Phúc lợi nào cho voi?

BVR&MT – Thiếu sự giám sát hợp pháp khiến các trại du lịch voi trở thành thế giới riêng của họ.

Voi là biểu tượng quốc gia, niềm tự hào và là một trong những điểm quan trọng nhất thu hút khách du lịch đến Thái Lan.

Khách du lịch đi trên đường phố Bangkok và Chiang Mai mặc quần áo in hình voi, xem qua các tờ rơi để tìm cơ hội có được bức ảnh Instagram đặc sắc với một trong những người bạn khổng lồ và hiền lành. Nhưng kể từ khi số lượng trại voi ở Thái Lan tăng đột biến, việc đối xử với voi đã trở thành chủ đề tranh luận gay gắt.

“Năm 1995, chỉ có 22 trại. Bây giờ, có 223 trại”, Soraida Salwala, Tổng thư ký của tổ chức Friends of the Asian Elephant, và là người ủng hộ cho phúc lợi voi nổi tiếng, cho biết.

Khi số lượng du khách đến Thái Lan tiếp tục tăng, nhu cầu về voi cũng tăng theo. Theo báo cáo “Taken for a Ride” năm 2017 của World Animal Protection, 40% khách du lịch được khảo sát nói rằng họ có ý định tham gia du lịch voi khi đến Thái Lan.

Trong khi một số luật về phúc lợi động vật bảo vệ voi nuôi nhốt đã được ban hành thì hiện vẫn còn khoảng 4.400 cá thể voi chưa được quy định rõ về tiêu chuẩn làm việc. Ngay cả với sự bảo vệ mơ hồ, việc thực thi cũng rất hiếm thấy.

Điều này khiến cho một ngành công nghiệp đầy lợi nhuận không được kiểm soát kỹ càng và tạo ra một nền văn hóa gần như không bị trừng phạt khi nói đến phúc lợi động vật.

Thông tin sai lệch và tiêu chuẩn mơ hồ

Các trại, trung tâm cứu hộ và khu bảo tồn được tự định danh theo cách họ muốn mà không có bất kỳ sự giám sát hoặc định nghĩa rõ ràng nào về khu bảo tồn. Có nghĩa là ngay cả những trại tự xưng là khu bảo tồn và lên tiếng cho phúc lợi voi cũng bị phát hiện đã đối xử một cách tàn nhẫn và thờ ơ với những cá thể voi của họ. Mặc dù thúc đẩy bằng cả các tài liệu và lời lẽ đao to búa lớn về đối xử nhân đạo và đạo đức, những gì xảy ra đằng sau hậu trường không phải lúc nào cũng có thể được xác minh.

“Chúng tôi từng điều trị cho một cá thể voi bị bệnh nặng và có những đốm trắng trên da nhưng chủ của nó đã tới lấy lại với lý do cần phải thực hiện một nghi lễ với voi. Tất nhiên, chúng tôi không phải là chủ sở hữu nên buộc phải trả lại”, Soraida cho biết. Tuy nhiên, về sau cô phát hiện một khu bảo tồn đã trả tiền cho chủ của con voi bị bệnh để đưa nó ra khỏi bệnh viện trong khi nó đang được điều trị. Khu bảo tồn đó đã lên kế hoạch sử dụng những bức ảnh của con voi bị bệnh để quảng cáo, bằng cách nói rằng họ đang “cứu” nó nhưng trên thực tế thì lại ngược lại. Những câu chuyện này không phải là chưa từng thấy trong ngành công nghiệp voi, phần lớn phát triển mạnh bằng tiền mặt của khách du lịch dưới danh nghĩa bảo tồn hoặc chữa bệnh. “Các khu bảo tồn cung cấp cho họ những câu chuyện về [những con voi]. Đôi khi chúng là sự thật và đôi khi chúng không đúng sự thật. Nhưng họ đang làm mất uy tín của Thái Lan”, Soraida nói.

Boonmee, cá thể voi mà Soraida Salwala đề cập đang hồi phục sau chấn thương bom mìn ở chân phải, chào đón du khách tới thăm.

Các khía cạnh mơ hồ khác của thương mại bao gồm việc một cá thể voi được thuê hay sở hữu. Một con voi được thuê có thể không có một quản tượng hoặc người chăm sóc chuyên nghiệp, và có thể được những người thuê chuyển giao thường xuyên. Ngay cả khi sống trong một khu bảo tồn và tắm sông với khách du lịch một ngày, nó vẫn có thể bị buộc phải cho cưỡi trong 12 giờ liên tục hoặc biểu diễn các trò giải trí vào ngày hôm sau.

Quản lý mà không bị kiểm tra

Việc sử dụng móc, thường là một cây sào ngắn có đầu nhọn và là công cụ phổ biến nhất cho quản tượng đã khiến những người ủng hộ quyền động vật giận dữ vì cho rằng đó là một hình thức tàn ác. Tuy nhiên, các chuyên gia về voi như Tiến sĩ Chatchote Thitaram, đồng chủ tịch của Nhóm làm việc về voi châu Á, cũng là phó giáo sư của Khoa Thú y thuộc Đại học Chiang Mai, lại nói rằng việc sử dụng nó là cần thiết để duy trì sự kiểm soát voi.

“Đây là một động vật có thể giết chết bạn bằng một cú vung vòi”.

Mất kiểm soát có nghĩa là bị thương, và thậm chí tử vong. Bây giờ, vì sợ phản ứng dữ dội từ những khách du lịch không thích móc, một số trại đã bắt đầu sử dụng những vật nhỏ hơn, như đinh và dao để khách du lịch không nhìn thấy trực tiếp, nhưng gây hại hơn vì đâm vào da.

Nicolas Dubrocard, Giám đốc công ty dịch vụ kiểm toán trại voi Asian Captive Elephant Standard Co Ltd có trụ sở tại Chiang Mai, và cũng liên kết với nhóm làm việc, nói rằng “các quản tượng hổ thẹn với việc dùng công cụ này”.

Việc sử dụng dây xích là một vấn đề gây tranh cãi. Mặc dù có thể rất tàn nhẫn khi chỉ cho phép một cá thể voi đi loanh quanh, Tiến sĩ Chatchote nói rằng trên thực tế xích lại rất cần thiết trong nhiều trường hợp nhưng nên được sử dụng một cách nhân đạo. Voi nên có đủ chỗ để dạo chơi và di chuyển rộng.

Ngoài ra, trong khi nhiều trại khuyến khích cho voi ăn chuối và đồ ngọt như một cách để tương tác với voi, chúng thường bị ăn quá nhiều những thực phẩm không lành mạnh này.

“Hiện tại có rất nhiều con voi béo phì”, ông Dubrocard nói.

Cưỡi voi cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Trong khi ông Dubrocard nói rằng việc cưỡi voi cũng thú vị miễn là chúng không bị làm việc quá sức thì bà Soraida cho rằng quản tượng nên là người duy nhất cưỡi voi.

“Tại sao người ta phải cưỡi voi? Chỉ để chụp một bức ảnh mà thôi?”

“Hàng hóa” khổng lồ

Bà Soraida chỉ ra rằng các nhà khai thác voi không chỉ kiếm tiền từ khách du lịch mà việc mua bán voi cũng mang lại lợi nhuận lớn. Một cá thể voi cái có thể đáng giá 1,5 triệu baht trong khi voi đực có ngà trị giá hơn 10 triệu baht.

“Một số chủ trại cũng là những người buôn voi. Họ buôn bán và họ biết rõ “cò”. “Cò” liên lạc với những kẻ săn trộm và nói “Chúng tôi cần một con voi đực, chúng tôi cần một con voi cái hoặc chúng tôi đang kiếm một con voi vài tháng tuổi bởi vì mọi người rất thích nhìn thấy voi con ở trại”.

Trong khi voi được nhân giống và bán qua lại giữa các trại ở Thái Lan, vẫn có một thị trường cho những kẻ săn trộm bắt voi hoang dã ở Myanmar để đưa vào Thái Lan, đặc biệt là qua các tỉnh Kanchanaburi và Tak.

Báo cáo WAP nêu lên mối quan ngại tương tự

“Sự tồn tại của quần thể nuôi nhốt hợp pháp, có giá trị cao này mở ra một thị trường cho động vật hoang dã bằng cách khuyến khích việc tẩy sạch động vật hoang dã qua quần thể nuôi nhốt hợp pháp”.

Tuy nhiên, ông Dubrocard tin rằng thị trường voi săn trộm từ Myanmar đưa sang Thái Lan đã là quá khứ, do chăn nuôi trong nước khá phổ biến. “Bạn không thể nhét vừa một con voi vào vali. Mọi người hay tin những điều bệnh hoạn này.”

Nhưng ngay cả việc nhân giống ở Thái Lan cũng có thể tạo ra một thị trường biến những động vật to lớn nguy cấp này thành hàng hóa thương mại.

“Những con voi bị nuôi nhốt ở Thái Lan cũng đóng một vai trò gián tiếp trong buôn bán ngà voi quốc tế bất hợp pháp. Một mặt khích lệ, mặt khác Thái Lan cũng đưa ra các quy định cho thị trường ngà voi bằng cách yêu cầu các thương nhân đăng ký kho hàng và cấm bán ngà voi châu Phi. Hiện vẫn còn những lo ngại xung quanh thị trường nội địa tạo cơ hội cho hoạt động rửa sạch nguồn gốc ngà voi”.

Tìm kiếm một giải pháp

Một số tổ chức, chẳng hạn như Công ty Asian Captive Elephant Standards, đang tìm những phương cách khác để khuyến khích các chủ trại đối xử nhân đạo và đạo đức đối với voi thông qua hệ thống xếp hạng tổng thể. Công ty tính phí 900-2.000 euro mỗi trại ở bất cứ đâu để kiểm toán và chỉ định xếp hạng cho họ dựa trên nhiều tiêu chuẩn khác nhau, bao gồm cả giờ làm việc, chế độ ăn uống của voi và an toàn của trại. Hiện công ty đang tìm kiếm một phương pháp giám sát chính thức để giám sát chính tổ chức của mình.

Bà Soraida nói rằng công nhận nghề quản tượng, chứng nhận nghề nghiệp và bắt buộc phải qua chương trình đào tạo là một phần của giải pháp.

Tiến sĩ Chatchote cũng khuyến khích trả mức lương cao hơn cho các quản tượng như một cách khuyến khích họ đối xử một cách có đạo đức với voi.

“Họ chỉ đến bắt voi để kiếm tiền từ du lịch. Và đó là một trong những vấn đề. Nếu bạn là một quản tượng chuyên nghiệp thì cá thể voi đó sẽ may mắn vì tìm đúng người. Nhưng có trại làm thế, có trại thì không. Ngay bây giờ, việc tìm được một quản tượng tốt hơn là cực kỳ khó khăn”.

Nhật Anh (Theo Bangkok Post)