Quảng Nam: Năm 2018 đã giảm được 6.090 hộ nghèo

BVR&MT – Quảng Nam là tỉnh nằm ở trung tâm của Việt Nam, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung Việt Nam, tỉnh có 02 thành phố, 01 thị xã, và 15 huyện nhưng có đến 09 huyện thuộc diện 135. Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, chính sách giảm nghèo bền vững được quan tâm thực hiện, năm 2018 tỉnh Quảng Nam đã giảm được 6.090 hộ nghèo.

Sâm Ngọc Linh được xem là thế mạnh của Quảng Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Ngày 04/12/2018 phát biểu tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá IX, đồng chí Nguyễn Ngọc Quang – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: “Năm 2018 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, bình quân 3 năm 2016 – 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 12,33%, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng, tăng 19 triệu đồng so với năm 2015. Chính sách giảm nghèo bền vững được quan tâm thực hiện, giảm được 6.090 hộ nghèo, vượt kế hoạch đề ra”.

Công tác xóa đói, giảm nghèo, lòng cốt là xây dựng Nông thôn mới luôn được nhân dân, chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm (xã hội hóa ngày công trong xây dựng NTM ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).

Để có được kết quả đáng khích lệ về công tác giảm nghèo, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đoàn thể, bên cạnh đó có vai trò rất lớn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã đặc biệt khó khăn thuộc diện 135, cụ thể: Từ năm 2014 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” – MTTQ cấp xã đã khéo léo vận động tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng nông thôn mới và vận động được 50/190 tỷ đồng, cùng với nguồn quỹ các cấp đã xây mới và sửa chữa hơn 2000 ngôi nhà; hỗ trợ phát triển sản xuất cho gần 1500 trường hợp; tặng quà thăm hỏi, lễ tết cho gần 47 nghìn trường hợp…. Có thể thấy hoạt động vì người nghèo đã khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái của đông đảo nhân dân địa phương.

Các huyện Nam Trà My, Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, Bắc Trà My là những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh.

Nhờ thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững nên đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm qua các năm. Riêng năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,2%. Công tác tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá được chú trọng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 82% khu dân cư đạt danh hiệu văn hoá, 91% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hoá.

Nhiều người dân ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam cuộc sống vẫn còn khó khăn.

Cũng tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa IX, đồng chí Nguyễn Ngọc Quang – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế: “Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp so với kế hoạch, còn nhiều cơ sở trường lớp học đang xuống cấp, thiếu dụng cụ học tập, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng khó khăn. Chất lượng đào tạo lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Công tác quản lý và bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản còn hạn chế; tình hình an ninh trật tự, các tệ nạn xã hội diễn biến ngày càng phức tạp”.

Việc đi lại của ngườii dân các xã đặc biệt khó khăn chỉ bằng cây cầu tạm.

Thành quả đạt được trong năm 2018 là nền tảng quan trọng, động lực lớn để Quảng Nam có niềm tin và quyết tâm hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra của năm 2019. Phấn đấu phát triển tỉnh Quảng Nam trở thành tỉnh khá vào năm 2020 như mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra.

Phượng Long