BVR&MT – Gần 4 tháng phối hợp với các đơn vị liên quan lập chốt kiểm tra việc vận chuyển than của Công ty CP Yên Phước, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên cho biết không phát hiện vi phạm của doanh nghiệp này.
Liên quan đến đường dây khai thác, tiêu thụ hàng triệu tấn than trái phép xảy ra tại Công ty CP Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an cho biết đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án để xử lý các đối tượng theo quy định.
Trong vụ án này, C03 khởi tố hai anh em song sinh Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh (đều SN 1989, trú tại tỉnh Quảng Ninh) cùng bà Châu Thị Mỹ Linh (SN 1970, trú tại TP.HCM) và 9 bị can khác về hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
C03 cáo buộc bà Linh là Tổng giám đốc Công ty CP Yên Phước cùng với hai anh em Giang, Thanh điều hành Công ty Đông Bắc Hải Dương lên kế hoạch tổ chức đường dây khai thác, tiêu thụ hàng triệu tấn than trái phép tại Mỏ than Minh Tiến (xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) thu lợi bất hợp pháp hàng trăm tỷ đồng.
Liên quan đến lĩnh vực quản lý thị trường trong giám sát, kiểm tra đối với Công ty CP Yên Phước, ngày 5/9, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên cho biết, đơn vị từng vào cuộc phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát đối với hoạt động mỏ than Minh Tiến.
Cụ thể, tháng 4/2020, UBND huyện Đại Từ quyết định thành lập tổ công tác liên ngành tuần tra, kiểm soát việc vận chuyển, tập kết hàng hóa than khoáng sản trên địa bàn xã Phú Cường. Thành viên tổ gồm: Đội QLTT số 3 (nay là Đội QLTT số 5), Công an huyện, Chi Cục Thuế khu vực Sông Công – Đại Từ, phòng Kinh tế – Hạ tầng, phòng TN&MT, UBND xã Phú Cường.
Từ ngày 29/4 – 15/8/2020, quá trình kiểm tra, tổ công tác xác định Công ty CP Yên Phước đã xuất trình các hóa đơn chứng từ, sau khi đối chiếu với hàng hóa vận chuyển không phát hiện vi phạm.
Trong đó, công ty đã xuất trình, cung cấp giấy tờ liên quan đến than, than lẫn đá, than nguyên khai gồm 13 hóa đơn GTGT và 4 phiếu xuất kho nội bộ có tổng số lượng 8.372 tấn và 27 phiếu xuất kho nội bộ có tổng khối lượng 17.810 m3 than nguyên khai;
Theo Cục QLTT Thái Nguyên, thực tế giám sát cho thấy công ty đã vận chuyển 2.017 lượt chuyến xe với tổng số lượng là hơn 5,5 nghìn tấn và hơn 16,3 nghìn m3.
“Từ ngày 16 – 30/8/2020 tổ công tác xác định không có xe vận chuyển nên đã xin ý kiến của UBND huyện Đại Từ để giải thể tổ liên ngành”, Cục QLTT Thái Nguyên cho biết.
Theo lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên, quá trình làm việc, tổ công tác từng nhiều lần đề nghị với UBND huyện Đại Từ làm việc với phía doanh nghiệp để lực lượng liên ngành vào bên trong để giám sát, tuy nhiên suốt nhiều tháng, phía Công ty Yên Phước không hợp tác, gây khó khăn.
Ngoài ra, đại diện Cục QLTT Thái Nguyên cho biết, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản, thông tin về thời gian khai thác, công suất, trữ lượng sản lượng được phép khai thác của các doanh nghiệp không được thông báo, cung cấp cho cơ quan QLTT; lực lượng QLTT không có thẩm quyền dừng phương tiện vận tải lưu thông trên đường để kiểm tra… nên đây là khó khăn trong nắm bắt sai phạm của doanh nghiệp.
Mỏ than từng bị xử phạt nhiều lần
Trước việc Công ty CP Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương dùng nhiều thủ đoạn qua mặt cơ quan chức năng, một lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định tuyệt đối “không có chuyện bao che”, thậm chí tỉnh từng xử phạt hành chính ở mức cao nhất với các vi phạm của doanh nghiệp trên.
Cụ thể, đầu năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Yên Phước số tiền 200 triệu đồng với các hành vi vi phạm gồm: không thông báo cho cơ quan quản lý khi phát hiện sự cố môi trường; không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định; khai thác khoáng sản không có giám đốc điều hành mỏ với trường hợp khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên.
Tháng 5/2020, Sở Công Thương thành lập đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành quy định trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than của Công ty Yên Phước.
Đoàn thanh tra phát hiện 5 vi phạm gồm: doanh nghiệp khai thác không đúng thông số về chiều cao tầng của hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ; tổng diện tích đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 0,1 ha;
Sử dụng 189.844 m2 đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; không thu gom chất thải nguy hại theo quy định để chất thải nguy hại ngoài trời gây ô nhiễm môi trường xung quanh và hộ chiếu nổ mìn lập không đầy đủ nội dung.
Xét vi phạm nêu trên, UBND tỉnh quyết định xử phạt Công ty Yên Phước 375 triệu đồng và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Đồng thời buộc nộp lại số tiền hơn 123 triệu đồng thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Năm 2014, Công ty Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến thuộc huyện Đại Từ với trữ lượng 8.500 tấn/năm. Tổng trữ lượng được cấp phép là 136.000 tấn, hạn khai thác đến năm 2031.
Đến năm 2018, sau khi hoàn tất giải phóng mặt bằng, Công ty Yên Phước khai thác lộ thiên. Một thời gian sau, bà Linh đã ký hợp đồng chuyển việc khai thác tại mỏ Minh Tiến cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương.
Hợp đồng thể hiện, Công ty Yên Phước đồng ý cho Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác, chế biến than tại mỏ trong thời hạn 5 năm với khối lượng ít nhất 400.000 tấn/năm.
Cơ quan điều tra xác định từ 3/2019 – 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện khai thác sản lượng khoảng 2,5 triệu tấn than. Việc khai thác này có sự giám sát của nhân viên Công ty Yên Phước.
Để qua mắt các cơ quan quản lý nhà nước, các bị can lập khống hồ sơ nghiệm thu, báo cáo số lượng khai thác với chính quyền tỉnh Thái Nguyên đúng với số lượng cấp phép. Hàng triệu tấn than khai thác trái phép được các bị can tiêu thụ, trốn nhiều loại thuế và phí để thu lợi bất chính số tiền hơn 121 tỷ đồng.