BVR&MT – Chỉ chưa đầy 20% diện tích đất canh tác ở Kenya thích hợp cho cây trồng vì khu vực này không đủ mưa và đất bạc màu, thậm chí nhiều nông dân nhận thấy khả năng sản xuất trên đất ít đến mức cần viện trợ lương thực. Tuy nhiên, họ đã lạc quan hơn nhiều sau khi tham gia Chương trình Cải thiện Đất khô (DryDev) để phục hồi đất bằng phương pháp nông lâm kết hợp.
Manyi, 53 tuổi, bất lực nhìn mảnh đất hơn 1,5 ha ở đông nam Kenya của mình bị mất năng suất do sử dụng quá mức mà không được phục hồi kết hợp với tình trạng mưa thất thường và hạn hán kéo dài. Năm 2016, khu đất này thậm chí không thể nuôi nổi một ngọn cỏ. Tuy nhiên, khi nằm trong số hơn 35.000 nông dân ở Kenya tham gia DryDev, Manyi đã có thể thu hoạch 6 bao sản phẩm (90 kg/bao) từ mảnh đất 0,8 ha bất kể trời mưa đủ hay không.
Ở Kenya, nơi có khoảng 80% địa hình là đất khô, dự án đang làm việc với nông dân để khuyến khích họ trồng cây hàng năm xen giữa hoặc dưới tán cây theo phương pháp nông lâm kết hợp, giúp cung cấp đủ bóng mát và độ ẩm để cây chống chọi với cái nắng gay gắt. Dự án cũng giúp nông dân áp dụng phương pháp thu hoạch nước mưa để sử dụng trong trang trại.
“Chúng tôi đã và đang hỗ trợ nông dân các công nghệ canh tác mới, trồng cây bằng các phương pháp điều trị khác nhau và kiểm soát sâu bệnh”, Mercy Musyoki, tư vấn phát triển cộng đồng dự án cho biết.
Musyoki làm việc với khoảng 285 nông dân ở hạt Makueni, một vùng khô hạn ở đông nam Kenya, trong đó có Manyi – trang trại của anh có nhiều loại cây và cây hàng năm bao gồm xoài, cam, cỏ linh lăng (Medicago sativa), cây phan tả diệp (Senna alexandrina), cây neem (Azadirachta indica), gỗ gụ mukau (Melia volkensii) và cây me. Nằm ẩn mình dưới những hàng cây xoài đang ra hoa là những gốc cây đậu mới thu hoạch như đậu xanh, đậu đũa, đậu triều, bí đỏ và cao lương.
Trong một khu riêng biệt của trang trại, Manyi trồng xen gỗ gụ mukau với cỏ Brachiaria, một loại thức ăn gia súc đang mang lại nguồn thu mới cho gia đình. Ngoài ra, anh còn trồng xen cỏ linh lăng, cây phan tả diệp với các loại rau như cải xoăn và các loại cây lâu năm như chanh dây vàng, đu đủ và chuối.
“Tôi gọi đây là khu vườn bếp của gia đình mình. Lợi ích từ việc trồng xoài đã cho phép tôi đầu tư vào việc thu hoạch nước và nguồn nước này có thể dùng để tưới cây, chăn nuôi gia súc”, Manyi cho biết.
Kaloki Mutwota, người đã làm nông nghiệp hơn 20 năm tại làng cho biết động vật hoang dã như linh dương dik-diks, thỏ, gà guinea, rắn và các loài chim quý hiếm đã biến mất do môi trường sống bị phá hủy và nạn săn bắn gia tăng. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi khi các trang trại trở nên xanh hơn.
Theo Dominic Omondi, một quan chức nông nghiệp ở đông nam Kenya, người đã chứng kiến sự chuyển đổi trong chương trình DryDev, một số công nghệ đang được sử dụng để thúc đẩy nông lâm kết hợp ở vùng đất khô hạn này bao gồm che phủ đất, bón phân, thu hoạch nước bề mặt và sử dụng hố zai (zai pits), hố có kích thước bằng bát để gieo cây lương thực.
Kỹ thuật hố zai phá vỡ bề mặt chai cứng của đất vốn ngày càng gia tăng theo thời gian do quá trình sa mạc hóa. Hiện có hơn 7.000 nông dân ở đông nam Kenya đã áp dụng mô hình nông lâm kết hợp trên đất khô hạn.
Các nghiên cứu của ICRAF về nông lâm kết hợp trên đất khô chỉ ra rằng phương pháp này không chỉ thúc đẩy an ninh lương thực cho những người nông dân đang gặp khó khăn mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nông dân cắt giảm dần việc sử dụng hóa chất và phân bón.
Leigh Ann Winowiecki, nhà khoa học về hệ thống đất tại ICRAF cho biết việc đảm bảo sự hình thành và tồn tại cây trồng ở các vùng đất khô hạn là rất khó khăn vì khí hậu thất thường và không đáng tin cậy cũng như hạn hán thường xuyên. Tuy nhiên, chương trình đang giúp đất bạc màu trở lại khỏe mạnh bằng cách phục hồi sức khỏe của đất thông qua bảo tồn nước, giảm xói mòn và bón phân chuồng được ủ hoai mục.
Để đánh giá mức độ hiệu quả của phương pháp này, một nghiên cứu do cô đồng tác giả đã theo dõi 17.520 cây ở Kenya vào năm 2018, qua đó nhóm phát hiện tỷ lệ sống trung bình của cây con ở các khu vực được nghiên cứu thay đổi tùy thuộc vào loài được trồng và điều kiện nông học tại các điểm nghiên cứu. Ví dụ, địa phận hạt Kitui có tỷ lệ sống trung bình của cây con cao nhất là 53,4% trong khi các hạt Machakos và Makueni có tỷ lệ sống trung bình lần lượt là 32,2% và 43,3%. Bên cạnh đó, việc bổ sung phân chuồng làm tăng tỷ lệ sống của cây con lên 12% nhưng có sự khác nhau giữa các hạt, trong khi 35% cây con sống sót khi chúng được tưới đủ nước.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng báo cáo rằng hàng rào của các trang trại làm tăng tỷ lệ sống của cây con lên 7,8% và việc sử dụng các hố zai cũng làm tăng tỷ lệ sống của chúng.
Rael Syombua, một nông dân khác đến từ đông nam Kenya đã áp dụng việc sử dụng hố zai và thấy kỹ thuật này giúp cắt giảm nhiều chi phí, ví dụ thay vì cô phải thuê một chiếc máy cày để chuẩn bị cho 1,2 ha đất trồng mà năng suất ngô vẫn thấp, cô đã áp dụng kỹ thuật hố zai và nâng năng suất ngô trung bình lên gấp đôi so với con số dưới 3 bao (90 kg/bao) trong mỗi mùa.
Nông lâm kết hợp trên đất khô đã mang lại một lợi ích khác cho ngôi làng của Syombua. Cô cho biết những cơn gió mạnh từng quét qua làng đã giảm hẳn cường độ do cây cối che phủ nhiều hơn trước.
Mở rộng quy mô nông lâm kết hợp trên đất khô ở các nước như Kenya đòi hỏi phải tăng cường nghiên cứu về những loại cây trồng và cây cối nào có thể phát triển tốt ở một địa điểm cụ thể, do điều kiện khí hậu và địa hình khác nhau. Đó là lý do tại sao những người hỗ trợ cộng đồng như Musyoki được trang bị ứng dụng của Regreening Africa – một công cụ thu thập dữ liệu giúp dễ dàng lập bản đồ các địa điểm đang thực hành nông lâm kết hợp trên đất khô.
Theo Musyoki, việc người nông dân sử dụng ứng dụng ghi lại dữ liệu và chụp ảnh sẽ giúp các nhà nghiên cứu đổi mới cách thức để vượt qua các rào cản về khí hậu và địa hình. Musyoki cũng cấp cho nông dân mã nhận dạng sử dụng định vị GPS để theo dõi vị trí của từng hộ gia đình. “Ứng dụng này giúp công việc của chúng tôi dễ dàng hơn vì chúng tôi có thể biết loại cây trồng nào phù hợp nhất với điều kiện khí hậu của một địa điểm cụ thể và loại cây nào có thể dễ dàng sống sót để khuyến khích nông dân trồng chúng”, Musyoki cho biết.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố từ 2021 đến 2030 là Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái. Cơ quan Lâm nghiệp Kenya (KFS) cho biết nước này đã cam kết khôi phục các vùng đất bị suy thoái với 5,5 triệu cây xanh được trồng vào năm 2030.
Rose Akombo, chuyên gia về rừng và biến đổi khí hậu tại KFS cho biết phần lớn điều này sẽ được thực hiện thông qua việc trồng cây làm giàu, một hoạt động bao gồm việc trồng lại cây trên những khu vực đã bị dọn sạch cây che phủ và cả thông qua nông lâm kết hợp.
Trong khi đó, Manyi không chỉ muốn tăng gấp đôi sản lượng tại trang trại của mình trong 5 năm tới thông qua mô hình nông lâm kết hợp trên đất khô mà anh còn muốn tạo ra một ngôi nhà cho nhiều loài động vật khác nhau.
“Sản lượng mật ong của tôi đã tăng lên vì hiện nay có nhiều ong đến thăm cây của tôi để lấy mật hoa. Một số loài chim cũng đến đậu trên cây của tôi. Tôi cảm thấy như tôi đã trao sự sống cho một thế hệ đang dần biến mất”, anh nói.
DryDev là dự án do Tổ chức Nông lâm Thế giới (ICRAF) thực hiện tại các khu vực khô hạn ở Burkina Faso, Ethiopia, Kenya, Mali và Niger từ năm 2013.
Một phần tư trong số 4,4 tỷ ha đất trồng trọt trên thế giới bị thoái hóa, thường là do khô cằn, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). |
Ý Nhi (Theo Mongabay)