Quảng Bình: Phá hủy hàng nghìn cạm bẫy, giải cứu chim trời thoát nạn tận diệt

BVR&MT – Lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm tra, phá hủy hàng nghìn bẫy cò trên cánh đồng ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nhằm cứu các loài chim hoang dã vào mùa di cư thoát nạn tận diệt.

Nạn tận diệt chim trời đã tồn tại nhiều năm ở địa bàn huyện Quảng Trạch nói riêng và các vùng đồng bằng ruộng lúa nói chung.

Ngày 14/10, tin từ công an xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết, đơn vị này đã phối hợp với đồn biên phòng Roòn, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn đã ra quân thu gom, dẹp bỏ, tiêu hủy hàng nghìn chiếc bẫy được người dân giăng mắc trên nhiều cánh đồng mùa ngập nước và mặt nước đầm phá để đánh bắt, tận diệt chim trời.

Theo cơ quan kiểm lâm, vào tháng 9-10 hằng năm là mùa di cư của các loài chim trời. Chim di cư (chủ yếu là cò trắng) bay về kiếm ăn và đậu trên các cánh đồng, lùm cây ven các vùng ruộng. Đây cũng là thời điểm người dân nhiều địa phương tại huyện Quảng Trạch tổ chức đánh bẫy, giăng bắt chim trời đem bán làm thực phẩm. Lâu nay, sử dụng chim trời làm thực phẩm đã trở thành thói quen của một bộ phận người dân tại huyện Quảng Trạch.

Hằng năm, cứ đến dịp tháng 8, tháng 9 âm lịch, các loài chim như cò, vạc, cói… lại đến mùa di cư và cũng vào thời gian này, trên cánh đồng lúa, xuất hiện nhiều những đàn chim giả, giăng trắng cả cánh đồng.

Trước tình hình này, nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời, lực lượng kiểm lâm và công an đã cùng phối hợp ra quân thu gom, triệt bỏ các loại bẫy dùng đánh bắt chim.

Những năm gần đây, Chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp để xử lý, nghiêm cấm mọi hình thức đánh bắt chim trời nhằm giữ gìn môi sinh.

Lực lượng chức năng đã tháo dỡ, tiêu huỷ 205 cò giả, hơn 3000 mét lưới bẫy chim, hơn 4000 que nhạ bẫy chim, thả về tự nhiên 11 cá thể cò hương bị đánh bẫy.

Cơ quan công an và kiểm lâm huyện Quảng Trạch đã phối hợp chính quyền địa phương yêu cầu các đối tượng chuyên nghề đánh bắt chim trời phải ký cam kết chấm dứt hoạt động đánh bắt, đặt bẫy tận diệt chim trời.

Lực lượng Kiểm lâm huyện huyện Quảng Trạch cùng với các đơn vị liên quan trên địa bàn tiến hành ra quân dẹp bỏ các trường hợp dùng mồi, bẫy để đánh bắt các loài chim trời.

Lực lượng kiểm lâm huyện Quảng Trạch cho biết sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép; triệt phá các tụ điểm mua, bán chim tự nhiên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuyên truyền người dân không săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã.

Bảo vệ các loài chim hoang dã trong mùa di cư tháng 9, tháng 10 hàng năm chính là bảo vệ sự đa dạng sinh học của tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường.

Dương Phong – Minh Ngọc