lửa chỉ còn cách nhà dân khoảng 100m.

Mặc dù vậy, do tàn dư của đám cháy và ở một số điểm khác vẫn có nguy cơ bùng cháy trở lại. Do vậy, các lực lượng chức năng vẫn phải tiếp tục giám sát, kịp thời dập lửa ở những điểm chưa được dập lửa triệt để.

Nguyên nhân vụ cháy và mức độ thiệt hại do vụ cháy gây ra đang được các ngành chức năng điều tra, xác định…

Trước đó, vào chiều cùng ngày, một vạt rừng ở phường Cao Xanh cũng đã bốc cháy dữ dội, nhưng đã được khống chế sau vài giờ. Nguyên nhân ban đầu cũng được xác định là do thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp, tầng thực bì dễ bén lửa, cộng với sự bất cẩn của người dân trong việc sử dụng lửa đã dẫn đến vụ cháy này…

Thực tế cho thấy, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng, gây thiệt hại về tài sản của người dân. Trong đó đáng chú ý có vụ cháy xảy ra đầu năm 2021 trên địa bàn TP Hạ Long, phải sau 2 ngày lực lượng chức năng với sự tham gia của hàng trăm người cùng nhiều phương tiện, thiết bị mới khống chế được triệt để vụ cháy. Hậu quả, nhiều ha rừng đã bị cháy rụi…

Hiện nay, thời tiết đang trong mùa hanh khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, trong khi đó trên địa bàn tỉnh lại có diện tích rừng khá lớn, phân bổ ở nhiều địa phương, trong đó bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Vì vậy, để bảo vệ rừng hiệu quả, các địa phương trong tỉnh cũng như các lực lượng chức năng cần chủ động và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống cháy rừng. Phương châm đặt ra là phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời và có hiệu quả. Trong công tác này, lực lượng Kiểm lâm phải giữ vai trò nòng cốt, chủ đạo trong công tác tuyên truyền, vận động, chuẩn bị lực lượng, dụng cụ, thiết bị, sẵn sàng dập lửa nếu xảy ra cháy rừng.

Cùng với đó, yêu cầu các chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng và tuân thủ an toàn việc sử dụng lửa trong sản xuất, đốt thực bì, tránh gây cháy lan. Đối với các tổ chức, cá nhân trước khi đốt thực bì phải dọn đường ranh cách lửa theo đúng quy định; đồng thời trước khi đốt phải báo với chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm địa bàn để giám sát, theo dõi. Chính quyền xã, thôn phải sâu sát với từng khu vực rừng, các hộ dân sống ven rừng, kịp thời chấn chỉnh những nguy cơ có thể dẫn đến cháy rừng. Các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn phòng cháy chữa cháy rừng; bố trí lực lượng, phương tiện tại các điểm chốt, trạm canh gác và có phương án chữa cháy rừng cụ thể cho từng khu vực có nguy cơ cháy cao…