Quản trị thực thi, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh

BVR&MT – Ðối thoại phát triển địa phương 2021 với chủ đề: “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội sáng 13/7 theo hình thức trực tuyến, có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo 58 tỉnh, thành phố, các nhà khoa học, các doanh nghiệp lớn. Những vấn đề được nêu ra, những mô hình, giải pháp đột phá được đề xuất tại diễn đàn góp phần tạo động lực cho sự phát triển của các địa phương giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tư duy quốc gia, hành động địa phương

Ðối thoại phát triển địa phương 2021 diễn ra vào thời điểm đợt bùng phát lần thứ tư của đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức rất lớn cho cả nước trong việc thực hiện mục tiêu kép, cũng như mục tiêu mà Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra cho giai đoạn 2020 – 2025. Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư nhấn mạnh: Trạng thái bình thường mới đòi hỏi chúng ta cần nắm bắt các cơ hội trong thách thức. Ngay lúc này, cần nghĩ đến chiến lược phát triển kinh tế – xã hội sau khi đại dịch kết thúc để tạo tiền đề và xung lực thực hiện thắng lợi mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025, thiết lập nền tảng thuận lợi cho phát triển trong những năm tiếp theo.

Các ý kiến tập trung phân tích những luận điểm mà đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu ra. Ðó là việc nâng cao năng lực quản trị thực thi để biến quyết tâm thành các chiến lược, chính sách, đưa chính sách đi vào hành động thực tế và từ hành động tạo ra kết quả phát triển thiết thực đối với người dân. Theo đó, ở các cấp địa phương, quản trị thực thi là công cụ hữu hiệu, góp phần xử lý tốt mối quan hệ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Quản trị thực thi là cơ chế giúp đánh giá cán bộ khách quan, bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ðây cũng là một giải pháp quan trọng để khắc phục một trong những yếu kém mà Ðại hội XIII của Ðảng đã chỉ ra là: “…chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế”.

Các đại biểu thống nhất nhận định: Sự kéo dài của đại dịch đòi hỏi yêu cầu thích nghi phát triển qua từng bước, từng giai đoạn. Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được sự lây lan của dịch trong giai đoạn đầu với các biện pháp 5K và vắc-xin. Ðợt bùng phát lần thứ tư của đại dịch với các biến chủng mới đang tạo ra nhiều thách thức mới, phức tạp hơn trong việc thực hiện “mục tiêu kép”. Nhiệm vụ, yêu cầu và bối cảnh đặt ra đối với phát triển quốc gia và địa phương trong giai đoạn tới, đòi hỏi chúng ta nhất quán phương châm “tư duy quốc gia, hành động địa phương”, đoàn kết, phát huy tiềm năng, lợi thế và đặc thù phát triển địa phương, hướng đến lợi ích chung của dân tộc, vượt lên thách thức để đạt được các kết quả khả quan ngay từ năm 2021.

Ðẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Nhận thức và nắm bắt các cơ hội trong thách thức, nhất là đối với vấn đề chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đề ra. Nhiều ý kiến đề cập yêu cầu trước tiên cần chuyển đổi nhận thức, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến lãnh đạo của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân. Phải coi người dân là trung tâm của chuyển đổi số.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, để thực hiện chuyển đổi số, cần quan tâm ba yếu tố cơ bản. Hạ tầng công nghệ là điều kiện then chốt, quyết định chất lượng chuyển đổi số. Hai là hệ thống thể chế, chính sách liên tục được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tiến bộ công nghệ nhanh chóng và sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới, thậm chí chưa từng có, cùng với những cơ chế khuyến khích đổi mới, sáng tạo, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm. Ba là phát triển nhân tố con người; trong đó, người lãnh đạo ở mọi cấp phải có nhận thức, quyết tâm và phương pháp tổ chức thực hiện, cùng với nguồn nhân lực được đào tạo các kỹ năng phù hợp trong không gian số.

Nhiều ý kiến thống nhất, để bảo đảm ba yếu tố quan trọng này, cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương, từ đó từng bước đạt được các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số theo lộ trình. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Sự phát triển, cơ hội của “chính quyền số, kinh tế số, xã hội số” trong đại dịch Covid-19 đồng thời khẳng định vai trò quyết tâm chính trị của chính quyền địa phương. Ðại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nêu dẫn chứng thuyết phục về hiệu quả kinh tế và xã hội khi toàn tỉnh thực hiện 1.096 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4; tiến hành họp trực tuyến từ tỉnh đến cấp xã, phường…

Tăng trưởng xanh và dư địa phát triển mới

Phát triển quốc gia nói chung cũng như các địa phương trong “tình trạng bình thường mới” là thực tiễn và yêu cầu khách quan hiện nay. Ðó là sự thích nghi với nhiều rủi ro khác nhau, đa dạng về hình thức và quy mô trong quá trình phát triển; trong đó bao gồm thiên tai, thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, cần đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh để tạo ra những dư địa phát triển mới, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và mang lại lợi ích tổng thể trong dài hạn. Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, có hai vấn đề rất quan trọng sẽ đóng góp vào quá trình tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam thời gian tới. Ðó là vấn đề về chuyển đổi số và quá trình tăng trưởng carbon thấp, xanh hóa nền kinh tế.

Theo một ước tính của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2020, suy thoái môi trường đã gây tổn thất 10% thu nhập ở Việt Nam, cao nhất trong số 23 nước đang phát triển được đưa ra để so sánh. Các ý kiến đề cao sáng kiến về thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng xanh. Ðó là phương thức để nắm bắt cơ hội to lớn mà những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… mang lại, Việt Nam cần đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường. Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ðậu Anh Tuấn thông tin, Liên hiệp châu Âu – một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – đang áp dụng “thuế xanh” đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thuyết trình, phân tích và chứng minh tăng trưởng xanh cần được coi là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam. Ðại biểu lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nêu dẫn chứng sinh động về nỗ lực của tỉnh trong việc biến 500 ha đất hoang hóa ven biển thành vùng chuyên canh cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Ðại diện lãnh đạo tỉnh Ðồng Tháp đưa ra thí dụ về ứng dụng công nghệ, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm từ cây sen…

Ðồng chí Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ: Tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi nhận thức và hành động, từ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi phương thức sử dụng năng lượng, xây dựng các thể chế, chính sách mới cho đến thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng và thay đổi hệ thống hạ tầng. Các địa phương căn cứ điều kiện, lợi thế để lựa chọn những lĩnh vực phát triển và xác định bước đi phù hợp. Các chiến lược, quy hoạch phải phù hợp tiềm năng, lợi thế, đặc điểm của mỗi địa phương, phát huy giá trị cốt lõi của các vùng sinh thái tự nhiên; chú trọng xây dựng các kết nối về hạ tầng, công nghệ, thể chế và doanh nghiệp để khai thác, huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho tăng trưởng xanh.