Phú Thọ: Phát triển rừng gỗ lớn ở Thanh Sơn

BVR&MT – Thanh Sơn là huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, chiếm gần 70% tổng diện tích đất tự nhiên. Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã quan tâm, định hướng người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Sơn kiểm tra rừng trồng gỗ lớn đã được chuyển hóa trên địa bàn xã Võ Miếu.

Thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh thay thế Nghị quyết số 05, huyện Thanh Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp, ngoài việc thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh, huyện cũng tập trung các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân, đồng thời các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ tập trung đầu tư trồng, chuyển hóa rừng gỗ lớn; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật cho các hộ trồng rừng thâm canh gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với cây keo lai và keo tai tượng nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Là một trong những hộ có diện tích rừng lớn, ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Cự Thắng hiện có 10ha rừng trồng keo tai tượng bẩy năm tuổi. Qua nhiều năm phát triển kinh tế từ rừng, nhận thấy việc chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn cho hiệu quả cao, gia đình quyết định chuyển hóa diện tích rừng hiện có sang trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ khai thác từ 10-12 năm để tăng kích thước, giá thành khi thu hoạch. Theo ông Sơn, trồng rừng gỗ nhỏ bẩy năm tuổi, lợi nhuận đạt khoảng sáu triệu đồng/ha/năm, nếu trồng, chuyển hóa gỗ lớn 11 năm, lợi nhuận đạt khoảng 12 triệu đồng/ha/năm. Như vậy trồng rừng gỗ lớn lợi nhuận tăng gấp đôi so với trồng rừng gỗ nhỏ. Ngoài ra, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác, đường kính của cây. Bên cạnh đó, khi đã chuyển hóa rừng trồng, gia đình lại được nhận tiền hỗ trợ từ chương trình chuyển hóa rừng gỗ lớn của Nhà nước, do đó sẽ có thêm kinh phí để chăm sóc cây phát triển tốt hơn.

Không chỉ riêng hộ ông Sơn ở xã Cự Thắng, từ năm 2020 đến nay đã có trên 100 hộ dân, chủ rừng tập trung ở một số xã như Võ Miếu, Thạch Khoán, Tất Thắng, Cự Thắng… tham gia chuyển hóa rừng gỗ lớn. Ông Trần Quang Hưng- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Sơn cho biết: Việc phát triển rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người dân mà còn giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng. Do đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chức năng trên địa bàn huyện đã tích cực chỉ đạo, định hướng, khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân phát triển rừng, tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn.

Năm 2022, toàn huyện đã trồng trên 2.600ha rừng tập trung, hơn 300.000 cây phân tán, chuyển hóa 100ha cây gỗ lớn, khoán bảo vệ gần 10.000ha rừng tự nhiên, trồng trên 500ha rừng gỗ lớn. Theo kế hoạch, năm 2023, huyện được giao trồng mới gần 2.600ha rừng tập trung, trong đó trồng 650ha rừng gỗ lớn. Để đạt được mục tiêu trong thời gian tới, huyện Thanh Sơn tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai thực hiện các dự án trồng rừng gỗ lớn, hoàn thành tốt chỉ tiêu diện tích trồng rừng gỗ lớn. Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả kinh tế cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ lớn; khuyến khích các doanh nghiệp, gia đình liên kết đầu tư trồng rừng gỗ lớn để phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.