Quảng Nam: Độc đáo chương trình đổi rác thải nhựa lấy quà lưu niệm

BVR&MT – Người dân Hội An có thể mang vỏ chai hoặc ly nhựa để đổi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, qua đó ghóp phần nâng cao việc phân loại rác và hạn chế vứt rác thải nhựa ra môi trường.

Người dân đổi rác thải nhựa lấy quà lưu niệm. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Chiều 24/3, Đoàn Thanh niên Trung tâm văn hóa thể thao, truyền thanh, truyền hình thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức chương trình đổi rác thải nhựa lấy các sản phẩm lưu niệm truyền thống Hội An.

Người dân có thể mang từ 2-15 vỏ chai hoặc ly nhựa để đổi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gốm từ làng gốm Thanh Hà như: rồng, hổ, phượng, tò he…

Phó Bí thư Đoàn Văn phòng hướng dẫn tham quan di tích Nguyễn Trần Phương Trinh cho biết chương trình thực hiện với mục đích giúp người dân nâng cao việc phân loại rác và hạn chế vứt rác thải nhựa ra môi trường, đồng thời hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2022.

Hy vọng với chương trình này người dân cũng như du khách sẽ có trách nhiệm hơn với môi trường.

Chỉ trong một buổi chiều, đã có 600 chai nhựa các loại của người dân, du khách đến đổi hơn 100 sản phẩm mỹ nghệ.

Cũng trong chiều 24/3, Ủy ba Nhân dân thành phố Hội An đã tổ chức sự kiện biểu diễn nghệ thuật “Khai bút nét xưa” trong chuỗi chương trình “Nét xưa Phố Hội.”

Chương trình với nhiều hoạt động như triển lãm ảnh nghệ thuật, ngày hội ẩm thực “Món xưa,” Chợ phiên, hưởng ứng Giờ Trái Đất 2022, trưng bày sách “Du lịch Hội An qua những trang sách,” các hoạt động trình diễn văn hóa-nghệ thuật diễn ra xuyên suốt từ ngày 24/3 đến 27/3.

Buổi biểu diễn tái hiện lại trang phục áo dài xưa, giới thiệu những bảng hiệu-hiệu buôn xưa có niên đại hàng trăm năm tuổi, gợi nhớ cho du khách những ký ức về một thương cảng sầm uất bậc nhất ở xứ Đàng Trong vào thế kỷ trước.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh chia sẻ: “Chúng ta cùng nhìn lại hành trình gìn giữ bản sắc của cha ông, nâng niu từng bảng hiệu qua thăng trầm lịch sử; sau mỗi bảng hiệu xưa là những câu chuyện sinh động, chân thật và giàu cảm xúc về truyền thống giao thương, buôn bán của người Phố Hội vẫn được giữ gìn, tiếp nối, phát triển đến hôm nay.”

Chương trình đã thu hút hàng trăm người dân và du khách đến thưởng thức./.