BVR&MT – Tỉnh Phú Yên xác định, để đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, trong thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ cần đồng hành, tạo động lực để góp phần quan trọng giúp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Trong đó, tập trung khai thác tài sản trí tuệ, xây dựng chỉ dẫn địa lý, gắn nhãn hiệu cho sản phẩm, hàng hóa chủ lực mà tỉnh có thế mạnh để không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn cho thị trường quốc tế.
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên, qua chương trình hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh giai đoạn 2020-2023, đến nay, 17 nhiệm vụ khoa học, công nghệ đã được triển khai, với tổng kinh phí hơn 221 tỷ đồng. Trong đó có 10 nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học, công nghệ độc lập cấp quốc gia, bảy dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi và dân tộc thiểu số. Từ các đề tài, dự án và nhiệm vụ khoa học, công nghệ này, 26 quy trình nuôi trồng, sản xuất, 63 mô hình thực tế và hai bộ cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát chất lượng nước nuôi trồng được đưa vào thực tiễn, giúp người dân nắm bắt được kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất.
Ðáng chú ý, đối với sản phẩm yến sào, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao được quy trình công nghệ nuôi hoàn chỉnh, cung cấp cơ sở khoa học quy hoạch vùng, quy hoạch làng nghề nuôi chim yến. Ðến nay, Phú Yên đã hình thành bốn vùng nuôi chim yến; chuyển giao 6 quy trình nuôi, duy trì và bảo tồn chim yến đảo. Ðối với việc phát triển tài sản trí tuệ, Bộ đã triển khai và bảo hộ chỉ dẫn địa lý sò huyết Ô Loan, tôm hùm bông, cá chình bông và nhãn hiệu chứng nhận muối Tuyết Diêm.
Cùng với đó, việc phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương và con tôm, UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hợp tác các khâu xây dựng thương hiệu, chế biến, nghiên cứu nuôi tôm hùm trong bể tuần hoàn, phòng ngừa và xử lý dịch bệnh cho tôm hùm và tôm thẻ.
Công ty TNHH Thủy sản Ðắc Lộc là doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện đề tài “Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên”. Thời gian qua, Công ty đã triển khai và đạt nhiều kết quả mà dự án đề ra.
Ông Nguyễn Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Ðắc Lộc cho biết: Dự án này thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng, trong đó ngân sách khoa học hơn 19,3 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp. Qua thời gian triển khai, đến nay, doanh nghiệp đã xây dựng được hai mô hình nuôi tôm hùm trong bể trên bờ đạt sản lượng năm tấn/mô hình/vụ. Ðồng thời, xây dựng quy trình công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể có hệ thống tuần hoàn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường. Việc triển khai thành công dự án đã mở ra cách nuôi tôm hùm mới, vừa tránh được dịch bệnh, vừa không bị ảnh hưởng thiên tai và không gây ô nhiễm môi trường.
Tỉnh Phú Yên cũng đã ứng dụng khoa học, công nghệ để nghiên cứu và phát triển cây sen theo hướng hàng hóa, từ đó tuyển chọn được một số giống sen phù hợp điều kiện sinh thái vùng, cũng như hoàn thiện quy trình canh tác, chế biến cây sen theo chuỗi giá trị hàng hóa nhằm phục vụ chuyển đổi cây trồng trên một số vùng đất lúa kém hiệu quả. Ðể tăng hiệu quả kinh tế từ cây sen, tỉnh thực hiện đề tài khoa học Nghiên cứu và phát triển cây sen theo hướng hàng hóa, do Tiến sĩ Lâm Văn Hà, Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía nam (Viện Thổ nhưỡng nông hóa) làm chủ nhiệm. Qua gần ba năm triển khai thực hiện, bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực.
Tiến sĩ Lâm Văn Hà cho biết, thời gian qua, nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với lợi nhuận cao gấp từ ba đến bốn lần so với trồng lúa. Vì thế, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã quyết định chuyển đổi các vùng lúa ở nơi trũng thấp, kém hiệu quả sang trồng sen, khai thác các mặt nước đầm lầy hoang hóa đã đưa nghề trồng sen lên một vị trí mới trong ngành trồng trọt của tỉnh, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Bên cạnh đó, Phú Yên cũng là một tỉnh trồng sen khá phổ biến ở các vùng ruộng trũng thấp và trong những năm gần đây, giá trị của cây sen đã được đánh giá cao cả trong du lịch văn hóa và ẩm thực, vì thế người dân Phú Yên đã mở rộng diện tích trồng sen các vùng ruộng trũng, đặc biệt là thị xã Ðông Hòa, huyện Tây Hòa và huyện Phú Hòa…
Theo ông Phạm Minh Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Xuân Ðông (thị xã Ðông Hòa), nhờ có cây sen mà hiện nay hầu hết các diện tích ao, đầm trũng úng của địa phương đã được khai thác để trồng sen, không còn bỏ hoang như trước, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu ổn định cho nhiều hộ nông dân. Cây sen đang là loại cây trồng rất phù hợp cho các vùng đất trũng ở địa phương.
Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, để đưa khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng giúp phát triển kinh tế-xã hội tỉnh, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức tham gia phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tiếp tục hỗ trợ địa phương triển khai một số nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia, trong đó ưu tiên triển khai các nhiệm vụ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ưu tiên hỗ trợ địa phương đẩy mạnh công tác ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa nhanh kết quả nghiên cứu và tiếp nhận công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá: Phú Yên có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao… Vì vậy, nếu Phú Yên đầu tư tương xứng, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới, dịch vụ, công nghệ mới và cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, thời gian tới, Phú Yên cần có nhiều giải pháp về khoa học, công nghệ mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, như: Cách tiếp cận để đặt hàng các nhiệm vụ khoa học, công nghệ của tỉnh với việc triển khai các chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia để giải quyết bài toán quy mô lớn, có tính lan tỏa cao; hợp tác quốc tế, tìm kiếm chuyển giao các công nghệ hiện đại để phát triển các sản phẩm chủ lực về thủy sản, nông nghiệp, vấn đề truy xuất nguồn gốc, định danh mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu chính ngạch.