BVR&MT – Ngày 19/11/2018 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 8632/UBND-NLN3 về việc chỉ đạo phối hợp với Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường thực hiện việc tuyên truyền Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Lao động Thương binh & Xã hội; Ban Xây dựng Nông thôn mới; Ban Dân tộc căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao và các nội dung Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường đề nghị để phối hợp, cung cấp thông tin tuyên truyền.
Được biết, Quảng Ninh là một trong những tỉnh được đánh giá đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo. Do vậy, để nhận rộng hơn những mô hình tiêu biểu, Ban biên tập Cơ quan báo chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường đề nghị phối hợp tiếp cận, tìm hiểu thực tế viết bài về những mô hình phát triển kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững (mô hình kinh tế vườn đồi, trồng trọt chăn nuôi, chế biến nông lâm sản, gương điển hình…). Song song với đó cũng kịp thời tuyên truyền những tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, những tập thể, cá nhân đi đầu trong công tác xã hội hóa xây dựng Nông thôn mới, đoàn kết dân tộc – xây dựng văn hóa khu dân cư.
Từ chủ trương này, Cơ quan báo chí cũng sẽ thường xuyên cập nhật thông tin chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh về công tác xây dựng Nông thôn mới, và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, từ đó kịp thời thông tin tuyên truyền tạo ra sự đồng thuận, thay đổi về nhận thức, góp phần đoàn kết dân cư thực hiện thành công các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và công tác này đã không ngừng đạt được nhiều tiến bộ trong các năm qua, được quốc tế ghi nhận.
Thủ tướng cho biết, theo tiêu chí cũ, từ 1993, Việt Nam còn 58% hộ nghèo thì đến 2015, giảm còn 4,45%, nếu theo chuẩn nghèo đa chiều tỷ lệ này tương đương với 9,92%, đây là thành tích lớn trong chỉ đạo, điều hành. Việt Nam đã về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc trong bối cảnh toàn thế giới hiện vẫn còn trên 01 tỷ người nghèo, chủ yếu là ở vùng nông thôn 78%.
Theo Thủ tướng, bài học kinh nghiệm trong vấn đề này rất nhiều nhưng tựu chung lại là sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; sự tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế nhất là UNDP và Worldbank. Bên cạnh đó là sự chủ động, ý chí vươn lên thoát nghèo của chính những người nghèo.
Phượng Long