Pleiku: Những thương binh vượt khó làm giàu

BVR&MT – Trở về sau chiến tranh, nhiều thương binh ở TP. Pleiku vượt qua nỗi đau bệnh tật, tiếp tục tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế. Họ thực sự là những tấm gương sáng được cộng đồng trân trọng.

Năm 1977, chàng trai trẻ Dương Hồng Khoan lên đường nhập ngũ. Trong một trận đánh tại chiến trường biên giới Tây Nam, người lính ấy bị thương nặng ở phần đầu. Năm 1982, ông Khoan xuất ngũ về quê hương Nam Định với tổn thương 35% sức khỏe. Năm 1996, vì cuộc sống quá khó khăn, ông cùng vợ và 5 người con vào Gia Lai lập nghiệp.

Ông Dương Hồng Khoan bên vườn cà phê trĩu quả của gia đình. Ảnh: Trần Dung

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn ban đầu khi lập nghiệp trên vùng đất mới, ông Khoan không khỏi xúc động. “Ngày ấy, vợ chồng tôi đưa theo đàn con thơ vào đây với hai bàn tay trắng. Chúng tôi làm tạm một chiếc lán giữa bãi đất trống để ở. Sau những ngày làm thuê, vợ chồng đã dành dụm để mua ít đất trồng cà phê và chăn nuôi. Chúng tôi luôn cố gắng để các con có một tương lai tươi sáng hơn”-ông Khoan hồi nhớ. Có những hôm trái gió trở trời, vết thương trên đỉnh đầu lại hành hạ. Khi sức khỏe không đảm bảo, cuộc sống gia đình thiếu thốn đủ bề, ông thấy mình bất lực. Nhưng rồi, ông nghĩ lại. Những tháng ngày ở chiến trường gian khổ, mưa bom bão đạn, ông còn không sợ, huống chi thời bình. Vậy nên ông không cho phép mình nản chí. Nhờ chăm chỉ làm việc và tích lũy, ông mua được 3 ha đất trồng cà phê và kết hợp chăn nuôi. Từ năm 2004, vườn cà phê của ông nổi tiếng một vùng vì sự tươi tốt và cho năng suất cao. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về trên 800 triệu đồng từ 3 ha cà phê và mô hình chăn nuôi bò, heo, gà…

Hiện vợ chồng ông Khoan đã xây dựng được một căn nhà khang trang tại tổ 10, phường Yên Thế. Các con của ông đều ngoan hiền, học hành đỗ đạt và về cống hiến cho địa phương. Với hơn 40 năm tuổi Đảng cùng bản lĩnh chính trị vững vàng, có trách nhiệm cao, tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán, không ngại khó khăn gian khổ, nhiều năm liền, ông Khoan được Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng giấy khen.

Chia tay ông Khoan, chúng tôi đến tổ 9 (phường Hoa Lư) gặp thương binh Nguyễn Trung Thành. Trong căn nhà nhỏ, ông Thành rất xúc động khi nhắc về những tháng năm ở chiến trường. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, ông lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Tháng 4-1973, trong khi tham gia phục vụ chiến đấu, ông bị thương nặng ở chân phải. Năm 1979, ông Thành xuất ngũ trở về địa phương với di chứng chiến tranh khi bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và là thương binh hạng 4/4.

Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông Nguyễn Trung Thành vẫn hăng say lao động sản xuất. Ảnh: Trần Dung

Ở tuổi ngoài 70, thương binh Nguyễn Trung Thành vẫn còn nhớ như in những ngày tháng chiến đấu nơi chiến trường ác liệt. Với ông, đó là khoảng thời gian phải đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng rất đỗi tự hào. Thời gian trong quân ngũ đã rèn luyện cho ông ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, gian khổ. Sau khi trở về địa phương, mặc dù bị bệnh tật hành hạ nhưng bằng ý chí của người lính, ông đã quyết tâm vươn lên, hăng say lao động sản xuất, nuôi dạy con cái trưởng thành. Năm 1988, ông đưa gia đình từ quê nhà Hà Tĩnh vào Gia Lai sinh sống và tiếp tục với nghề sư phạm và được công nhận là Nhà giáo Ưu tú. Ngoài việc cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, ông còn cùng vợ nỗ lực lao động sản xuất, trở thành hạt nhân tích cực trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” tại địa phương. Thu nhập từ 1 ha cà phê kết hợp chăn nuôi chuồng trại đã giúp gia đình ông thu về 150 triệu đồng/năm. “Là một người lính và cũng là một đảng viên, tôi luôn tự nhủ bản thân còn sức là còn cống hiến. Sau khi về hưu, tôi vẫn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương”-ông Thành tâm sự.

Ông Nguyễn Kỳ Ngộ-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Pleiku-nhận xét: Những năm qua, nhiều hội viên là thương binh đã nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Họ là những thương binh “tàn mà không phế” và trở thành tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.