Quản lý hiệu quả thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm

BVR&MT – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Ảnh minh họa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua hơn một năm thực hiện, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả về quản lý, bảo tồn và phát triển các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Nghị định số 06/2019/NĐ-CP đã cắt giảm 16 thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nuôi, trồng, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã thuận tiện, đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, với nhiều điểm mới được quy định trong Nghị định nên khi triển khai trong thực tiễn đã bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, như: Tên khoa học của một số loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm chưa thống nhất với Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; một số thuật ngữ chưa được quy định rõ ràng hoặc quy định thiếu dẫn đến chưa bao quát được toàn bộ đối tượng động vật, thực vật hoang dã cần quản lý; quy định về xử lý mẫu vật vi phạm có nguồn gốc nước ngoài còn chưa phù hợp với quy định của CITES… Các tồn tại, hạn chế này đã gây nên những khó khăn nhất định, không chỉ đối với các tổ chức, cá nhân liên quan mà còn cho cả những cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị các quốc gia thành viên CITES lần thứ 18 (CITES-COP18) tổ chức vào tháng 9/2019 đã thông qua một số sửa đổi, bổ sung về các Phụ lục của CITES và một số Nghị quyết quan trọng, cần thiết phải được nội luật hóa kịp thời, làm cơ sở để các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện, đảm bảo thực thi nghiêm các quy định của CITES tại Việt Nam.

Xuất phát từ những lý do trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp là rất cần thiết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất dự thảo gồm 3 điều. Trong đó, điều 1 gồm 17 khoản, đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung 9 Điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và các biểu mẫu, danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm ban hành theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.