Quản lý rừng dễ dàng hơn nhờ tích hợp dữ liệu

BVR&MT – Nhờ hệ thống tích hợp dữ liệu đang được triển khai, công tác quản lý rừng của các cơ quan chức năng sẽ dễ dàng hơn, còn người dân và doanh nghiệp (DN) có một nguồn dữ liệu tin cậy để tham khảo.

Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), năm 2016, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản là 32,1 tỷ USD, trong đó, đứng đầu là thủy sản với gần 7 tỷ USD, tiếp đến là gỗ và các mặt hàng liên quan đến gỗ với hơn 6,91 tỷ USD, tương đương 21,5%.

Để có hơn 6,9 tỷ USD, đồng nghĩa với việc Việt Nam đã dùng hết 31 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó, chỉ có 8 triệu m3 là gỗ nhập khẩu, còn lại, 23 triệu m3 gỗ là từ gỗ của rừng trồng. Điều này chứng tỏ, nguồn nguyên liệu rừng trồng sẽ đóng vai trò quyết định đến sự thành-bại của ngành gỗ và chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam trong những năm tới.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch VIFORES cho hay, những năm qua, một trong những khó khăn của các DN gỗ là không thể tiếp cận được một cách đầy đủ và kịp thời những thông tin liên quan đến rừng, diện tích, phân bố của vùng nguyên liệu tại các địa phương, vì thế, DN gần như “bị động” khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, không biết mở nhà máy ở đâu để có thể có đủ nguồn nguyên liệu trong tương lai.

Điều này cho thấy, nếu không có đầy đủ những thông tin trong ngành sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chiến lược kinh doanh của DN xuất khẩu gỗ. Nhưng để có thông tin tổng thể, hiện các DN mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu, tiếp cận và cũng phải bỏ tiền ra mua. Tuy nhiên, nỗi lo ấy giờ đã có lời giải.

Áp dụng mô hình quản lý rừng của Phần Lan

Với kinh nghiệm trong quản lý rừng, Chính phủ Phần Lan đang triển khai dự án hỗ trợ ngành lâm nghiệp Việt Nam xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp nhằm quản lý rừng hiệu quả.

Theo các chuyên gia đến từ Phần Lan, việc lưu trữ được những dự liệu về rừng về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam, đặc biệt là những hộ dân, DN có liên quan đến trồng rừng, chế biến và xuất khẩu gỗ.

Kinh nghiệm của Phần Lan cho thấy, khi những thông tin về dữ liệu về rừng được người dân, DN truy cập miễn phí sẽ mang lại những lợi ích như tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, nhất là những DN nhỏ, giúp họ có thể cạnh tranh sòng phẳng với các công ty lớn.

Các hộ gia đình cũng hưởng được lợi ích của dữ liệu này bằng cách chia sẽ thông tin với các DN sản xuất và chế biến gỗ. Còn các DN sẽ liên kết dễ dàng với các hộ dân trồng rừng để có những lời khuyên trong việc áp dụng các biện pháp lâm sinh cần thiết để rừng trồng đạt tiêu chuẩn của DN…

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết năm 2015, tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là hơn 10 triệu ha, còn rừng trồng gần 4 triệu ha.

Trong những năm qua, dù đã có những cố gắng của các ban, ngành, địa phương, nhưng do hệ thống thông tin dữ liệu vẫn chưa đạt được như mong muốn, dữ liệu rải rác ở nhiều đơn vị khác nhau, nên rất khó thu thập và xử lý số liệu.

Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến tháng 6/2017, dữ liệu của 8,5 triệu lô rừng của Việt Nam, cùng với khoảng 1,1 triệu hộ dân trồng rừng tại 60 tỉnh, thành phố sẽ được lưu trữ. Người dân, DN có thể truy cập và khai thác thông tin miễn phí, không phải trả tiền.

Phần Lan có 23 triệu ha rừng, trong đó có 14 triệu ha rừng thuộc sở hữu của 630.000 chủ rừng tư nhân. Để quản lý được một diện tích và số lượng các chủ rừng, Phần Lan đã ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ mọi hoạt động liên quan đến rừng và đến nay quốc gia Bắc Âu này đã lưu trữ được dữ liệu của 82% rừng thuộc sở hữu tư nhân và đến 2020 sẽ đạt 100%.

Chính phủ Phần Lan đang hỗ trợ ngành lâm nghiệp Việt Nam triển khai dự án xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp, gọi tắt là FORMIS và hiện đang ở giai đoạn 2 với giá trị hơn 10 triệu euro. Thời gian kết thúc dự kiến là năm 2018. Sau đó, Việt Nam sẽ dựa trên những kết quả của dự án để tiếp tục lưu trữ, bổ sung những dữ liệu liên quan đến rừng.

Hiện tại, tuy dự án chưa kết thúc, nhưng người dân, DN có thể vào trang http://maps.vnforest.gov.vn để tìm hiểu những thông tin liên quan đến dịch vụ kiểm kê rừng, dữ liệu chi trả dịch vụ môi trường rừng, dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệm…