Phú Yên: Đẩy mạnh bảo vệ môi trường mùa mưa bão

BVR&MT – Mùa mưa bão tới cũng là thời điểm các đơn vị tích cực thu gom rác thải sinh hoạt và rác trôi nổi trên các kênh mương. Chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong giữ gìn vệ sinh để không phát sinh dịch bệnh.

Làm chuồng trại chăn nuôi giúp giữ gìn vệ sinh môi trường. Ảnh:MINH DUYÊN

Tăng cường vệ sinh

Với các đơn vị làm dịch vụ vệ sinh môi trường, vào mùa mưa bão, việc thu gom, vận chuyển rác gặp khó khăn hơn, nhưng các đơn vị này luôn tích cực duy trì lịch cố định và tăng cường công nhân để giải quyết công việc phát sinh. Ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An), cho biết: Ngày thường công nhân vệ sinh của HTX chỉ việc thu gom rác sinh hoạt tại các điểm tập kết chung hoặc tới từng hộ nếu đường bê tông thuận lợi, sau đó đưa đi xử lý. Còn khi mưa bão, đơn vị còn phải vớt bèo, vớt rác trên các kênh mương để khơi thông dòng chảy, tránh ứ đọng nước gây mất vệ sinh.

Tại TP Tuy Hòa, những ngày mưa bão, dù lượng rác tăng hơn 40% so với ngày thường nhưng vẫn được các đơn vị thu gom hết. Theo Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên, với bình quân 132 tấn rác phát thải hàng ngày, đơn vị chỉ cần huy động 2/3 công nhân. Những ngày mưa bão, đơn vị huy động 100% lực lượng vừa để thu gom hết lượng rác thải sinh hoạt trong dân, rác phát sinh trên các tuyến đường, công viên, bãi biển, không để tình trạng rác dồn lâu ngày theo nước mưa gây mất vệ sinh; vừa khơi thông cống rãnh, kiểm tra các nắp hố ga tránh ngập úng gây ô nhiễm cũng như nguy hiểm cho người dân.

Các đơn vị không làm dịch vụ môi trường cũng tăng cường nhân công thực hiện việc thu gom hết số rác theo dòng dồn về cuối kênh mương. Ông Cao Xuân Đệ, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), chia sẻ: HTX duy trì đội thủy nông nội đồng 42 người để quản lý khoảng 30.000km kênh mương phục vụ tưới tiêu cho hơn 1.600ha đất sản xuất của bà con. Hàng năm, khi mùa mưa bão tới, tổ thủy nông kiêm luôn việc vớt và xử lý rác ở cuối các tuyến kênh. HTX cũng dành kinh phí hỗ trợ thêm thu nhập từ 400.000-500.000 đồng/người/tháng cho công nhân.

Nâng cao ý thức người dân

Ở các vùng nông thôn, đặc biệt là nông thôn miền núi, thói quen sinh hoạt hàng ngày và chăn nuôi thả rông tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh khi mùa mưa bão tới. Để hạn chế tình trạng này, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền gắn với việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cho biết: Chăn nuôi thả rông phóng uế bừa bãi xung quanh nhà, ra đường mà gặp mưa gió thì càng mất vệ sinh. Hay như việc vứt rác vừa bãi, mùa nắng sau 1-2 ngày có thể gom lại đốt, còn mùa mưa không đốt ngay được, để lâu dồn ứ gây mùi hôi thối. Địa phương đã kiên trì vận động người dân từng bước hình thành thói quen bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Các hội đoàn thể kêu gọi hỗ trợ xây dựng chuồng trại cho những hộ khó khăn, neo đơn. Nhờ đó, đến năm 2020, xã hoàn thành tiêu chí này và đạt xã nông thôn mới.

Còn theo ông Lê Ngọc Tính, Bí thư Huyện ủy Phú Hòa, địa phương thực hiện xã hội hóa dịch vụ vệ sinh bằng cách hợp đồng với Công ty TNHH Tuấn Tú nên việc thu gom rác đạt trên 90%. Nhờ đó, dù vào mùa mưa bão, rác vẫn được xử lý đều đặn theo lịch có sẵn, người dân vì thế duy trì thói quen đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Cùng với đó, địa phương nâng tỉ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt chuẩn, quan tâm xử lý ô nhiễm nước thải tại khu công nghiệp, nhà máy và hộ chăn nuôi…

Theo Sở TN-MT, mùa mưa bão thường gây sức ép lên môi trường khi mà lượng rác thải tồn ứ do công tác thu gom gặp khó khăn hay việc rò rỉ nước thải từ các bãi chôn lấp, các khu công nghiệp và cả thói quen sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con… Để giải quyết, Tỉnh ủy xây dựng chương trình hành động về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ gia đình hiểu biết, có kiến thức bảo vệ môi trường sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, chất thải rắn được thu gom, xử lý đúng quy định, 95% dân số đô thị và 60% dân số nông thôn được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung…