Phú Thọ: “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước. Cả nước hướng về Đền Hùng”!

BVR&MT – Trên dòng chảy của lịch sử Việt Nam, Phú Thọ như là bến bờ nguyên sơ cho mọi con thuyền xuất phát đi tới mọi nẻo đường đất nước. Trong tâm tưởng của người Việt Nam, ai cũng coi Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc xã Hy Cương là vùng Đất Tổ để hàng năm, cứ đến ngày 10-3 âm lịch, theo sự thôi thúc của tâm linh, mở cuộc hành hương về đất cội nguồn, thắp nén hương bái vọng các Vua Hùng, mở nền độc lập…

Đền Thượng – nơi các Vua Hùng tiến hành các nghi thức cầu khấn trời đất, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cho muôn dân được ấm no, hạnh phúc.

Còn nhiều ý kiến khác nhau, song sự thật hiển nhiên mà lịch sử khảo cổ học đã xác nhận: Phú Thọ, từ hàng vạn năm về trước với văn hóa Sơn Vi là những công cụ đá ghè, đẽo, đã một thời hằn vào lịch sử trong công cuộc chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để sinh tồn. Thời kỳ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun… Theo thời gian mà đất Phú Thọ hội tụ các dòng văn hóa, tạo nên những giá trị vật chất, tinh thần, cốt cách người Việt Nam sau này.

Rõ ràng người Lạc Việt, thời Hùng Vương đã có công cụ sản xuất phát triển, có nền văn hóa riêng đặc sắc, được khắc họa đến mức chi tiết trên các hiện vật tìm thấy đang được bảo tồn đến ngày nay. Đó là sự mô phỏng và cách điệu không khí lao động sản xuất, tín ngưỡng và nét sinh hoạt văn hóa đầy chất nghệ thuật trên trống đồng, thạp đồng và các công cụ sản xuất hoặc được trạm trổ trên các đồ vật khác… Có thể nói: Đất Tổ đã là địa bàn cho sự phát triển, là cái nôi nuôi dưỡng lịch sử dựng nước của dân tộc, tạo tiền đề cho sự phát triển của người Việt văn minh sau này.

Dòng chảy của lịch sử lại một lần nữa được chứng kiến, được ghi nhận một sự kiện trọng đại – đó là lời nói bất hủ của Bác Hồ cất lên từ Đền Hùng, tháng 9 năm 1954, trên đường cùng đoàn quân chiến thắng Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”. Lời nói lịch sử ấy không chỉ lắng đọng trong lòng cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong trên vuông sân rêu phong tại Đền Giếng, mà lời nói của Người còn truyền từ Đền Hùng, vang tới Ba Đình, tới thành phố mang tên Bác… đến mọi trái tim người Việt Nam yêu nước và còn vang vọng tới mai sau.

Người dân thắp hương tri ân công ơn các Vua Hùng.

Lời nói Bác Hồ có sức mạnh mở lòng, khai trí, đưa chúng ta về với quá khứ hào hùng của dân tộc khát khao độc lập, tự do, mở hướng cho một tương lai rực rỡ, thể hiện ý chí và quyết tâm sắt đá, bảo vệ và giữ gìn bằng được nền độc lập vững bền cho dân tộc.

Ngược dòng chảy thời gian, tại bến Nhà Rồng, cách đây 111 năm khi đất nước còn trong bóng tối, nhân dân còn sống trong nô lệ, tủi hờn, Nguyễn Ái Quốc ra đi, đến một phương trời xa tìm đường cứu nước… Sau bao năm bôn ba trên “đất khách, quê người” nếm mật, nằm gai… để rồi 34 năm sau, tại Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc vang Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác Hồ đã thống nhất lịch sử, gạch những nét son giữa quá khứ – hiện tại – tương lai. Giản dị như chân lý, nhưng rất sâu sắc và chân thực.

Về hiện tượng trong mối quan hệ giữa thời gian, không gian từ Bến Nhà Rồng – Sài Gòn năm 1911- Ba Đình lịch sử tháng 9/1945 – Đền Hùng tháng 9/1954 và thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) 30/4/1975, suy nghĩ và nhìn nhận từ bản chất của sự vật thì đây là sự thống nhất phát triển. Thời gian và không gian của lịch sử đã được Hồ Chí Minh thu kết thành quá trình phát triển bền vững, trường tồn…

Khởi đầu là sự ra đi tìm đường cứu nước của anh thanh niên Xứ Nghệ Nguyễn Tất Thành tại Bến Nhà Rồng năm 1911; mở đầu cho một thời kỳ lịch sử, đấu tranh giải phóng dân tộc…

Địa danh Sài Gòn xưa đã mấy ai biết tới, bởi nó cũng hoang sơ như bao vùng đất khác trên dải đất hình chữ S… Nhờ có lợi thế về địa lý, có bến cảng, đường sá phát triển; là điểm hội tụ của các tỉnh Nam Bộ, Sài Gòn đã sớm có nền thương mại phát triển và là đầu mối giao thương giữa các vùng miền và cả giao thương quốc tế…

Nhìn lại Sài Gòn xưa, thật sự tự hào với Sài Gòn- Thành phố mang tên Bác những năm đổi mới: Năng động, sáng tạo, nhạy bén hòa nhập với cơ chế thị trường để không ngừng phát triển, ghi những mốc son mới! Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh luôn đi đầu và dẫn đầu các địa phương cả nước về nhiều mặt, xứng đáng là thành phố HỒ CHÍ MINH RỰC RỠ TÊN VÀNG.

Trở lại điểm xuất phát, Phú Thọ là đất cội nguồn thấm đậm hồn thiêng sông núi; đúng như câu đối ở Đền Hùng:

“Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà non nước vẫn quay về Đất Tổ.
Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ ông”.

Phú Thọ tự hào vì có Đền Hùng và vinh dự được thay mặt nhân dân cả nước chăm lo, gìn giữ tài sản văn hóa, lịch sử vô giá của dân tộc, coi đó là trách nhiệm to lớn rất đỗi thiêng liêng đã in sâu trong tâm linh của mỗi người dân Đất Tổ.

Trong những năm qua, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã phát huy truyền thống cách mạng, động viên tối đa sức mạnh đoàn kết; chung sức, đồng lòng thực hiện công cuộc đổi mới. Liên tục trong nhiều năm, nền kinh tế – xã hội phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; tốc độ tăng trưởng kinh tế; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khá, chú trọng khai thác nguồn lực trong nhân dân; mở rộng khai thác đầu tư các thành phần kinh tế; vì vậy đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Các hoạt động xã hội phát triển lành mạnh; giữ gìn và khơi dậy bản sắc văn hóa truyền thống vùng Đất Tổ; tạo nên thế và lực mới cho các bước phát triển tiếp theo; xứng đáng với lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn:

Ghi nhớ công lao trời biển của các Vua Hùng đã có công dựng nước; tỉnh Phú Thọ cần phải xây tháp tưởng niệm, để: “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước. Cả nước hướng về Đền Hùng”!

NGUỒNbaophutho.vn
Tags: ,
CHIA SẺ