Quảng Ngãi: Làm giàu từ nghề ươm keo giống

BVR&MT – Hơn 6 năm qua, từ năm 2016 đến nay, vườn ươm keo giống của chị Đào Thị Vân ở xóm 3, thôn Hưng Nhượng Nam, xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều hộ trồng rừng trong và ngoài huyện. Nhờ mạnh dạn đầu tư, mở rộng vườn ươm, chị Vân đã làm giàu cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương từ nghề ươm keo giống.

Sinh năm 1979 trong một gia đình thuần nông ở xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh. Sau nhiều năm đi làm thuê ở các vườn ươm trong và ngoài địa phương, với bản tính cần cù, chịu khó, trong thời gian làm thuê tại cơ sở ươm cây giống, chị Vân học hỏi được kinh nghiệm ươm cây. Nhận thấy nhu cầu trồng keo lai trong các hộ dân ngày càng nhiều, năm 2016 chị Đào Thị Vân quyết định thành lập vườn ươm cho riêng mình. Ban đầu chị chỉ làm vườn ươm với diện tích 5 sào. Nhờ kinh nghiệm học hỏi từ những năm đi làm ở các vườn ươm giống nên vườn ươm luôn phát triển tốt, đáng tin cậy, được nhiều người tìm đến mua. Nhờ thấy có hiệu quả, đến năm 2019, chị lại tiếp tục mở rộng vườn ươm lên 15 sào ở các đồng thuộc thôn Tân Hưng và thôn Hưng Nhượng Nam.

Chị Vân đang cắt hom giống để cấy bầu.

Nhờ tuân thủ tốt các quy trình kỳ thuật khi ươm nên cây con của chị đảm bảo chất lượng cao. Nhiều năm nay, chị chuyên sản xuất cây keo giống để cung cấp cho thị trường. Trung bình mỗi năm chị ươm và bán trên 1 triệu cây con. Đầu ra sản phẩm luôn thuận lợi, số lượng cây con được ươm ra luôn bán chạy. Khách tìm đến mua nhiều nhất từ tháng giêng âm lịch cho đến tháng 8 hàng năm. Giá bán cây con giao động từ 500 đồng đến 1.000 đồng/cây. Trung bình mỗi năm doanh thu từ vườn ươm của chị thu về khoảng 700 triệu đồng, trừ chi phí chị còn lãi trên 300 triệu đồng.

Chị Vân bên vườn keo giống trước khi xuất bán.

Theo chị Vân, để làm vườn ươm đạt hiệu quả thì phải thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật, chọn giống tốt, vườn ươm trên đất đồi gò, trong vườn có ống dẫn nước, hệ thống tưới tự động. Toàn bộ vườn ươm được tưới với độ ẩm cần thiết. Chị cho biết: Việc ươm cây giống đòi hỏi phải tỉ mẫn, cần cù. Nhờ học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, tôi đã biết lượng nước tưới như thế nào cho đủ, cắt hom phải chọn phần non, đủ số lượng mắt lá. Đặc biệt là thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh cho cây giống.

Không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân, chị còn tạo công ăn việc làm cho 8 lao động nông thôn, với mức thu nhập ổn định 4,5 triệu đồng/người/tháng. Bà Mai Thị Hòa, 63 tuổi, ở thôn Hưng Nhượng Bắc đã làm ở vườn ươm của chị Vân từ ngày chị Vân mới vào nghề ươm keo giống. Công việc chính của bà là vô túi đất và cấy hom giống. Bà Hòa cho biết: Do tuổi lớn, sức khỏe cũng hạn chế, nên tôi chọn vườn ươm của chị Vân để làm, vừa nhẹ nhàng, phù hợp với việc nông của tôi, trung bình mỗi ngày tôi vô khoảng 4.000 bầu, có lúc thì cấy hom giống, bình quân mỗi ngày cũng kiếm được 150 ngàn đồng, mỗi tháng thu nhập ổn định khoảng 4,5 triệu đồng.

Vườn ươm keo giống của chị Vân đã tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ ở địa phương.

Chị Đào Thị Vân là một trong những hộ làm nghề ươm giống cây keo lai phát triển kinh tế đạt hiệu quả tại địa phương. Đồng thời, chị Vân còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Bên cạnh đó, hiệu quả từ vườn ươm của chị còn giúp địa phương thực hiện công tác phát triển rừng, tạo môi trường sinh thái.

Thu Phượng- Kim Cúc