Quảng Nam: Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030 và Khai mạc Năm phục hồi Đa dạng sinh học Quốc gia 2024

BVR&MT – Sáng ngày 16/03 tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện mục tiêu, tầm nhìn chiến lược để tỉnh Quảng Nam khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái; vững vàng trên hành trình phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Đến tham sự buổi lễ ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Quốc Khánh Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện lãnh đạo các tỉnh thành thuộc khu vực miền Trung như: Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, ..các doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam phát biểu tại lễ Công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030 và khai mạc năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam cho biết: Xác định công tác lập quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ khó khăn và quan trọng hàng đầu để định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực gắn với không gian kinh tế – xã hội trên cơ sở liên kết cùng các địa phương trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của tỉnh Quảng Nam trong hiện tại và tương lai; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương của tỉnh cùng đơn vị tư vấn chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong khu vực khảo sát, đánh giá làm rõ các tiềm năng, lợi thế, hạn chế, cơ hội và thách thức của tỉnh Quảng Nam; các qui hoạch ngành, qui hoạch vùng, quốc gia có tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh để hoàn thành bản dự thảo qui hoạch, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Trên cơ sở đó trình Hội đồng thẩm định thông qua, đảm bảo chất lượng, tiến độ và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 17/01/2023.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời cập nhật, bổ sung các quan điểm, định hướng phát triển mới phù hợp với thực tiễn và xu thế của thời đại. Qua đó thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của tỉnh Quảng Nam với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển cảng hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, dược liệu, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ gắn kết với nông thôn. Đến năm 2050, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao; đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương. Đây là những mục tiêu có ý nghĩa rất quan trọng và có tính khả thi cao dựa trên các luận cứ khoa học rõ ràng; tuy nhiên đòi hỏi phải có sự đoàn kết, nỗ lực và ý chí quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Trung ương, sự phối hợp tốt của các địa phương bạn, sự tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Do vậy, việc tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; các nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch, nhằm thống nhất cao về nhận thức và hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch này, tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới để tỉnh Quảng Nam cất cánh, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, động lực phát triển của khu vực miền Trung và cả nước. Tuy nhiên, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chung sống hài hòa với tự nhiên theo quan điểm phát triển bền vững. Những năm gần đây tỉnh Quảng Nam đã hành động tích cực, quyết liệt để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng hủy hoại rừng, ô nhiễm môi trường, săn bắt động vật trái phép; nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vườn quốc gia, rừng đặc dụng được thành lập; nhiều qui hoạch ngành, qui hoạch xây dựng đã phải điều chỉnh; nhiều dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, cảnh quan đã bị từ chối; nhiều dòng sông đã và đang được khơi thông; nhiều thềm bãi biển đang được phục hồi.

Chính vì vậy, cùng với Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đồng thời khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024. Đây cũng chính là thông điệp thể hiện tỉnh Quảng Nam sẽ kiên trì lựa chọn con đường tăng trưởng xanh, phát triển có trách nhiệm với thiên nhiên, với hành tinh này, với thế hệ hôm nay và mai sau. Trân trọng kính đề nghị các địa phương trên cả nước cùng hưởng ứng.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024. Phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính phần lãnh thổ đất liền tỉnh Quảng Nam và vùng không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam năm 2012; có diện tích tự nhiên 10.574,86 km2; phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, phía Đông giáp Biển Đông.

Với quan điểm, mục tiêu: chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Kết hợp nội lực với ngoại lực, phấn đấu một số ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước như: Công nghiệp ô tô, cơ khí, dược liệu; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên vào năm 2030; đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển đến năm 2030, có 05 nhóm mục tiêu về: kinh tế; văn hóa – xã hội; môi trường, sinh thái; kết cấu hạ tầng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; trong đó: mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt trên 8%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD; mục tiêu về kết cấu hạ tầng, với đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F, Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được lập với tinh thần đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch, dựa trên các tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm phát triển toàn diện, bền vững, gắn với giữ gìn cảnh quan, da dạng sinh học, bảo tồn di sản; phát triển kinh tế hài hòa giữa đồng bằng – miền núi, đô thị – nông thôn; đồng thời, đổi mới sáng tạo, hướng đến tương lai.

Về tổ chức không gian các hoạt động kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Nam, được làm rõ qua mô hình cấu trúc: hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển. Trong đó, mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai. Cấu trúc này đảm bảo sự phát triển cân bằng về mặt kinh tế – xã hội giữa vùng đông và vùng tây. Ngoài ra, hình thành các cụm động lực để hỗ trợ cho nhau, phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế, cụ thể: Hai vùng bao gồm vùng Đông và vùng Tây, trong đó: Vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển: Là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh. Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái – văn hóa – du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo. Vùng Tây gồm các huyện miền núi: Là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia, với Sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tự nhiên; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thuỷ điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới. Đô thị Khâm Đức – Phước Sơn và Thạnh Mỹ – Nam Giang là các đô thị chuyển tiếp, kết nối, giao lưu phát triển giữa khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng với Tây Nguyên và các nước trên hành lang quốc tế Đông – Tây. Tập trung đầu tư các trục chính liên kết vùng Đông với vùng Tây để tạo động lực phát triển.

Bản đồ quy hoạch các dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hai cụm động lực gồm: Cụm Điện Bàn – Hội An – Đại Lộc: Là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của thành phố Đà Nẵng. Hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò; phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy. Nâng cao chất lượng khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc và các cụm công nghiệp tại Điện Bàn. Điều chỉnh các cụm công nghiệp trên trục quốc lộ 14B huyện Đại Lộc theo hướng kết nối, mở rộng thành các khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ, môi trường đảm bảo; phát triển không gian đô thị Điện Bàn và Hội An gắn kết với đô thị hóa của thành phố Đà Nẵng, hình thành đô thị nghỉ dưỡng – giải trí ven biển và ven sông Cổ Cò. Cụm Tam Kỳ – Núi Thành – Phú Ninh: Kết nối các không gian kinh tế của 03 đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục – đào tạo, đô thị thông minh, trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với thành phố Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I. Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là ngành công nghiệp cơ khí ô tô, tiếp tục tái cấu trúc đồng thời với tổ chức sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Liên kết với tỉnh Quảng Ngãi trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Ba hành lang phát triển gồm: Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đến ven biển: Tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai. Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh: Tập trung công nghiệp thuỷ điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên Huế. Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang: Là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào – Bắc Campuchia.

Để hiện thực hoá các quan điểm, mục tiêu phát triển của Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó, cần thực hiện tốt các giải pháp thực hiện quy hoạch, cụ thể: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Quảng Nam dựa trên 04 trụ cột chính là du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp năng lượng; thương mại, dịch vụ logistics và nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Hoàn thiện bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; ứng dụng công nghệ số, xây dựng chính quyền số. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm. Xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác liên tỉnh với các địa phương lân cận, trong vùng và cả nước trong công tác bảo vệ môi trường. Thúc đẩy mối liên kết với thành phố Đà Nẵng; liên kết giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với Khu kinh tế Dung Quất để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm. Nghiên cứu áp dụng các mô hình thực tiễn quản lý phát triển đô thị, nông thôn ở một số nước, một số khu vực có điều kiện tương đồng với tỉnh; Quản lý, giám sát chặt chẽ việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật và xây dựng nông thôn mới có bản sắc riêng gắn với đô thị hoá.

Năm Phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024 là sự kiện môi trường có ý nghĩa quan trọng, nhằm triển khai Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050, gắn với tham gia hưởng ứng Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 – 2030 của Liên hợp quốc, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học diễn ra tại Montreal, Canada năm 2022 (trong đó khẳng định “Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực vào những nỗ lực chung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu”).

Với mục tiêu giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng của thiên nhiên ban tặng; góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, sống hài hòa với thiên nhiên và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết, chia sẽ trách nhiệm trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái bằng các hành động cụ thể, thiết thực và phù hợp với thực tế với từng địa phương; Chính phủ thống nhất giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024 với tên gọi “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024” và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các sự kiện quốc gia liên quan.

Trong khuôn khổ “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024” với chủ đề “Chung sống hài hòa với thiên nhiên” có 37 sự kiện, hoạt động phong phú, đặc sắc diễn ra xuyên suốt từ tháng 3-11/2024, như: các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học về đa dạng sinh học; các hoạt động nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; giới thiệu, vận hành Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam; tổ chức đoàn Famtrip, Presstrip khảo sát và quảng bá các điểm du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; tọa đàm ký kết chương trình phối hợp bảo vệ động vật hoang dã xuyên biên giới với tỉnh Sê Kông (Lào); tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; các hoạt động hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; thả bổ sung loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu vào vùng nước tự nhiên tái tạo nguồn lợi thủy sản; cùng nhiều hoạt động khác… Hội nghị bế mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024 sẽ tổ chức tại sông Đầm, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, dự kiến vào cuối tháng 11/2024.

Hồng Sơn – Ngọc Thăng

Tags: ,
CHIA SẺ