Quảng Ngãi tiếp tục trồng thí điểm giống sắn HN3 kháng bệnh khảm lá

BVR&MT – Để từng bước khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn hom giống sắn sạch bệnh và kịp thời cung ứng cho nông dân sản xuất, tỉnh Quảng Ngãi đồng ý cho sở, ngành chức năng và địa phương liên quan tiếp tục triển khai trồng thí điểm giống sắn HN3 kháng bệnh khảm lá.

Giống sắn HN3 trồng thí điểm tại Quảng Ngãi không xuất hiện triệu chứng bệnh virus khảm lá và cho năng suất khá cao.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND các huyện Sơn Hà và Nghĩa Hành chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp) lập kế hoạch thu gom nguồn hom giống sắn HN3 từ 2 mô hình cấp phát cho nông dân sản xuất trong niên vụ sắn 2022-2023.

Việc cấp phát giống sắn HN3 và tổ chức sản xuất phải có sự kiểm soát của cơ quan chuyên môn, tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ và đồng thuận tham gia, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật chăm sóc để đạt hiệu quả cao.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh virus khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh, niên vụ sắn 2021-2022, Sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức trồng thí điểm 10ha giống sắn HN3 kháng bệnh virus khảm lá tại xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành (5ha) và Sơn Cao, huyện Sơn Hà (5ha) để nhân giống cho các niên vụ tiếp theo.

Trong thời gian trồng thí điểm, UBND huyện Sơn Hà, Nghĩa Hành đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch tập huấn kỹ thuật cho nông dân và cấp phát hỗ trợ các vật tư nông nghiệp phục vụ công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình hướng dẫn.

Đồng thời, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn và phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp kiểm tra, đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển, sâu bệnh hại trên giống sắn HN3 tại các điểm mô hình.

Kết quả thực hiện cho thấy, cả 2 mô hình đều không xuất hiện triệu chứng của bệnh virus khảm lá sắn gây hại, trong khi giống đối chứng KM94 do nông dân sản xuất trên cùng cánh đồng tỷ lệ bệnh từ 90%-100%.

Cụ thể, mô hình tại huyện Sơn Hà năng suất ước tính đạt 23,4 tấn/ha, cao hơn 7,7 tấn/ha so với ruộng nông dân sản xuất giống sắn KM94 bị nhiễm bệnh trên cùng cánh đồng (15,7 tấn/ha); hàm lượng tinh bột đạt tương đương (25,35% và 25,40%); lãi đạt gần 27 triệu đồng/ha, cao hơn 11,4 triệu đồng/ha so với giống sắn đối chứng KM94 trên cùng cánh đồng.

Mô hình tại huyện Nghĩa Hành năng suất ước tính đạt 24,21 tấn/ha, cao hơn 12,69 tấn/ha so với ruộng nông dân sản xuất giống sắn KM94 bị nhiễm bệnh trên cùng cánh đồng (11,52 tấn/ha); hàm lượng tinh bột đạt 19,88%, thấp hơn 8,77% so với giống KM94 (28,65%); lãi đạt hơn 20,8 triệu đồng/ha, cao hơn 10,9 triệu đồng/ha so với đối chứng KM94 nông dân sản xuất trên cùng cánh đồng.

Ước tính lượng hom giống thu được từ 2 mô hình trên có thể cung cấp cho diện tích trồng mới khoảng 50-55ha trong niên vụ 2022-2023 ( huyện Sơn Hà 25ha; huyện Nghĩa Hành 25-30ha).

“Giống sắn HN3 mới trồng thí điểm tại Quảng Ngãi trong niên vụ 2021-2022, do đó cần tiếp tục theo dõi về khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất của giống để đánh giá khả năng thích ứng của giống này ở điều kiện thực tế sản xuất tại các địa phương trong tỉnh”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh.

Qua kiểm tra thực tế mô hình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đánh giá cao kết quả bước đầu của việc trồng thí điểm giống sắn HN3 kháng bệnh khảm lá.

Đặc biệt, giống sắn HN3 không xuất hiện triệu chứng của bệnh virus khảm lá gây hại, năng suất giống sắn HN3 cao hơn so giống đại trà KM94, mở ra cơ hội cho nông dân trồng sắn có thể lựa chọn giống mới kháng bệnh trồng thay thế những giống truyền thống có tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao, góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn hom giống sắn trên địa bàn tỉnh hiện nay và nâng cao thu nhập cho nông dân.