Quảng Nam: Trồng dâu, bỏ… lá(!)

BVR&MT – Hàng chục héc ta dâu tằm tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh phải bỏ lá khô do không có trứng nuôi kén và đầu ra sản phẩm khó khăn khiến nông dân không mặn mà, thậm chí tính đến chuyện phá bỏ.

Nghề trồng dâu nuôi tằm gặp khó do đầu ra sản phẩm bấp bênh. Ảnh: V.LỘC

Bể… dâu

Ông Nguyễn Hữu Phước (thôn Bến Đền, Điện Quang, Điện Bàn) là một trong những nông dân đam mê nghề trồng dâu nuôi tằm. Sinh ra và lớn lên trên vùng quê Gò Nổi, ký ức ông gắn liền với khung cửi rộn ràng của những năm 90 thế kỷ trước. Năm 2018, cùng một số dân trong xã, ông mạnh dạn đăng ký tham gia dự án trồng dâu với mong ước phục hồi nghề truyền thống của quê hương.

Thế nhưng, sau những háo hức ban đầu, một số người trồng dâu dần bỏ cuộc, riêng ông Phước từ 3 mẫu dâu nay chỉ còn hơn 6,5 sào, nhưng ông vẫn bám trụ. Dịch Covid-19 bùng phát kéo dài đã khiến ước mơ về một biền dâu xanh tốt ven sông trong ông dần tan biến.

“Từ tháng 6 đến nay không có trứng kén nên tôi không hái lá dâu nào, mà có làm ra cũng không biết bán cho ai” – ông Phước nói. Nỗi lo của ông Phước không chỉ là lá dâu bỏ phí mà số tiền thuê đất của xã (250 nghìn đồng/sào/năm) vẫn chưa biết tính sao.

Vụ mùa này, Điện Quang có khoảng 7ha dâu với 9 hộ tham gia. Hầu hết đều trong tình cảnh như ông Phước. Một số hộ bắt đầu bỏ dâu khô rụng không chăm sóc, nên diện tích dâu thực tế không còn nhiều.

Ông Phan Tín – Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) thừa nhận, từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến lượng trứng nuôi kén do Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương (Hà Nội) cung cấp không thể mang vào Quảng Nam. Cùng với đó, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, việc nuôi tằm cũng trở nên khó khăn hơn.

“Thông thường để trứng nở tốt ở nhiệt độ dưới 30 độ, nhưng năm nay có khi nhiệt độ lên 37, 38 độ nên nhiều người dân nản bỏ lá dâu già rụng, một số ít tiếc thì hái mang về cho bò ăn” – ông Tín nói.

Năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương cung cấp dâu giống mới VH15 cho người dân theo chương trình khuyến nông. Đây là giống dâu cho năng suất cao, bình quân mỗi lứa khoảng 20 tấn lá. Với năng suất này, dự kiến nông dân sẽ nuôi được 4 mí tằm.

“Theo tính toán, một héc ta dâu cần 4 hộp trứng (mỗi hộp cho 30kg kén), tương đương một héc ta sẽ cho 120kg kén. Thời gian một lứa tằm khoảng 21 ngày, nếu không có dịch bệnh, từ tháng 6 đến nay cũng đã nuôi được 3 lứa” – ông Tín phân tích.

Khó phục hồi nghề truyền thống

Thời vàng son của dâu tằm Quảng Nam diễn ra cách đây đã 30 năm, tập trung nhiều nhất tại một số địa phương của tỉnh như Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên với diện tích hàng trăm héc ta. Riêng giai đoạn 1987 – 1992, mỗi năm xã Điện Quang (Điện Bàn) xuất ra thị trường gần 20 tấn tơ, trong làng lúc nào cũng rộn ràng tiếng thoi đưa dệt lụa. Tuy nhiên, giai đoạn 1993 – 1996 diện tích trồng dâu thu hẹp dần.

Nhằm phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm Quảng Nam, từ năm 2018, nhiều dự án trồng dâu nuôi tằm bắt đầu được khởi động, triển khai tại một số địa phương trong tỉnh. Nổi bật, có thể kể đến dự án thí điểm phục hồi vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm Gò Nổi do HTX Nông nghiệp Điện Quang phối hợp với Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam thực hiện.

Trong đó, Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam sẽ chịu trách nhiệm thu mua kén của người dân. Thời gian đầu, dự án nhận được sự ủng hộ của người dân vì đã mở ra hướng đi mới, tạo sinh kế và cải thiện thu nhập, đặc biệt có thể biến ước mơ phục hồi thời kỳ vàng son tơ lụa của những hộ dân trên vùng đất Gò Nổi thành hiện thực. Dù vậy, trước tình hình dịch bệnh, đầu ra khó khăn như hiện nay, giấc mơ về “dòng sông lụa” đã trở nên gập ghềnh.

Không chỉ các hộ trồng dâu nuôi tằm Điện Bàn gặp khó, tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên tình trạng thiếu trứng kén cũng khiến nhiều diện tích dâu phải bỏ lá khô. Ông Trần Việt Phương – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho rằng, đây là do dịch bệnh gây ra nên khó có giải pháp hiệu quả. Theo quy hoạch, đến năm 2025 vùng nguyên liệu dâu trên địa bàn huyện Đại Lộc đạt khoảng 60ha, phân bố chủ yểu tại các xã Đại Hồng, Đại Hiệp, Đại An…

Ngoài HTX Phú Trung đang trồng khoảng 7,5ha dâu tại 2 xã Đại Hiêp và Đại An (theo kế hoạch đến năm 2022 hai xã này sẽ trồng thêm 20ha) thì HTX Nông nghiệp Đại Hồng dù đã thu hoạch 8ha lá từ năm ngoái nhưng năm nay đang đối diện với nhiều khó khăn do năng suất lá không đạt vì nắng nóng, khô hạn, chưa kể ảnh hưởng dịch, thiếu trứng kén dẫn đến hiệu quả thấp.

Tại huyện Duy Xuyên, tuy một số nơi vẫn duy trì việc chăm sóc, thu hoạch lá dâu, nuôi kén nhưng theo ông Trần Huy Tường – Trưởng phòng NN&PTNT huyện, những ngày tới sẽ rất khó khăn do hết nguồn trứng và hạn chế đầu ra sản phẩm. “Ban đầu, dự án trồng dâu nhắm đến các doanh nghiệp để họ tiêu thụ hoặc xuất sang Mỹ nhưng do dịch Covid-19 nên mình cũng điêu đứng luôn” – ông Tường chia sẻ.

Đến nay, toàn huyện trồng khoảng 40ha dâu, tập trung nhiều ở các xã Duy Trung, Duy Châu, Duy Hòa… Cũng như các nơi khác, từ tháng 6 đến nay nhiều hộ dân, cơ sở trồng dâu nơi đây đã bị đình trệ do nguồn trứng từ Hà Nội chuyển vào thiếu hụt.