BVR&MT – Tối ngày 15/3, tại Quảng trường 24 tháng 3 (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Triển lãm về Đa dạng sinh học và Mít tinh hưởng ứng chiến dịch hành động vì động vật hoang dã nhằm hưởng ứng lễ khai mạc “Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia Quảng Nam 2024, Chung sống hài hòa với thiên nhiên”.
Đây có thể xem như là sự kiện mở đầu trong chuỗi sự kiện Năm phục hồi Đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024 nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng của thiên nhiên ban tặng; góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, sống hài hòa với thiên nhiên và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đến tham dự lễ phát động và triển lãm có sự hiện diện của: Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục Trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông John Harris – Phó Giám đốc Chương trình Biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ ( USAID) cùng đông đảo các cán bộ viên chức, các em học sinh, sinh viên tỉnh Quảng Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Văn Hưng, đại diện Ban quản lý Trung ương Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: Tỉnh Quảng Nam là một địa bàn quan trọng nhất của hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ ( USAID) tài trợ. Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị điều phối và quản lý dự án này. Dự án triển khai từ năm 2021 đến 2026 tại 6 tỉnh và 3 Vườn Quốc gia.
Theo dữ liệu toàn cầu từ Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, hiện nay có hơn 8.400 loài động vật và thực vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong khi gần 30.000 loài khác được coi là có nguy cơ tuyệt chủng hoặc dễ bị tổn thương. Hệ sinh thái đang bị đe dọa hơn bao giờ hết và việc phục hồi các loài động, thực vật hoang dã giờ đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.
Việt Nam được xếp hạng là một trong số 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới với khoảng 16% số loài động thực vật trên thế giới đang phân bố. Cùng với những cảnh quan sinh thái đa dạng, bao gồm các dãy núi hùng vỹ, rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, rừng khô, vùng ven biển và biển và một hệ thống sông ngòi dày đặc. Các sinh cảnh này được liệt kê trong danh sách 200 vùng sinh thái cần được ưu tiên bảo tồn trên toàn cầu cho các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đã và đang diễn ra, nhiều loài động vật hoang dã đã biến mất hoặc đang trong tình trạng nguy cấp và có nguy cơ tuyệt chủng.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái rừng nhiệt đới cao ở Việt Nam là do các hoạt động về quản lý, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học còn chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Việc thực thi pháp luật nhằm bảo tồn động vật hoang dã, ngăn chặn săn, bắt động vật hoang dã trái pháp luật vẫn còn nhiều bất cập. Nhận thức và ý thức bảo tồn động vật hoang dã của công chúng còn hạn chế, cùng với thói quen tiêu thụ thịt thú rừng và chim hoang dã còn khá phổ biến. Tất cả yếu tố này là thách thức rất lớn cho công tác bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Để giải quyết các tồn tại và thách thức nêu trên Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học với mục tiêu Bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu vực rừng có giá trị bảo tồn cao của quốc gia đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ các tiểu hợp phần nhằm bảo vệ rừng và động vật hoang dã trong tự nhiên.
Lễ phát động chiến dịch giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã ngày hôm nay với thông điệp “ Ngừng ăn thịt thú, góp thiện cho đời” là một trong những giải pháp quan trọng mà dự án đang thực hiện. Đối với chúng tôi sự chung tay của người dân, cộng đồng trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học là vô cùng quan trọng, đó là một trong những điều kiện tiên quyết cho thành công của các hoạt động của dự án. Chúng tôi hy vọng rằng, dự án sẽ đóng góp một phần vào nỗ lực chung của tỉnh Quảng Nam và Việt Nam trong việc thực hiện các Công ước quốc tế về khắc phục các vấn đề về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học hướng tới phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của con người. Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với khoảng 51.400 sinh vật. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra ngày càng lớn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về đa dạng sinh học ở Việt Nam, bao gồm cả những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, như ô nhiễm nước, không khí và rác thải nhựa; khai thác, sản xuất và tiêu dùng quá mức, hủy hoại rừng, săn bắt và buôn bán trái phép các loài hoang dã, tận diệt nguồn lợi thủy sản…
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này thông qua các chính sách, chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia cũng như sự hỗ trợ, phối hợp từ nhiều dự án quốc tế và trong nước, nhưng suy giảm đa dạng sinh học vẫn đang là một thách thức rất lớn.
Trong năm ngày diễn ra hoạt động Triển lãm đa dạng sinh học quốc gia (từ ngày 15/3 -19/3), cùng với lễ mitting hưởng ứng chiến dịch bảo vệ vì động vật hoang dã, hi vọng sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, chuyển tải các thông điệp về vai trò, giá trị, ý nghĩa của đa dạng sinh học đối với cuộc sống trên hành tinh này, hướng tới lối sống văn minh, thân thiện với môi trường của mỗi chúng ta, nhất là trong các thế hệ trẻ, học sinh sinh viên.
Tỉnh Quảng Nam kêu gọi các cá nhân, cộng đồng và các tổ chức hãy hành động ngay để phục hồi đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sống, cùng thay đổi hành vi để chung sống hài hòa với thiên nhiên; lồng ghép bảo vệ đa dạng sinh học vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội; không săn bắt, mua bán và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái phép; khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm; sản xuất và tiêu dùng bền vững; ngăn ngừa chất thải gây ô nhiễm môi trường. Thành phố Tam Kỳ sẽ quyết tâm và nỗ lực phấn đấu để trở thành thành phố không ăn thịt động vật hoang dã và tạo sự lan tỏa ra các địa phương khác trên toàn tỉnh.
Hồng Sơn – Ngọc Thăng