Phú Thọ: Ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng

BVR&MT – Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, ngành kiểm lâm tỉnh đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, giám sát, bảo vệ rừng. Những thiết bị, phần mềm công nghệ đã giúp lực lượng kiểm lâm phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật…

Việc ứng dụng công nghệ giúp lực lượng kiểm lâm phát hiện sớm các thay đổi bất thường, kịp thời phát hiện biến động về rừng và đất lâm nghiệp.

Theo chân các cán bộ kiểm lâm huyện Thanh Thủy đến đồi bạch đàn của gia đình bà Đỗ Thị Quảng tại khu 12, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, chúng tôi chỉ mất 45 phút di chuyển từ dưới chân đồi lên đến đỉnh đồi thay vì di chuyển mất hai tiếng đồng hồ như trước đây, nhờ có bản đồ số và định vị GPS trên ứng dụng điện thoại. Đây cũng là nơi xảy ra vụ cháy vào ngày 4/5/2022 trong khi dọn dẹp, đốt thực bì chuẩn bị trồng cây của gia đình, bà Quảng đã bất cẩn đã để lửa cháy lan sang 2,8ha diện tích rừng bạch đàn trồi của các hộ dân xung quanh. Ngay sau khi nhận được tin báo của khu, lực lượng kiểm lâm đã sử dụng phần mềm ứng dụng, thông qua ảnh vệ tinh xác định được vị trí điểm cháy, nhanh chóng tổ chức, bố trí lực lượng đến dập lửa, kịp thời khống chế được vụ cháy. Có thể thấy, việc ứng dụng thiết bị khoa học công nghệ đã giúp lực lượng kiểm lâm huyện kịp thời xử lý, làm giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Hiện nay, huyện Thanh Thủy có tổng diện tích đất có rừng (bao gồm diện tích rừng trồng chưa thành rừng) là 2.575,3ha. Nếu như trước đây, muốn theo dõi những diễn biến của rừng, lực lượng kiểm lâm phải thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra tại hiện trường. Công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả lại không cao, việc xác minh một số vụ việc liên quan đến diễn biến của rừng bị bỏ sót, nhầm lẫn. Cùng với đó, công cụ, phương tiện hiện đại hỗ trợ cho đơn vị còn thiếu nên nhiều thông tin diễn biến về rừng như: Khai thác rừng trồng, cháy rừng, sạt lở, phá rừng, lấn chiếm đất rừng… bị bỏ sót. Để khắc phục tình trạng này, Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Thủy đã mạnh dạn ứng dụng phần mềm công nghệ vào quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, đơn vị sử dụng ảnh vệ tinh qua Google Earth, ArcGIS Earth kết hợp các phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp, như: Mapinfor, Global Mapper, máy định vị GPS, máy tính và điện thoại sử dụng hệ điều hành Android có cài đặt ứng dụng FRMS- phần mềm theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp và chi trả dịch vụ môi trường rừng và công tác quản lý rừng. Với các tính năng như đo đạc, hỗ trợ kiểm tra thực địa áp dụng cho lĩnh vực lâm nghiệp, quản lý số lô rừng, trạng thái rừng, tên chủ hộ có rừng, loại cây trồng, năm trồng, trữ lượng,… những thiết bị trên đã giúp phát hiện và cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Thanh Thủy cho biết: “Từ những hình ảnh vệ tinh, số liệu diễn biến rừng trên phần mềm, đơn vị có thể thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến rừng, việc tổng hợp số liệu cũng dễ dàng, nhanh chóng. Đó thực sự là những công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp chúng tôi nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Bên cạnh những kiến thức nghiệp vụ, thông qua các buổi tập huấn, cán bộ kiểm lâm đã sử dụng thành thạo những phần mềm để áp dụng vào công việc thực tế”.

Với các thiết bị, ứng dụng công nghệ, cán bộ kiểm lâm có thể truy cập thường xuyên để theo dõi diễn biến rừng từ ảnh vệ tinh cung cấp. Có nguồn thông tin tham khảo này, cán bộ kiểm lâm sẽ xây dựng phương án kiểm tra, đo đạc vị trí cụ thể tại thực địa nhanh, thuận lợi, chính xác. Trước khi đến hiện trường, lực lượng kiểm lâm sẽ bật máy tính, điện thoại và truy cập các phần mềm, máy sẽ cho thông tin về vị trí, diện tích biến động hiển thị trên màn hình rất tiện lợi. Những dữ liệu này sẽ giúp lực lượng kiểm lâm làm sơ đồ kiểm tra rừng, chia tách các lô rừng có biến động, tính được quãng đường, thời gian đi lại… Qua đó, giúp các đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện, thành, thị, phê duyệt, công bố kết quả theo dõi diễn biến rừng, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quản lý rừng và đất lâm nghiệp đúng với hồ sơ và thực địa; nâng cao độ chính xác trong việc tổng hợp và xây dựng các báo cáo kết quả hàng năm; phát hiện, xác định được diện tích rừng bị lấn chiếm trái phép, độ che phủ rừng; tính được giá trị kinh tế của rừng…

Tổng diện tích rừng và diện tích chưa thành rừng trên toàn tỉnh là 170.052,7ha, với tỉ lệ che phủ là 40%. Năm 2021, nhờ ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng, chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện, cảnh báo sớm 50-70 vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm còn khuyến khích các Hạt Kiểm lâm thường xuyên truy cập vào hệ thống cảnh báo cháy rừng của trang thông tin điện tử Cục Kiểm lâm để sớm phát hiện, xử lý nhanh các vụ cháy rừng. Năm 2021, Chi cục đã phát hiện và cảnh báo sớm khoảng 50-70 vụ cháy rừng trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện biến động về rừng, đất lâm nghiệp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ phá rừng, đào bới, san ủi… Bên cạnh đó, Chi cục sử dụng tin nhắn thông tin cảnh báo cháy rừng bằng điện thoại cho hơn 20 nghìn người là lãnh đạo Ban Chỉ đạo lâm nghiệp bền vững tỉnh, các Sở, huyện, xã phụ trách trực tiếp, cán bộ kiểm lâm, trưởng khu dân cư có rừng; thành lập các nhóm phản ứng nhanh phòng cháy chữa cháy rừng tại các huyện trên nền tảng mạng xã hội Zalo. Hàng năm, Chi cục tổ chức nhiều lớp tập huấn sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cho cán bộ kiểm lâm, nhằm nâng cao kỹ năng áp dụng vào thực tế.

Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục chỉ đạo các Hạt kiểm lâm trên địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đặc biệt là sử dụng các phần mềm ứng dụng, thiết bị, ảnh viễn thám trong công tác theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phát hiện các vụ vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Đề xuất Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn tiếp tục đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho quản lý rừng, theo dõi tình hình diễn biến rừng để công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn đạt hiệu quả cao hơn. Mua ảnh vệ tinh của các cơ quan uy tín để giải đoán ảnh, đối chiếu hiện trạng trong hồ sơ quản lý, giám sát tình hình diễn biến rừng, không để điểm nóng về phá rừng, cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các chuyên mục tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông và nền tảng các mạng xã hội Zalo, Facebook… để mọi người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng.