BVR&MT – “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội” là bước tiến quan trọng trong quyết tâm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải, tập trung vào rác thải nhựa có giá trị thấp tại Việt Nam, phấn đấu 100% rác thải sinh hoạt được phân loại.
Dự án “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” do UBND quận Hoàn Kiếm, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng và Dow Việt Nam phối hợp thực hiện, đã được triển khai từ tháng 5/2022 và kéo dài tới hết tháng 6/2022.
Dự án nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, các cấp, các ngành trong việc phân loại, thu gom tái chế, vận chuyển đến nơi quản lý, tái chế theo quy định và tầm quan trọng việc cần thiết phải phân loại rác tại nguồn. Từ đó giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông và tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để góp phần vào phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Theo đại diện dự án cho biết, dự án “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” tập trung vào chất thải nhựa có giá trị thấp. Mô hình sẽ cung cấp đầu vào và xác định các vấn đề ưu tiên trong việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa tại địa phương. Hoạt động thí điểm cũng là bước đầu để hỗ trợ áp dụng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải trên toàn thành phố.
“Phương thức thực hiện nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án là xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo cho các nhóm nòng cốt (bao gồm Hội phụ nữ và lãnh đạo cộng đồng tổ dân phố). Các học viên sau khi học xong, họ có thể hướng dẫn, truyền thông và thúc đẩy các hộ gia đình thực hiện phân loại rác tái chế và rác thải nhựa giá trị thấp.
Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ gia đình, nhóm nòng cốt để thực hiện phân loại tại nguồn; hỗ trợ công nhân công ty Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Hoàn Kiếm trong việc thu gom; hỗ trợ các công ty tái chế trong việc vận chuyển rác thải tới nhà máy tái chế và các nguồn lực cần thiết khác để thu gom rác nhựa giá trị thấp”, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ.
Cùng với đó, thông qua các hoạt động truyền thông như tổ chức tham quan 84 mét đường giao thông được làm sạch, rải đá cấp phối cho các em học sinh tiểu học và cuộc thi chủ đề tái chế rác thải nhựa trên mạng xã hội… dự án đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc phân loại rác thải nhựa, biến nhận thức thành những hành động thực tiễn.
Trải qua thực hiện thí điểm tại 6 phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Trống, Cửa Đông và Phúc Tân, mô hình đã đạt được những kết quả tích cực. Sau 1 tháng triển khai, đã có 5.400 hộ gia đình được tuyên truyền và hướng dẫn, gần 5.000 hộ được ghi nhận đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn. Kết quả, 4.200kg rác thải nhựa giá trị thấp cũng đã được phân loại, riêng tại phường Hàng Đào đã ghi nhận được gần 700kg rác thải nhựa giá trị thấp sau thời gian triển khai.
Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, bên cạnh các biện pháp triển khai dự án đang thực hiện, cần phải tổ chức tốt công tác thông tin truyền thông, giáo dục vận động tuyên truyền để thay đổi nhận thức, tạo chuyển biến trong thái độ và hành vi hàng ngày của người dân và các bên liên quan trong toàn bộ dây chuyền quản lý rác thải. Công tác này cần tổ chức trong một thời gian dài, thường xuyên và liên tục ở các địa bàn cho mọi đối tượng, nhằm xây dựng được ý thức và hình thành được thói quen trong mỗi gia đình và ngoài cộng đồng.
Tổng giám đốc công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam – nhà tài trợ của dự án chia sẻ: “Dow đang thực hiện những giải pháp thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa thiết thực và dễ áp dụng vào cộng đồng, thông qua việc phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan nhà nước và các đối tác. Đây cũng là một trong những dự án quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu Phát triển bền vững tại Việt Nam của Dow, góp phần tiến tới một tương lai không còn rác thải nhựa”.