Phú Yên: Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường từ chợ dân sinh

BVR&MT – Mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở TN-MT triển khai tại chợ Phú Thứ (thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa) đang góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông hàng ngày của các nữ tiểu thương và người dân nơi đây.

Cán bộ Hội LHPN tỉnh trao giỏ nhựa cho người dân thị trấn Phú Thứ. Ảnh: NGỌC DUNG

Thay đổi thói quen

Trước đây, chị Lê Thị Ân bán ở sạp hàng chanh, tỏi, ớt… chợ Phú Thứ mỗi ngày sử dụng trên 1kg túi ni lông để đựng hàng bán cho khách. Nhưng hiện nay, chị Ân sử dụng túi làm bằng giấy để đựng hàng, bà con đi chợ đều vui lòng ủng hộ. Nếu túi đựng bị ướt thì người đi chợ đến điểm đổi giỏ tại chợ Phú Thứ.

Đến điểm đổi giỏ đi chợ, chúng tôi bắt gặp nụ cười thân thiện của chị Lê Thị Ái, Chủ nhiệm mô hình Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa. Là người trực tiếp quản lý điểm đổi giỏ đi chợ này, chị Ái cho biết: “Những chiếc giỏ này là do Hội LHPN tỉnh và Sở TN-MT hỗ trợ để khuyến khích chị em tiểu thương, bà con đi chợ, người dân trên địa bàn hạn chế sử dụng túi ni lông. Mỗi chiếc giỏ được làm bằng lưới cước có giá khoảng 50.000 đồng, bằng tiền mua 1kg túi ni lông, nhưng có thể giặt sạch, sử dụng nhiều lần. Những chiếc giỏ này được treo tại quầy hàng của tôi, bà con nào đi chợ quên mang giỏ có thể đến mượn giỏ sử dụng, ngày hôm sau mang đến trả lại cho người khác mượn. Nếu hàng ngày bà con sử dụng giỏ đi chợ, mỗi người sẽ bớt sử dụng vài chiếc túi ni lông…”.

Chị Nguyễn Thị Lệ Quyên, một bà nội trợ ở thị trấn Phú Thứ phấn khởi: Ngày trước, tôi mua thịt cá, rau củ quả, đựng trong túi ni lông mang về nhà. Từ ngày có điểm đổi giỏ đi chợ, tôi dần thay đổi thói quen này. Lần nào đi chợ nếu không mang giỏ, tôi đến mượn giỏ để mua thức ăn, lần đi chợ sau sẽ gửi lại cho chị Ái.

Thời gian qua, chị em tiểu thương chợ Phú Thứ đã từng bước giảm thiểu sử dụng túi ni lông cũng như tận dụng các vật dụng làm từ nhựa để tái sử dụng nhiều lần. Sau khi các vật dụng từ nhựa không còn sử dụng, chị em thu gom bán “nhôm nhựa”, thành lập quỹ hỗ trợ hơn 100 học sinh nghèo, khó khăn trên địa bàn. Việc làm này vừa giúp học sinh nghèo có thêm sách vở đến trường, vừa góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. “Thời gian tới, cùng với quỹ hỗ trợ này, 20 chị em tiểu thương – thành viên tham gia mô hình Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa này sẽ tiếp tục là những người tiên phong trong việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần khi bán hàng và giúp học sinh nghèo vươn lên trong học tập, ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường”, chị Lê Thị Ái cho hay.

Chung tay hành động

Trước những tác hại của túi ni lông và rác thải nhựa nói chung, từ nhiều năm nay các cấp Hội LHPN tỉnh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ về nguy cơ, hậu quả của việc sử dụng túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa; vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông, sử dụng bao gói thân thiện với môi trường; vận động chị em các địa phương tham gia thu gom, phân loại sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, ni lông để đưa đến các điểm tái chế bán gây quỹ ủng hộ phụ nữ, trẻ em và người dân nghèo trên địa bàn…

“Mô hình Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ Phú Thứ mà Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở TN-MT xây dựng điểm nhằm nâng cao nhận thức cho nữ tiểu thương và hội viên, phụ nữ địa phương trong việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời chúng tôi vận động chị em tiểu thương cam kết hạn chế, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái. Tại đây, chúng tôi còn hỗ trợ 50 giỏ đi chợ để xây dựng điểm đổi giỏ đi chợ cho chị em tiểu thương; hỗ trợ 4 xe đựng rác cho Ban quản lý chợ Phú Thứ và một số sản phẩm thân thiện với môi trường như: túi đựng, ly, chén, ống hút làm bằng giấy cho chị em tham gia mô hình”, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên cho hay.

Nói về những chuyển đổi trong nhận thức và hành động của phụ nữ trên địa bàn, chị Trương Thị Ngọc Diệu, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phú Thứ bày tỏ: “Tôi rất vui khi chị em tiểu thương và hội viên, phụ nữ trên địa bàn ngày càng nâng cao nhận thức, dần thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông hàng ngày. Tuy nhiên, hiện sản phẩm thay thế túi ni lông còn hạn chế và chưa thực sự tiện lợi. Chúng tôi mong trên thị trường có nhiều sản phẩm thay thế túi ni lông phù hợp, để từ đó tổ chức hội tuyên truyền, vận động chị em sử dụng sản phẩm này để chung tay bảo vệ môi trường”.

Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hội viên, phụ nữ về việc từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông, giảm thiểu rác thải nhựa, thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các cấp, ngành triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên