Quan trọng là ý thức người dân

BVR&MT – Đầu tuần, một thông tin khả quan được đưa ra từ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội: Sau một năm thực hiện, việc xử lý, duy trì chất lượng nước các hồ trên địa bàn TP bằng chế phẩm Redoxy-3C đã đạt kết quả tốt.

Chất lượng nước sau khi xử lý, theo các số liệu quan trắc, đều được duy trì ổn định trong ngưỡng tối đa cho phép của tiêu chuẩn nước mặt. Nước các hồ được xử lý không còn mùi khó chịu, không còn ô nhiễm hữu cơ, hạn chế tình trạng phú dưỡng. Công nghệ xử lý về cơ bản không gây ảnh hưởng đến một số thành phần thuộc hệ sinh thái thủy sinh.

Môi trường nước hồ Thiền Quang đã được cải thiện rõ rệt sau khi được xử lý bằng chế phẩm Redoxy – 3C.

Cách đây một năm, một số hồ nằm trong nội thành như Kim Liên, Ba Mẫu, Ngọc Khánh, Thiền Quang… còn nằm trong danh sách các hồ có chất lượng nước bị ô nhiễm. Việc sử dụng chế phẩm sinh học, kết hợp với một số giải pháp hỗ trợ như lắp đặt bè thủy sinh, máy bơm sục khí đã giúp tăng cường oxy và khả năng tự làm sạch của hồ. Hiện tại, theo Công ty Thoát nước Hà Nội, chất lượng nước ở các hồ này được cải thiện rõ rệt. Cảnh quan bên hồ cũng được làm đẹp hơn, tạo không gian nghỉ ngơi, thư giãn cho người dân.

Đây mới chỉ là thông tin ban đầu, lại do chính Công ty Thoát nước Hà Nội – đơn vị được TP giao xử lý, duy trì chất lượng nước hồ đưa ra, nên chắc chắn còn cần sự kiểm định, đánh giá. Nhưng dù sao đó cũng là những tín hiệu vui, bởi ai cũng biết, những con hồ Hà Nội có vai trò quan trọng thế nào đối với đời sống, sinh hoạt cũng như cảnh quan TP.

Nhiệm vụ chính của các hồ Hà Nội hiện nay là điều hòa khí hậu, là không gian thư giãn, nghỉ ngơi, là nơi thoát nước, đóng vai trò định hướng kiến trúc cảnh quan khu vực. Với những chức năng đó, ngoài việc xử lý chất lượng nước hồ, còn cần quan tâm thực hiện những công việc khác cũng quan trọng không kém. Đó là tạo dựng, gìn giữ cảnh quan, an ninh, trật tự, vệ sinh khu vực quanh hồ và đặc biệt là bảo vệ để diện tích mặt nước hồ còn lại của TP vốn đã giảm rất nhiều trong 50 năm qua, không tiếp tục bị lấn chiếm. Có thể nói, đây là công việc mang tính sống còn, khi ta thấy những số liệu đáng buồn mà các cơ quan chức năng, các đơn vị nghiên cứu đưa ra: Trong 5 năm, từ 2010 đến 2015, diện tích mặt nước hồ thuộc 6 quận lõi nội thành đã giảm 72.000m2, gấp rưỡi diện tích hồ Thành Công. Hồ Quảng Bá – một trong những hồ gắn bó với nhiều thế hệ người Hà Nội là một ví dụ. Năm 2010, diện tích của hồ này là 62.000m2. Chỉ sau 5 năm, chỉ còn 30.000m2. Chắc chắn câu chuyện xảy ra với hồ Quảng Bá không phải là cá biệt. Chỉ trong giai đoạn 2010 – 2017, có đến 17 hồ bị san lấp. Đáng lo ngại hơn, quá trình trên chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong những con hồ được kể đến theo kết quả tìm kiếm từ khóa “hồ Hà Nội” trên Google, có những cái tên đáng buồn như hồ Dần mất, hồ Đang lấp ở khu vực quận Hai Bà Trưng, mạn Trương Định, Đại La. Thậm chí cách đây chưa lâu, tại hội thảo khoa học về cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép lấp 1ha hồ Thành Công để lấy đất xây nhà tái định cư cho các hộ dân đang sống tại chung cư Thành Công, thuộc diện cải tạo. Đương nhiên là “sáng kiến” này vấp phải phản ứng quyết liệt của người dân và các chuyên gia. Mặc dù TP đã bác bỏ đề xuất kỳ quặc này, nhưng ai dám chắc sẽ không còn những ý tưởng khác tiếp tục được đề xuất với mưu đồ xẻ thịt những lá phổi xanh quý báu của Hà Nội.

Cũng cần nói thêm, yêu cầu phải có những biện pháp quyết liệt bảo vệ hồ Hà Nội không phải bây giờ mới được nêu ra. Tình trạng những con hồ Hà Nội bị ô nhiễm, lấn chiếm, thậm chí xóa sổ trong cơn lốc đô thị hóa đã được đề cập từ rất nhiều năm. Và thật đáng buồn là qua bằng ấy thời gian, lời cảnh báo vẫn còn nguyên tính thời sự! Thời sự bởi có một thực tế đầy lo ngại là trong 20 năm qua, diện tích mặt nước hồ Hà Nội giảm 50%.

Công bằng mà nói, những năm gần đây chính quyền TP đã quan tâm nhiều đến công việc này. Tuy nhiên, trong khi những biện pháp cứng rắn, những hình thức xử lý quyết liệt của chính quyền các cấp đã phần nào ngăn chặn được những hành vi công khai xẻ thịt những lá phổi xanh của TP, thì vẫn còn những hành vi lén lút gặm nhấm mặt nước hồ vì lợi ích cá nhân. Điều đáng nói, những hành vi này nhiều khi lại được thực hiện bởi chính những người dân sinh sống xung quanh các ao, hồ, những người mà mọi sinh hoạt từ ăn uống nghỉ ngơi, thậm chí mưu sinh đều gắn với sự tồn tại, độ trong lành của những gương nước quý giá đó.
Hủy hoại, lấn chiếm mặt nước các con hồ nơi mình sinh sống, không khác nào tự hủy hoại chính những bộ phận của cơ thể mình. Rõ ràng, cùng với sự quan tâm vào cuộc một cách quyết liệt với các biện pháp căn cơ, cứng rắn của các cơ quan chức năng, còn cần đến việc nâng cao ý thức của người dân. Yếu tố con người phải đi cùng các biện pháp về hành chính mới có thể giải quyết tận gốc vấn nạn này. Điều này còn đúng với tiến trình thanh toán nhiều vấn nạn khác đang làm xấu đi bộ mặt TP như xả rác bừa bãi, phóng uế nơi công cộng, vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông… Xem ra, trách nhiệm không chỉ từ phía chính quyền!