BVR&MT – Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Quảng Nam đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý, lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050, rất cần ý kiến góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, nhất là về vấn đề quy hoạch đô thị, đô thị ven sông, ven biển.
Ngày 25/6, tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam đã diễn ra hội thảo “Quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, ven sông tỉnh Quảng Nam theo hướng sinh thái và bền vững” do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; chính quyền, các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Nam; các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch đô thị ở Việt Nam và địa phương.
Hội thảo nhằm góp phần phát triển đô thị ven biển miền Trung theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Tỉnh Quảng Nam đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý, lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050; dự kiến đến quý I/2023 hoàn thành, trình Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình đó, tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo các cấp để lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Trong đó, vấn đề quy hoạch đô thị, đô thị ven sông, ven biển là nội dung được Quảng Nam chú trọng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết thêm, hội thảo lần này là hội thảo chuyên sâu để Quảng Nam lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về những thách thức, cơ hội trong quy hoạch phát triển đô thị ven sông, ven biển cũng như mối quan hệ với các đô thị khác trong khu vực. Một số vấn đề mà tỉnh Quảng Nam quan tâm như: định hướng mở rộng đô thị Điện Bàn về phía Bắc; giải quyết vấn đề bảo tồn đô thị cổ Hội An cùng với sự quá tải về dân cư, môi trường… trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ, du lịch nơi đây; phát triển đô thị của Duy Xuyên, Thăng Bình với lợi thế ven biển…
Tại hội thảo, Tiến sỹ, kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Quảng Nam là một trong 7 tỉnh, thành phố thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, có nhiều tài nguyên cảnh quan thiên nhiên đẹp, hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và có tiềm năng đa dạng để phát triển kinh tế biển. Quảng Nam có nhiều điều kiện cũng như cơ hội tăng trưởng kinh tế mang tính đột phá; là một trong các cửa ngõ, đầu mối giao thông của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; có vị thế đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng… Đặc biệt, giá trị cảnh quan rừng, biển, sông, hồ… nhất là tiềm năng vùng phía Đông của tỉnh có những nét đặc trưng riêng, phong phú và đa dạng.
Trong chuỗi đô thị du lịch biển Duyên hải Nam Trung bộ, Quảng Nam cùng với Đà Nẵng có vai trò, vị thế quan trọng là “cầu nối” hai miền Bắc – Nam vùng Duyên hải Trung bộ và cửa ngõ mới hướng ra Biển Đông của các tỉnh Tây Nguyên. Vùng biển và ven biển của tỉnh Quảng Nam được định vị với thương hiệu là đô thị du lịch biển – “Điểm đến hấp dẫn với sự khác biệt”, dựa trên các lợi thế về tài nguyên du lịch biển đảo, đầm vịnh, ẩm thực, lịch sử, văn hóa.
Để thực hiện tầm nhìn chiến lược và khát vọng “Phát triển Quảng Nam theo hướng hiện đại – xanh – thông minh và bền vững”, việc quy hoạch phát triển tổng thể không gian lãnh thổ tỉnh Quảng Nam phải đảm bảo hướng tới mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phân bố, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, khai thác giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên theo hướng hiện đại – xanh – thông minh và bền vững. Trên cơ sở triết lý quy hoạch “thuận thiên”, dựa vào khung tự nhiên, vị thế mối quan hệ vùng, thực trạng phát triển, các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch đã và đang nghiên cứu, triển khai.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh Việt Nam cho rằng: Quảng Nam có bờ biển dài là một lợi thế để phát triển kinh tế hướng ra biển. Những năm gần đây nhiều dự án lớn, nhiều đô thị ven biển dần hình thành. Trong giai đoạn 2020-2025, Quảng Nam đã định hướng tập trung phát triển toàn diện khu vực ven biển của tỉnh, với mục đích thành một khu vực quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với hệ sinh thái, văn hóa đa dạng; kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học và công nghệ. Quy hoạch Quảng Nam có thể nhận diện ba khu vực tiêu biểu cho phát triển là vùng đô thị phía Đông Nam gắn với tỉnh lỵ và Khu kinh tế mở Chu Lai; vùng đô thị phía Đông Bắc gắn với đô thị cổ Hội An, Điện Bàn…
Những năm qua, Quảng Nam phát triển theo hướng phát triển kinh tế du lịch biển. Đó là hướng đi đúng nhưng chưa đủ, với tiềm năng và lợi thế của Quảng Nam rất cần một định hướng đúng đắn về phát triển bền vững nhất là các giải pháp bảo tồn di sản văn hóa, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường ở từng vùng. Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển du lịch cần cộng sinh với cộng đồng địa phương. Nhiều địa phương đã thu hút được những dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn. Quảng Nam nên tính toán quy hoạch các khu nghỉ dưỡng, khách sạn với khu vui chơi, giải trí; không nên ồ ạt xây dựng các biệt thự cao cấp ven biển hay lấy hết quỹ đất giá trị nhất để làm du lịch mà nên tích hợp mọi cách hài hòa trong một cấu trúc quy hoạch đô thị hướng tới tương lại.
Tại hội thảo, có hơn 20 tham luận được trình bày như: Xác định vai trò, vị thế và xu hướng của đô thị ven biển, ven sông khu vực Duyên hải miền Trung trong phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng của các địa phương; Đánh giá thực trạng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị ven biển, ven sông kết nối liên vùng theo hướng phát triển bền vững; Thực trạng và xu hướng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven biển của khu vực Duyên hải miền Trung và tỉnh Quảng Nam; Định hướng phát triển đô thị ven biển, ven sông theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn với phát triển du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Đề xuất quy hoạch kiến trúc đô thị ven biển, ven sông phù hợp với điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hoá địa phương…