Phượng tím Đà Lạt

BVR&MT – “Con đường Phượng tím chiều nay đổ/ Bóng lá che nghiêng một góc trời” – Nhà thơ Miên Thụy, đã gieo vào lòng người sự hoài niệm thật dễ thương. Mỗi độ xuân về, Phượng tím nở “tím trời” Đà Lạt luôn làm ngất ngây người dân và du khách thập phương.

Sắc tím của hoa phượng nở rực một góc trời.

Phượng tím có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập vào Đà Lạt năm 1962. Kỹ sư Lương Văn Sáu (tốt nghiệp Trường Canh nông Versailles – Pháp) là người đầu tiên ở Đà Lạt mang hạt về ươm, rồi trồng nhiều cây con 2 bên đường vào chợ Đà Lạt, nhưng chỉ sống được 1 cây (trước khách sạn TTC bây giờ). Cây Phượng tím này, hàng năm có ra hoa, nhưng không đậu quả. Vì, ở Việt Nam không có loài chim mỏ cong, đưa phấn vào đài hoa để thụ phấn. KS Lương Văn Sáu, lại kỳ công chiết cành từ cây Phượng tím độc nhất ấy, để trồng ở vườn hoa Bích Câu và nhà hàng Thủy Tạ, nhưng chỉ còn 1 cây ở Bích Câu sống sót, nở hoa. Năm 1995, Tiến sĩ Hà Ngọc Mai (cựu cán bộ Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt) mang hạt Phượng tím từ Úc về ươm, được khoảng 5.000 cây “phủ sóng” khắp phố phường Đà Lạt. TS Hà Ngọc Mai, tâm sự: “Tôi rất yêu Đà Lạt và có duyên nợ với xứ này. Tôi trăn trở hoài. Sở dĩ, 2 cây Phượng tổ của KS Lương Văn Sáu trồng, nở hoa đẹp, nhưng không đậu quả, là do trồng quá xa nhau, không tự thụ phấn được. Năm 1995, sau khi nghỉ hưu, tôi sang Úc thăm con gái, thấy nhiều đường phố, công viên Phượng tím nở tím trời, đẹp đến nao lòng. Tôi xin cán bộ sở tại một số quả Phượng tím, tách lấy hạt, bỏ vô phong bì gởi về Đà Lạt, vừa gọn – nhẹ – rẻ – nhanh. Trong 1 tháng, gởi 4 lần cho cháu Ngọc Lan ươm vào bịch nilon, như ươm hạt hướng dương, tôi từng hướng dẫn. Hai tháng sau, tôi mang thêm hạt Phượng tím về Đà Lạt, đề phòng sự cố. Rất mừng là, hơn 90% hạt Phượng tím đã mọc thành cây con, thật dễ thương. Tôi lại ươm tiếp toàn bộ số hạt mới mang về. Lứa đầu tiên, bán gần hết cho Công viên Hoa Đà Lạt, còn một ít tặng người thân, bạn bè. Bốn lứa tiếp theo, bán rộng rãi cho mọi người “yêu” Phượng tím. Không ngờ, 5 năm sau đường vào chợ Đà Lạt, một số đường phố khác và công viên, trường học, khu du lịch… Phượng tím nở tím trời Đà Lạt. Điều đặc biệt là, do số lượng nhiều, trồng sát nhau được lai chéo, nên Phượng tím Đà Lạt (thế hệ 9X và cả 6X) đều đậu quả. Khi quả chín, vỏ khô mới thu hoạch, tách lấy hạt ươm trong bịch nilon, cây con cao khoảng 50cm đem trồng ra đất, cây khỏe mạnh, lớn nhanh, khoảng 5 tuổi thì nở hoa đồng loạt, thật quyến rũ”.

Nhiều nữ sinh thích thú huoj ảnh tạo dáng bên những bông phượng tim.

Phượng tím – tên khoa học Jacaranda Mimosifolia, là loài cây thân gỗ, lá kép giống phượng đỏ, hoa hình ống phủ lông tơ dài 4 – 5cm, nở từng chùm màu tím thật dễ thương. Tên Việt hóa gọi là Phượng tím, khi hoa rụng, trên mặt đất tạo thành thảm hoa tím rất bắt mắt. Phượng tím ươm trồng bằng hạt, 10 tuổi cao khoảng 10m, tán lá rộng 5m, thường nở hoa vào mùa xuân (từ tháng 1 đến tháng 5), sau đó đậu quả như Phượng vĩ. Khi quả khô, nhiều nhà vườn hái về, ươm cây con trong bịch nilon (cao 30 cm đem bán) và vòng đời Phượng tím lại tiếp diễn.

Nụ hoa quả phượng tím.

Cách đây hơn chục năm, người Hà Nội đã mang Phượng tím Đà Lạt về trồng, và đã nở hoa giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhiều đoàn Văn nghệ sĩ trong nước dự Trại sáng tác tại Đà Lạt, thường say mê chụp ảnh, vẽ tranh, bút ký, làm thơ… về Phượng tím. Tôi đã từng, tặng Hội Văn nghệ (Điện Biên, Yên Bái, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Huế, Đắk Nông, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau…) Phượng tím con Đà Lạt, để lan tỏa khắp nước. Chủ nhật vừa rồi, anh bạn thân từ Hải Phòng, điện thoại bảo: “Gởi cho 100 hạt Phượng tím, để ươm trồng khoe sắc cùng Phượng đỏ”. Thế mới biết, Phượng tím Đà Lạt đã làm nao lòng bao lữ khách.

Hàng cây phượng tím bên Hồ Xuân Hương.

Phượng tím gợi sự hoài niệm, luôn làm ngất ngây người dân và du khách thập phương. Cùng với muôn loài hoa khác, Phượng tím đã góp phần làm nên thương hiệu “Đà Lạt – Thành phố Festival Hoa Việt Nam”.

Và bên phố Hai Bà Trưng.

Hà Hữu Nết

Tags: ,
CHIA SẺ