BVR&MT – Sau nhiều thập kỷ chiến đấu với các cuộc khủng hoảng môi trường đe dọa cướp đi đa dạng sinh học độc đáo của quần đảo Galápagos, sự phục hồi của loài rùa khổng lồ là một câu chuyện thành công đáng được tôn vinh. Nhưng vẫn còn nhiều thách thức bảo tồn đang chờ đợi quần đảo mang tính biểu tượng này.
Biểu tượng thất truyền
Galápagos gắn liền với hình ảnh của những con rùa đất khổng lồ. Ở đây, bạn sẽ tìm thấy một trong hai quần thể rùa khổng lồ trên thế giới (quần thể còn lại cách đó hơn 10.000 dặm, vùng Aldabra Atoll thuộc quần đảo Seychelles). Trong khi rùa Galápagos được chia thành hai loại chính – loài có mai hình vòng cung cho phép chúng vươn cổ lên cao để ăn và loài có mai hình vòm cho phép chúng kiếm thức ăn trên mặt đất – thì có tới 15 phân loài được ghi nhận, phân loài nào cũng bị giới hạn trong môi trường cụ thể đặc thù theo nguồn nước lộ thiên và địa hình hạn chế.
Hiển nhiên quần đảo Galápagos có tầm quan trọng quốc tế tột bậc về đa dạng sinh học, một số loài có mức độ đặc hữu cao nhất trên hành tinh. Trong số 1.073 di sản thế giới do UNESCO công nhận, Galápagos thuộc nhóm địa điểm đầu tiên được đưa vào danh sách từ năm 1978. “Một bảo tàng sống và nơi giới thiệu về sự tiến hóa” là mô tả của UNESCO về quần đảo, gắn mác cho nơi này là “điểm tụ cư của các loài sinh vật biển”. Có tới 97% tổng diện tích bề mặt của các đảo cùng hơn 7.600 km2 được công nhận là VQG Galápagos vào năm 1959 (chỉ còn lại 237 km2 cho khoảng 30.000 cư dân).
Tuy nhiên, quần đảo không phải luôn được nhìn nhận nhờ tầm quan trọng khoa học này mà ban đầu nổi tiếng chủ yếu nhờ hình ảnh gồ ghề, thô nhám.
Trước khi con người xuất hiện, người ta ước tính rằng Galápagos là nơi sinh sống của khoảng 250.000 con rùa khổng lồ. Từ những năm 1500, các tàu săn cá voi, cướp biển và tàu buôn bắt đầu ghé qua quần đảo trong các chuyến đi biển và phát hiện ra rằng rùa có “chiến thuật” sinh tồn kỳ diệu, có thể sống sót tới một năm ngay cả khi bị lộn ngược mà không cần thức ăn hoặc nước uống. Do đó, bắt một vài con rùa trên đường ghé qua sẽ cung cấp một nguồn thịt tươi liên tục trong suốt một hành trình dài. Khoảng 100.000 đến 200.000 con rùa đã bị giết chết bởi những người săn cá voi đói khát và những người đầu tiên tới định cư.
Trong những thập kỷ gần đây, một con rùa đã vượt lên để trở biểu tượng nổi tiếng của Quần đảo Galápagos. Đó là cá thể còn lại cuối cùng của rùa Isla Pinta, một phân loài được cho là đã tuyệt chủng từ lâu. Người ta tin rằng cá thể này được phát hiện vào năm 1906 khi các nhà nghiên cứu từ Viện hàn lâm Khoa học California đến Isla Pinta để bắt ba con rùa nhưng vì cá thể đó ở địa điểm quá khó tiếp cận nên họ bỏ qua. Cuộc đày ải này chỉ chấm dứt vào năm 1971 khi Tiến sĩ Joseph Vagvolgyi, nhà sinh vật học người Hungary đến để nghiên cứu về ốc sên và sau đó tình cờ đề cập với bạn bè rằng đã nhìn thấy một con rùa trên đảo Isla Pinta. Các chuyên gia nhanh chóng đến đảo và tìm thấy con vật nghi vấn. Con rùa này có lẽ đã lang thang một mình trên đảo trong suốt 65 năm, do đó, người ta đặt tên nó là Lonesome George (George đơn côi).
Bị nghiên cứu liên tục trong bốn thập kỷ sau đó, với những nỗ lực không ngớt để khiến George giao phối với con cái từ các đảo khác, cuối cùng George đã qua đời vào năm 2012 khi hơn 100 tuổi và không có hậu duệ nào sống sót, biến nó thành con rùa Pinta cuối cùng.
Bị rùa lấn át
Nhưng hiện nay không quá khó để nhìn thấy những con rùa khổng lồ Sierra Negra hoang dã ngủ gật trong ánh bình mình trên hòn đảo Isabela. Trong lịch sử, rùa Sierra Negra là loài phổ biến nhất trong tất cả các phân loài, theo lý thuyết là một bộ đệm sinh tồn quan trọng khi con người bắt đầu ăn thịt chúng và những người anh em họ hàng trên khắp quần đảo. Tamara, hướng dẫn viên của VQG Galapagos giải thích: “Khi con người xâm lấn Isabela, nơi gần nhất để bắt những con rùa khổng lồ là vùng cao nguyên”, cụ thể là chính núi lửa Sierra Negra (với chiều ngang 10 km, được coi là miệng núi lửa lớn thứ hai trên thế giới). Từ một quần thể đông đúc 70.000 con, con số rùa Sierra Negra đã rớt xuống còn 100 đến 200 con vào những năm 1950. Cho đến khi tình trạng săn sắt chấm dứt và thành lập VQG thì cuối cùng quần thể cũng ổn định và bắt đầu quá trình phục hồi một cách vô cùng chậm chạp.
Thậm chí, đó chưa hẳn là ân huệ cứu rỗi cho rùa ở đảo Isabela. Một mối đe dọa chết người vẫn tồn tại dai dẳng là dê hoang. Những con vật này được đưa đến các hòn đảo trong những năm 1800 đã lên tới hơn con số 100.000 con. Ngấu nghiến thảm thực vật bản địa, chúng đang quét sạch cảnh quan gồm những loài thực vật thiết yếu vốn là thức ăn và bóng râm mà rùa phụ thuộc.
Tình hình quá tệ nên VQG Galápagos đã có một bước đi quyết liệt khi khởi động “Dự án Isabela” vào năm 1997: thuê trực thăng bay khắp đảo và bắn bớt số lượng dê. Họ thậm chí còn sử dụng cả những con “dê Judas” được gắn các vòng cổ radio và thả cho chúng tự do đi tìm những con khác. Khi một đàn mới được định vị, tất cả sẽ bị loại trừ, ngoại trừ con dê được gắn vòng, sau đó chúng một lần nữa được tự do để đi tìm một đàn khác… Vào thời điểm dự án kết thúc năm 2006, trên đảo chỉ còn lại vài trăm con dê Judas. Quần thể rùa Sierra Negra hiện đã phục hồi được khoảng 1.000 cá thể, vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng nhưng, như Tamara nhận xét, không tệ như trước.
Giải cứu bằng phương pháp nhân giống
Isabela cũng là nhà của Trung tâm nhân giống rùa khổng lồ Arnold Tupiza Chamaidan, một nơi cùng với những nơi khác, góp phần vào việc giải cứu rùa Sierra Negra. Khai trương vào năm 1995, hiện tại nơi này là nhà của một số con rùa sinh sản, có khoảng 250 con được ấp nở hàng năm đang góp phần phục hồi quần thể tại các hòn đảo do được đưa trở lại lãnh thổ khi chúng được tám tuổi. Một bản đồ được mã hóa bằng màu sắc cho chúng ta biết phần nào của hòn đảo mà mỗi quần thể ban đầu thuộc về và cũng là nơi hậu duệ của chúng phải được trả lại.
Xung quanh góc, một đám đông hào hứng nghiêng người quan sát một bãi quây có đầy rùa con đang nhiệt tình giải quyết bữa trưa gồm thân cây và lá. Những con rùa con này – mỗi con sẽ đứng vừa vặn thoải mái trên đầu một cây vợt tennis – vẫn rất dễ bị tổn thương trước một kẻ xâm lược nguy hiểm khác: chuột. Có khả năng được tình cờ đưa đến đây bởi chính những thủy thủ thích ăn thịt rùa, loài gặm nhấm này là mối đe dọa lớn nhất trên khắp các đảo. “Hơn ba tuổi, tất cả rùa con sẽ sống ở bên ngoài”, Tamara giải thích. “Trước thời điểm đó, chúng sống trong những khu đặc biệt vì chuột có thể vào và ăn thịt rùa con”.
Cuộc giải cứu trứng rùa vào năm 1965 từ hòn đảo nhỏ Pinzón, nơi chuột sắp quét sạch các phân loài, là lần đầu tiên phục hồi rùa khổng lồ Galápagos như chúng ta thấy ngày nay. Ví dụ, nửa thế kỷ trước, loài rùa khổng lồ của đảo Española là một phân loài khác đang bên bờ tuyệt chủng do những người săn cá voi và dê. Đến năm 1960, chỉ còn 14 con rùa còn lại ở đảo Española, 12 con cái và hai con đực. Một vị cứu tinh, có biệt danh là “Super Diego”, được mang về từ Vườn thú San Diego vào năm 1975. Có lẽ Diego đã trở thành con rùa nổi tiếng nhất của hòn đảo sau George đơn côi và được cho là đã gần như một mình giải cứu phân loài, do làm cha của hơn 800 rùa con. Hơn 2.000 con rùa khổng lồ hiện đã được hồi hương về Española và quần thể được cho là có thể tự duy trì. “Tôi muốn nói rằng loài Española là chương trình nhân giống thành công nhất ở Galápagos”, Tamara hào hứng. “Chúng tôi không chắc chắn về các vấn đề di truyền có thể nảy sinh vì anh chị em giao phối với nhau. Nhưng chúng ta cần đợi ít nhất 50 năm để thấy điều đó”.
Trở về từ cái chết
Băng qua vùng vịnh cát vàng với làn nước trong vắt, màu ngọc bích, là hòn đảo trung tâm Santa Cruz, cách Isabela chỉ một chuyến bay ngắn. Các cơ sở sinh sản rùa hiện có thể được tìm thấy trên khắp bốn hòn đảo có người ở và là nơi sinh sống của hầu hết người dân Galápagos, Santa Cruz là trung tâm của hầu hết công việc bảo tồn này.
Ở Santa Cruz, hàng ngàn con rùa hiện đang sống hoang dã trên khắp các trang trại vùng cao trên đảo, chia sẻ những bãi cỏ với gia súc. Ở Puerto Ayora – thị trấn đông dân nhất trên quần đảo, nằm trong khu resort Finch Bay, đi bộ một đoạn ngắn dọc theo bờ biển là Trạm nghiên cứu Charles Darwin. Ở đây, cũng như cơ thể nhồi bông của George đơn côi tội nghiệp, có thể quan sát được những con rùa con từ khắp quần đảo, các nhà nghiên cứu theo dõi chúng phát triển qua mọi giai đoạn đầu đời. Một tấm bảng trắng bắt mắt phác thảo hơn 5.000 con rùa từ trung tâm này đã được hồi hương đến từng hòn đảo tính từ năm 1970, bao gồm 1.825 con đến Española và 1.007 con đến Pinzón.
Nhiều con rùa đang được chuyển đến một hòn đảo nhỏ, không có người cư trú mang tên Santa Fe ở gần đó. Monica Reck, hướng dẫn viên của VQG Galápagos tại Santa-Cruz giải thích rằng việc gần đây phát hiện những mảnh xương và sọ trên đảo là bằng chứng đầu tiên cho thấy Santa Fe, cũng như các đảo khác, đã từng có một quần thể rùa Santa Fe đông đúc nhưng rồi tuyệt chủng hoàn toàn vào giữa những năm 1800. Vì thế, nỗ lực trả lại rùa cho Santa Fe càng trở nên mạnh mẽ, từ năm 2015 đến 2017, 400 con rùa Española vị thành niên – được cho là họ hàng gần nhất với rùa Santa Fe còn sống sót – đã được thả trên đảo, như một sự thay thế sinh thái. Lần đầu tiên sau 200 năm, Santa Fe trở thành nhà của những con rùa khổng lồ hoang dã.
Đảo Floreana là một câu chuyện đáng chú ý khác, cũng bắt đầu bằng việc rùa bị con người tàn sát và rồi tuyệt chủng sau đó. Tuy nhiên, ở phía bắc đảo Isabela, gần như sát với đường xích đạo là núi lửa Wolf – núi lửa lớn nhất toàn bộ quần đảo Galápagos. Mặc dù phần này của hòn đảo có quần thể rùa bản địa riêng, nhưng trong nhiều thế kỷ nó cũng là nơi chứa rùa rác khi các thủy thủ đã có đủ thịt rùa. Rùa bị ném xuống biển và phải bơi trở lại đảo. Về được đảo, chúng sẽ lai giống với những con rùa khác từ khắp các đảo. Do đó, trong khi rùa Floreana thực sự bị xóa sổ trên Floreana, gen của chúng có thể vẫn còn ở núi lửa Wolf. Cuối năm ngoái, người ta thông báo rằng các cá thể được định vị có di truyền đủ gần với loài rùa Floreana ban đầu đến mức về cơ bản nó có thể được tuyên bố là không tuyệt chủng. Tái tạo quần thể rùa đảo theo cách tương tự như Española, nhưng từ một tình huống thậm chí còn tệ hơn, có thể là câu chuyện khôi phục bảo tồn khó tin nhất của Galápagos.
Theo nhiều cách, câu chuyện nổi tiếng quốc tế về George đơn côi và sự thất bại trong việc khiến nó sinh ra hậu duệ làm lệch lạc thực tế bảo tồn ở Galápagos. Rùa khổng lồ đã từng gặp rắc rối nghiêm trọng, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, việc phục hồi của chúng trong nửa thế kỷ qua là một thành công bảo tồn thực sự. Trên khắp Galápagos, hiện có 50.000 con rùa khổng lồ, sự phục hồi của nhiều quần thể được lên kế hoạch và thực hiện một cách tỉ mỉ. Thậm chí có lẽ đã đến lúc kết thúc một số chương trình nhân giống quy mô lớn, các cơ sở chỉ tập trung vào một vài phân loài dễ bị tổn thương.
Tamara giải thích: “Chúng tôi đã phục hồi hầu hết các quần thể ở Galápagos. Chúng tôi cần giữ cân bằng. Nếu bạn thả hàng ngàn con rùa khổng lồ trong một hệ sinh thái, chúng sẽ ăn tất cả mọi thứ, và sau đó thảm thực vật sẽ gặp vấn đề”.
Scalesia Lodge, một khu nghỉ dưỡng hiện đại được xây dựng trên các con dốc trong rừng của Isabela vừa nhận nuôi 12 con rùa khổng lồ vị thành niên trong một trại quây đặc biệt. “Đó là một trách nhiệm lớn bởi vì bạn phải chăm sóc chúng”, Felipe de la Torre, Tổng giám đốc của Scalesia Lodge khẳng định. “Bạn phải xây dựng khu vực nuôi chúng chúng theo đúng quy định. Việc cho chúng ăn khá tốn kém vì chi phí vận chuyển đến nơi chúng có được otoy [thức ăn chủ yếu của rùa, còn được gọi là cây khoai mùng]”. Nếu số lượng rùa tiếp tục phát triển, các trung tâm giống cũng cần các cơ sở như Scalesia Lodge để san sẻ trách nhiệm chăm sóc các cá thể.
Dù có những thành công này, cần nhớ là đã mất đến nửa thế kỷ đổ tiền vào và những nỗ lực khoa học miệt mài mới đạt đến điểm mà hầu hết các loài rùa khổng lồ chỉ mới ở ngưỡng an toàn trước nguy cơ tuyệt chủng ngay lập tức. “Ở một số đảo, chương trình hồi hương thực sự có thể kết thúc trong vòng mười năm hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, các quần thể khác sẽ cần thêm 30 đến 50 năm”, Linda Cayot, cố vấn khoa học tại tổ chức Galápagos Conservancy, thừa nhận.
Bà nhấn mạnh việc cập nhật gần đây của Sách đỏ IUCN vẫn phân loại nhiều phân loài rùa khổng lồ trong khoảng, trường hợp tốt nhất là “sắp nguy cấp” (vulnerable), và tồi tệ nhất là “cực kỳ nguy cấp” (critically endangered). “Một trong những lý do chính cho điều này là sự khác biệt giữa quần thể trong lịch sử và hiện tại. Vì vậy, chúng tôi vẫn còn một quãng đường dài để đi”.
Rủi ro vẫn hiện hữu
Đa dạng sinh học ở Galápagos vẫn còn vô cùng bấp bênh. Vẫn còn đó những yếu tố tác động đến hệ sinh thái độc đáo của quần đảo, từ hiện tượng nước biển ấm lên và thiếu môi trường sống đang dẫn tới sự suy giảm của loài chim cánh cụt Galápagos cùng việc thiếu thức ăn khiến loài chim điên chân xanh bị đói, hoặc sự lây lan không thể ngăn cản của loài ốc sên khổng lồ – bị các chuyên gia coi là một trong những loài ốc phá hoại nhất trên thế giới.
Nhưng vẫn còn hy vọng rằng sự quan tâm, luật lệ nghiêm ngặt, nguồn tài trợ và có lẽ quan trọng nhất là sự lạc quan được tạo ra bởi sự phục hồi chậm của loài rùa khổng lồ Galápagos mang tính biểu tượng có thể mở đường để đảm bảo quần đảo vẫn là trọng điểm đa dạng sinh học độc đáo cho các thế hệ mai sau.
Nhật Anh (Theo Geographical.co.uk)